Quên mình vì yêu
Chị là Lê Thị Kim Tiến (SN 1963 ở Ninh Giang, Hải Dương) xuất thân từ gia đình có truyền thống nghệ thuật. Bố chị dạy hát chèo, kiêm chủ một tiệm ảnh khá lớn. Nhà có tới 10 anh chị em, phần lớn anh chị em trong gia đình chị đều theo con đường nghệ thuật. Gia đình chị đông con nhưng sống khá sung túc trong những tháng ngày bao cấp.
19 tuổi, sau khi “sung quân” vào Nhà hát Kịch nói Hải Dương chừng một năm, chị kết hôn. Chồng chị cũng là một diễn viên kịch nói và là thầy dạy của chị. Cưới nhau xong, họ dẫn nhau về quê anh ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Từ một người chỉ biết có sân khấu, lớn lên trong gia đình không phải lo ăn, lo mặc, chị phải lăn lộn với cuộc sống. Mỗi sáng chị phải dậy thật sớm, đi bộ cả mấy cây số với gánh bánh rán trên vai tới chợ. Buổi chiều thì làm ruộng. Nhưng tình yêu đã giúp chị vượt qua tất cả… Chị ngậm ngùi: “Đến lúc bớt khổ, có cái ăn, cái mặc thì lại phụ nhau, say mê người khác”.
Người chồng ấy đã quyết lấy chị bằng được rồi lại phụ tình. Sau khi ly hôn, 23 tuổi, chị lên Hà Nội xin vào Đoàn Kịch nói Bộ Nội vụ. Đồng lương eo hẹp nên chị phải tranh thủ đi buôn thêm phụ tùng xe đạp. Công việc buôn bán này đưa đẩy chị gặp anh Nguyễn Văn C (sinh năm 1958), hơn chị 5 tuổi, lúc đó cũng mới ly hôn, nhà ở phố Huế, Hà Nội.
Người chồng tàn độc
Năm 1988, thêm một lần nữa “yêu là cưới”, chị bước vào cuộc hôn nhân thứ hai, bất chấp sự phản đối của gia đình anh C. Mẹ anh C đến cơ quan chị gây chuyện ầm ĩ, chị buộc phải nghỉ việc. Hai người về Hải Dương thuê mặt bằng, tiếp tục kinh doanh phụ tùng xe đạp. Đến năm 1993, thấy công việc làm ăn của vợ chồng chị phát đạt, mẹ chồng chị nói hai người về Hà Nội. Nhưng sau khi thâu tóm kinh tế vợ chồng con, bà tìm cách gây chuyện, xúi giục con trai đối xử tệ bạc với vợ.
Thế là thêm một lần, chị ôm con bỏ đi với hai bàn tay trắng. Không nhà cửa, không vốn liếng, chị về ở nhờ nhà chị gái tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Năm 1996, hai chị em vào TP.HCM chơi. Thấy nghề làm mành cửa, rèm trang trí nội thất ở TP.HCM phát đạt mà Hà Nội chưa có, chị học “lỏm” cách làm rồi về Hà Nội kinh doanh. Cửa hàng của chị rất đông khách, làm không hết việc.
Đúng lúc đó, anh Nguyễn Văn C tìm đến đề nghị chị quay lại, mặc dù lúc này anh ta đã có vợ mới. C đe dọa nếu chị không nối lại tình xưa thì anh ta sẽ tạt axít. Chị nghĩ C chỉ dọa vậy thôi. Nhưng không ngờ, anh ta nung nấu âm mưu hủy hoại nhan sắc của chị để không còn người đàn ông nào dám theo đuổi chị nữa.
