Nhiều bản nhạc vi phạm tác quyền
Vài ngày nay, dư luận xôn xao tin một loạt video cover bài hát nhạc Hoa “Độ ta không độ nàng” đã … mất tích; dù nhiều bản cover đã đạt từ vài triệu đến vài chục triệu lượt xem trên Youtube. Nguyên nhân là một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ bản quyền đã mua bản quyền ca khúc từ chủ sở hữu ở Trung Quốc đã gửi công văn đến Việt Nam yêu cầu tất cả cá nhân, pháp nhân và tổ chức muốn sử dụng, sao chép, phân phối bài hát này phải trả phí tác quyền. Chi phí cố định cho việc sử dụng, sao chép, phân phối là 5 triệu đồng, doanh thu đối soát là 33% thu được từ sản phẩm được đăng tải.
Nhiều chủ kênh Youtube đã phản ứng khác nhau trước hành động của đơn vị nắm bản quyền. Khánh Phương thấy tiền bản quyền xứng đáng nên chấp nhận chi trả; sau khi hoàn tất, anh đã mở video trở lại và tiếp tục khai thác bình thường. Còn nhiều chủ kênh khác cho rằng mình chỉ “cover cho vui” hoặc thấy “sản phẩm không tương xứng với phí bản quyền” nên đành chấp nhận mất video. Anh Duy phản hồi “sẽ không dựa dẫm vào ca khúc này nữa”; còn Phương Thanh bức xúc gọi đây là “chơi dơ”.
Nhìn lại thời gian qua, ca khúc “Độ ta không độ nàng” của tác giả Cô Độc Thi Nhân (Trung Quốc) bỗng dưng rộ lên với rất nhiều bản cover của ca sĩ Việt. Có những bản cover chuyển ngữ, có những bản cover được thay lời mới, nhưng tất cả đều mang giai điệu gốc của bản nhạc Hoa này; chưa kể tới còn có nhiều phiên bản khác nhau về thể loại âm nhạc như: ballad, remix, kết hợp với đàn tranh…
Được biết, lời Việt đầu tiên do tác giả Tuyên Chính viết lời, sau đó có thêm phiên bản lời Việt của ca sĩ Phương Thanh, nhạc sĩ Hamlet Trương, phiên bản do ca sĩ Quách Tuấn Du hát với phần lời được chắp bút bởi thầy Thích Nhật Từ…
Tốc độ lan tỏa của bản nhạc này lớn đến mức gây “ám ảnh” cho công chúng. Hàng loạt nghệ sĩ bắt tay ngay vào việc cover chỉn chu, bài bản đối với ca khúc này theo phong cách và chất giọng của mình; ngoài Trấn Thành, Khánh Phương, còn có Hoàng Y Nhung, Minh Vương M4U, Kasim Hoàng Vũ, diễn viên Hiếu Hiền, diễn viên Hoàng Kim Ngọc... cũng lựa chọn “đu theo trào lưu”.
Đó là chưa kể tới số lượng hàng trăm bản cover của khán giả hoặc các hot YouTuber, trong đó có nhiều bản thu về lượng view không kém ca sĩ chuyên nghiệp như: Hương Ly, Thái Quỳnh, Thiên An, Thảo Phạm, Lan Hương, Huy Vạc...
Tựu trung lại, chính giới showbiz Việt đã tạo nên “cơn sốt… không cần thiết” cho ca khúc này; nhưng khi phải đối mặt với hậu quả pháp lý, phần đông lại lấy đủ lý do ngụy biện hoặc chọn im lặng nhằm… trốn tránh trách nhiệm. Giới chuyên môn nhận định phí bản quyền phía Trung Quốc đưa ra là mức giá “hữu nghị” và những ca sĩ, nghệ sĩ Việt đã cover ca khúc này cần phải tuân thủ quy định về tác quyền.
Cần tôn trọng nộp phí tác quyền
Theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, tác giả của ca khúc có quyền không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc chế lại lời, giai điệu của bài hát dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Trong đó, khái niệm “tác phẩm phái sinh” là các tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.
Vì vậy, dù là phiên bản nhạc Hoa lời Việt; dù là phiên bản ballad, remix, đàn tranh; hay phiên bản beat mới được viết lại dựa trên beat gốc của bài hát đều được coi là tác phẩm phái sinh từ bản gốc. Theo đó, hành vi xâm phạm quyền tác giả có bao gồm hành vi làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh; trừ một số trường hợp như nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy tại trường học …
Nhiều nghệ sĩ Việt vẫn cố gắng phân bua “phiên bản Việt là một bài hát mới, khác hẳn với phiên bản Hoa”, hoặc cho rằng “mình chỉ sáng tạo dựa trên bản gốc chứ không sử dụng bản nhạc đó”, nên không cam tâm trả phí tác quyền.
Tâm lý này có lẽ xuất phát từ thói quen “đạo nhạc”, “sử dụng nhạc chùa” của nhiều nghệ sĩ Việt nhiều năm qua. Trong khi việc nộp phí bản quyền là bình thường trên thế giới, nhiều nghệ sĩ còn phải “ngậm ngùi” trả thêm khoản tiền bồi thường vì hành vi sử dụng, lưu thông trái phép tác phẩm phái sinh.
Xét về chuyên môn âm nhạc, nhạc sĩ Dương Trường Giang quan điểm: “Có thể xác định một ca khúc là đạo nhạc dựa trên việc một ca khúc có 12 nốt liên tục trùng với một ca khúc khác. Song, việc trùng hợp 12 nốt nhưng cách hòa âm, cách hát, nhấn nhá, nhịp phách khác nhau cũng có thể khiến 2 ca khúc khác biệt.
Khi đó, cần so sánh các đoạn nhạc ở những yếu tố khác, như nếu bài hát đó giống bài gốc từ giai điệu cho đến cấu trúc bài, bao gồm: vòng hòa thanh chạy dài nguyên bài, số chỉ nhịp, giai điệu, tốc độ bài hát, khoảng cách giữa các nốt và cả ý tưởng sử dụng trong lời bài hát; thì mới có thể kết luận là đạo nhạc.”
Đáng nhấn mạnh, ngoài việc nhận thức của nhiều nghệ sĩ Việt về pháp luật sở hữu trí tuệ chưa sâu sắc; pháp luật của Việt Nam cũng chưa thực sự có những quy định cụ thể về việc nghệ sĩ Việt đạo, nhái tác phẩm nước ngoài hoặc ngược lại, nghệ sĩ nước ngoài đạo, nhái, sử dụng trái phép tác phẩm của người Việt.
Thiết nghĩ, một bài hát được sáng tác ra là một tác phẩm âm nhạc được pháp luật bảo hộ quyền tác giả là điều dễ hiểu, hợp tình hợp lý nhưng trên thực tế việc phát hiện chậm trễ và xử lý vi phạm không triệt để vẫn còn gây nhiều bức xúc, tranh cãi.
Vụ kiện tác quyền bài hát “Độ ta không độ nàng” là “tiếng chuông cảnh tỉnh” cho các nghệ sĩ Việt đã “chạy theo trào lưu” một cách mù quáng, thiếu hiểu biết. Lối suy nghĩ “sính ngoại” đạo nhái, sử dụng nhạc của nước ngoài rồi phổ lời Việt cho “thời thượng” không chỉ tự kìm hãm sự sáng tạo của người làm nghệ thuật mà cũng khiến cho nên âm nhạc Việt cũng dần mất đi bản sắc.