Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trước hết Nhà nước phải gỡ bỏ ngay những “nút thắt” về đất đai, khơi thông cho được khả năng tiếp cận vốn đầu tư dài hạn, cũng như xét lại xu hướng thiên vị cho công nghiệp - đô thị như hiện nay để dồn nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Khó “cất cánh”
Nói về khả năng sinh lời của việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, Kỹ sư Nguyễn Thế Hà - Cty Cơ khí CNN Bùi Văn Ngọ phân tích: Khi san phẳng ruộng bằng công nghệ laze, tưới tiêu bằng hệ thống tưới tiết kiệm thì sản xuất lúa tiết giảm chi phí được 1500 đồng/kg. Và khi thu hoạch bằng máy gặt liên hợp, cấy lúa bằng công nghệ tiên tiến, chế biến gạo bằng CNC chúng ta tiếp tục giảm thêm được 1500 đồng/kg nữa.
Kỹ sư này đinh ninh, nếu làm được điều trên, riêng khu vực ĐBSCL đã tạo ra giá trị tăng thêm khoảng 3000 đồng/kg lúa. “Như thế với 20 triệu tấn lúa làm ra mỗi năm ở ĐBSCL chúng ta sẽ có được khoảng 6000 tỷ đồng. Điều này chúng ta hoàn toàn có thể làm được nếu quyết liệt cơ giới hóa, ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp”, ông Hà tin tưởng.
Vẫn biết, ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp là xu hướng chủ đạo và tất yếu trong hội nhập, nhưng theo ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế T.Ư, thì hưởng ứng chủ trương phát triển nông nghiệp CNC, các bộ, ngành, các địa phương cũng đã có nhiều chính sách và giải pháp. Và trên thực tế đã hình thành những vùng, những khu và những doanh nghiệp CNC. Nhưng do chính sách còn có nhiều bất cập nên phát triển, ứng dụng CNC ở nước ta vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, không được như mong đợi.
Thống kê cũng cho thấy, hiện nay, cả nước mới chỉ có 3 khu nông nghiệp ứng dụng CNC (NNUD) được Thủ tướng thành lập. Ba địa phương đã xây dựng xong đề án thành lập khu NNUDCNC gửi Bộ NN&PTNT xem xét, thẩm định. Và cũng chỉ mới có 25 doanh nghiệp NNUDCNC được Bộ NN&PTNT thẩm định và công nhận. Nhưng ngay cả một số khu NNUDCNC đã được Chính phủ quyết định thành lập tiến độ triển khai xây dựng rất chậm chạp mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu vốn đầu tư.
Bảy nút thắt cần gỡ là gì?
Là tập đoàn đi tiên phong trong việc ứng dụng KHCN vào sản xuất, dự án chăn nuôi bò sữa và dự án rau sạch FVF của Tập đoàn TH bước đầu đã đạt được những thành công vang dội, nhưng lãnh đạo Tập đoàn này cũng phải thú thật rằng, để có thành quả như hôm nay là do bản thân tự thân vận động. Lãnh đạo Tập đoàn này nói họ đã không nhận được bất cứ ưu đãi, hay lợi ích gì từ những chính sách hiện tại của Nhà nước.
TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường, Bộ NN&PTNT cũng thừa nhận rằng ruộng đất không tập trung, sản xuất manh mún và không đồng đều dẫn đến vùng nguyên liệu và việc sản xuất bị nhỏ lẻ, việc bố trí nguồn lực sản xuất không tập trung, khó khăn trong việc áp dụng KHCN, cơ giới hóa. Ngoài ra, nguồn vốn dành cho lĩnh vực NNUDCNC có, song thực tế điều kiện để DN tiếp cận được còn gặp nhiều khó khăn, thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp.
Theo TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (IPSARD), hiện nay Việt Nam đang loay hoay ở những bước đi đầu tiên trong giai đoạn chuyển từ nền nông nghiệp với mục tiêu chủ yếu là đa dạng hóa nông nghiệp sang giai đoạn một nền nông nghiệp với mục tiêu hàng đầu là phát triển kinh doanh nông nghiệp, đòi hỏi những chính sách khôn ngoan và thể chế phù hợp để nông nghiệp, nông thôn có thể “cất cánh”.
Viện trưởng Viện IPSARD chỉ ra 7 nút thắt chính trong chính sách cần phải tháo gỡ ngay: Đất đai manh mún, phân tán, thị trường đất nông nghiệp hoạt động yếu ớt; Khó tiếp cận vốn đầu tư dài hạn và bài bản cho sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; Thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hạn chế; Năng suất lao động nông nghiệp thấp, thị trường lao động nông thôn ách tắc, mất cân đối; Mức độ ứng dụng tiến bộ KHCN trong nông nghiệp thấp; Kinh tế hợp tác kém phát triển trong nông nghiệp nông thôn; Tổ chức cộng đồng nông thôn yếu.