Chị Tiến trước khi bị tạt axit |
Thế rồi, ngày định mệnh ấy - 23/8 âm lịch năm 1997, C đến, ngồi lì ở cửa hàng của chị từ chiều, năn nỉ xin chị quay trở lại với mình. Sẩm tối, chị đóng cửa về nhà em gái ở Yên Hòa. Đi tới Trung tâm Thương mại Cầu Giấy, bất thình lình chị thấy có chất lỏng ập vào mặt và cổ bỏng rát, giống như cả một khối bê tông ập vào mặt và thân thể mình. Chị bị C tạt acid. Nguyễn Văn C đi đằng sau, vờ hốt hoảng, hô hoán: “Trời ơi, ai cứu vợ tôi với!”.
Khi đưa chị vào Bệnh viện 103 cấp cứu, thái độ lúng túng, bất bình thường của C khiến cơ quan công an nghi ngờ. Nguyễn Văn C phải thú nhận chính anh ta là kẻ đã chủ mưu và thuê người tạt acid vợ cũ. Kẻ trực tiếp tạt acid chị đã trốn biệt tích, mấy năm sau mới bị bắt. Nguyễn Văn C bị đưa ra tòa và bị xử 15 năm tù, còn tên kia lĩnh 20 năm tù.
Bố C nhờ chị xin giảm án cho C với điều kiện sang tên cho chị cả căn nhà mặt phố. Chị nói, chị không cần dựa vào ai để có tiền. Khi ra tòa, C vẫn không hề hối lỗi trước nỗi đau gây ra cho chị. Thế nhưng, chị vẫn xin giảm án cho anh ta. Thậm chí, khi anh ta thụ án tại Nghệ An, chị vẫn lặn lội vào thăm nuôi, đem cả con vào gặp cha, dù mỗi chuyến đi vô cùng vất vả. Mọi người mắng chị mê muội, nhưng chị nghĩ, đó là cách để anh ta nhận ra tội lỗi của mình. Tuy nhiên, khi nghe bên nhà Nguyễn Văn C nói, bây giờ chị xấu như quỷ, không lấy được ai nữa nên muốn quay trở lại với anh ta, chị quyết định không đi thăm C nữa, dù vẫn làm đơn xin giảm án cho C. Do cải tạo tốt nên 7 năm sau, C ra tù và đến xin lỗi chị.
Hành trình 47 lần lột da, xé thịt
Những ngày điều trị bỏng axít tại Bệnh viện 103 có lẽ là những ngày tận cùng nhất trong cuộc đời chị. Thương em, anh của chị là Lê Huy Dũng đã xin nghỉ dài hạn không lương ở Thủy điện Sông Đà, từ Hòa Bình xuống Hà Nội chăm sóc chị.
Chị liên tục lên bàn mổ, lúc nào cũng mê man vì mới tỉnh cuộc phẫu thuật này đã lại phải gây mê cho cuộc phẫu thuật khác. Cũng may là khi bị tạt axit, theo phản xạ tự nhiên, chị đưa tay lên ôm mặt. Do đó, mắt chị không bị phá hủy, nhưng bàn tay và cánh tay bị co quắp, ba ngón tay co lại, gần như dính chặt vào nhau. Để giữ được đôi mắt, cứ 15 phút chị phải nhỏ thuốc một lần, với gần chục loại thuốc khác nhau.
Sau hơn 41 ngày điều trị, chị trốn viện về nhà. Trên người chỗ nào cũng có sẹo vì các mảng da được bóc ra để vá trên mặt và cổ đã bị axít hủy hoại.
Lần đầu nhìn thấy mặt mình trong gương, chị cảm giác khủng khiếp như bất ngờ nhìn thấy quái vật. Cô diễn viên kịch nói xinh đẹp ngày nào giờ phải mang bộ mặt méo xệch, lệch sang phía bên trái. Cái mũi thanh tú biến mất, chỉ còn hai lỗ mũi hếch lên. Một bên tai cũng biến mất. Vùng cổ và hai cánh tay chằng chịt sẹo. Chị kêu thét lên rồi ngất xỉu...
Nhiều lần chị định gieo mình từ tầng 3 xuống nhưng người thân biết nên canh giữ chị 24/24h. Một đêm, khi cầm bả thuốc chuột trên tay, chị vô tình ngã vào con trai lớn. Chị nghĩ tới vành khăn trắng trên đầu hai đứa con thơ dại, và bừng tỉnh nhận ra dù thế nào đi chăng nữa cũng cần phải sống để nuôi con.
Chị trở lại đời thường với chiếc khăn lúc nào cũng trùm kín mặt. May mắn cho chị, khoảng nửa năm sau khi tai nạn xảy ra, có một đoàn bác sĩ Mỹ sang phẫu thuật, tạo hình nhân đạo miễn phí. Ca phẫu thuật tạo mũi, tạo tai, kéo cơ mặt và vá da cổ kéo dài suốt mấy ngày. Tính đến năm 2008, sau khi trải qua tổng cộng 47 lần phẫu thuật, chị Kim Tiến mới có thể tự tin gặp mọi người với khuôn mặt không che khăn.
Khoảng một tuần trước khi xảy ra tai nạn, chị rủ mấy người bạn gái đi chụp ảnh tại studio của vợ chồng nghệ sĩ Chí Trung-Ngọc Huyền. Năm đó chị 35 tuổi, chị mặc váy cô dâu, gương mặt rạng rỡ hạnh phúc…
Và như điềm báo, trong những tháng ngày khó khăn đó, tình yêu đến với chị như một phép lạ. Trong một lần họp mặt Đoàn kịch Hải Dương, chị biết có người đàn ông yêu thầm, nhớ vụng chị từ ngày chị mới gia nhập đoàn kịch. Chị lấy chồng, anh sống độc thân từ đó. Anh tình nguyện xin được săn sóc chị… Anh đưa ra một chiếc túi màu đỏ, nói rằng lúc chị rời đoàn kịch theo chồng, anh đã cắt trộm vạt áo dài phục trang của chị về khâu thành chiếc túi làm kỷ niệm.
Anh chị đã làm đám cưới. Hồi đó, mỗi lần đưa chị đi phẫu thuật, anh đều có thơ tặng chị. Thế nhưng, hạnh phúc “ngắn chẳng tày gang” với người đàn bà đa đoan. Khi họ có thêm cô con gái xinh xắn thì cũng là lúc anh lẳng lặng ra đi, dù giữa hai người không hề có một lời cãi vã. Anh yêu cầu chị hoặc chọn anh hoặc chọn hai con trai, mà chị thì không thể đánh đổi tình mẫu tử…
Vợ chồng chị Kim Tiến. |
Gần 20 năm qua, từ một cửa hàng nhỏ mang tên con trai Công Anh ở số 194 phố Cầu Giấy, đến nay chị đã có hơn chục cửa hàng lớn, nhỏ ở khắp các quận tại Hà Nội. Chị nói, công việc bận rộn tối ngày, chị chẳng có thời gian mà buồn phiền. Cuối năm vừa rồi, sau 10 năm khép cửa hoàn toàn với tình yêu, trong một lần đi hát với bạn bè, chị đã gặp “bờ vai” của mình.
Anh là một tay kèn nổi tiếng ở Hà Nội những năm 80, 90 nhưng “ở vậy” 30 năm qua. Anh phải lòng chị ngay cái nhìn đầu tiên. Anh thương yêu mọi nỗi đau, sự nghiệt ngã của đời chị và trân trọng chị. Chị nói, chị cảm động bởi sự chu đáo, tỉ mỉ của anh khi hàng ngày anh một mình tắm rửa, cơm cháo cho mẹ đã 85 tuổi bị tai biến nhiều năm nay. Hai mẹ con anh luôn thân thiết, tình cảm…
Nụ cười, hạnh phúc tình yêu đã tỏa sáng trên gương mặt của họ. Chị như sống lại thời xuân sắc bởi cả hai đều cảm thấy mình trẻ trung và ngọt ngào khi được bên nhau…