Nông dân khắp cả nước đã từng chịu nhiều thất bại mùa màng do phân bón giả gây ra. Nhiều cá nhân, tổ chức đã bị xử ý vì hành vi này. Thế nhưng, hiện nay tình trạng phân bón giả vẫn hoành hành khắp mọi nơi khiến người dân ngày càng lo lắng.
Ảnh minh họa |
Phân bón rởm tràn lan …
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, tình trạng phân bón rởm đang diễn ra hết sức phức tạp. Tính đến thời điểm hiện tại trên thị trường Việt Nam đã có đến hơn 100 cơ sở và trên 30 Cty ở 40 tỉnh thành trên cả nước nhái các loại phân bón của các công ty có uy tín. Đơn cử, một số đơn vị như Cty Hưng Thịnh, Nam Bắc, Khổng Minh, Tân Khang trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Đắc Nông, Đồng Nai, Hải Phòng, Phú Yến, Thanh Hóa… in nhãn mác của các công ty: Cty phân bón Bình Điền, Cty Phân bón Supe Phốt phát Lâm Thao, Cty Phân bón miền Nam, Tập đoàn Quốc tế Năm Sao, Tập đoàn Quế Lâm…
Đối với loại phân NPK thì ngoài các ccủa các công ty này thường đề NPK với tổng hàm lượng dinh dưỡng là 53% nhưng đến khi cơ quan thị trường bắt đi kiểm định thì chất lượng sản phẩm chỉ còn 2,99% hàm lượng dinh dưỡng. Riêng đối với phân bón ure nước thường được các cơ sở trên lấy vài thìa canh ure bột pha vào can 5 lít nước, sau đó tuyên truyền cho nông dân là ure đậm đặc và bán với giá 50.000 đồng/can.
Ông Nguyễn Hạc Thúy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam - cho rằng, chính những loại phân bón rởm này đã khiến cho hàng ngàn giỏ hoa, hàng tấn ngô, cà phê… của nông dân bỗng chốc chết sạch. Ông Thúy dẫn chứng, mới đây Cty Miwon sản xuất phân bón MLV nước gọi là ure nước bán ra thị trường, một số cây trồng chết, số còn lại không phát triển. Điều đáng nói là Cty này đã hoạt động như vậy trong vòng 2 – 3 năm nay nhưng chưa có cơ quan xử lý.
Thiệt hại nặng hơn phải kể đến những hộ nông dân ở huyện Cư Jut, tỉnh Đăk Nông đã thiệt hại hàng tỷ đồng sau khi bón phân của Cty Thabico giới thiệu. Theo lời những người dân ở đây thì Cty này đã rất khôn ngoan khi nhờ Hội Nông dân huyện Cư Jut tập hợp nông dân lại để tổ chức hội thảo. Tại đây, Thaibico giới thiệu đây là phân bón ưu việt và biếu cho mỗi nông dân một túi mẫu phân mang về dùng thử. Sau đó, Cty này chào bán hơn 100 tấn phân bón cho người dân. Tuy nhiên, sau một thời gian thì hàng loạt rẫy cà phê và ngô của nông dân đều chết sạch.
Sẽ loại những cơ sở phân bón rởm khỏi thị trường?
Ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương - cho hay, tình trạng vi phạm sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp, các vụ vi phạm không chỉ nhỏ lẻ mà còn có những vụ vi phạm lớn liên quan đến nhiều địa bàn, thậm chí có cả yếu tố nước ngoài như phân bón kém chất lượng sản xuất tại Trung Quốc.
Chẳng hạn như mới đây, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái phối hợp với lực lượng công an đã phát hiện và xử lý 2 vụ vận chuyển 225 tấn phân DAP do Trung Quốc sản xuất không đảm bảo chất lượng. Tính chung trong cả năm 2012 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra 5.372 vụ, trong đó xử lý hơn 1.390 vụ vi phạm trong kinh doanh, sản xuất phân bón với tổng tiền phạt hơn 17,2 tỷ đồng, tịch thu 917 tấn phân bón các loại.
Thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi khi lợi dụng địa hình biên giới phức tạp để nhập lậu và dùng bao bì có màu sắc khác, ghi tiếng Anh đánh tráo với bao bì gốc ghi tiếng Trung để dễ vận chuyển, hợp thức hóa đơn, chứng từ đưa vào nội địa để tiêu thụ. Hoặc thuê những địa điểm sản xuất tại những nơi khó kiểm sóat, xa dân cư, nơi việc quản lý của các cơ quan chức năng còn mỏng để tuồn phân bón rởm vào thị trường.
“Đáng chú ý, các đối tượng còn nghiên cứu rất kỹ các quy định của pháp luật để việc vi phạm của chúng chỉ giới hạn ở xử lý hành chính, né tránh trách nhiệm như các vi phạm chỉ nằm trong các hành vi sản xuất kinh doanh kém chất lượng. Bởi vậy nên không ít đối tượng sản xuất sẵn một lượng lớn phân bón rời kém chất lượng chưa hoàn thiện phân bón thành phẩm mà chuẩn bị để đóng vào nhiều loại bao bì, nhãn hiệu khác nhau nhưng chỉ đóng bao với số lượng ít đủ chuyển đi hết ngay theo từng đợt nhỏ lẻ” - ông Lam nói.
Song theo ông Thúy, tình trạng phân bón rởm hoành hành như hiện nay còn có một phần do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, chế tài xử phạt còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Hiện phân bón chưa được quy định là mặt hàng sản xuất kinh doanh có điều kiện, có giấy chứng nhận hoặc giấy phép. Bởi thế nên nhiều cơ sở nhỏ lẻ có đủ các điều kiện cần thiết, chất lượng sản phẩm kém vẫn có thể tham gia.
Trước tình hình này, Bộ Công thương cho biết, Bộ đã hoàn tất dự thảo nghị định về quản lý phân bón, thay thế Nghị định 113 và Nghị định 191 hiện hành. Dự thảo này quy định rõ tổ chức, cá nhân có phân bón tự khảo nghiệm hoặc hợp đồng với đơn vị đủ điều kiện để khảo nghiệm theo quy phạm khảo nghiệm do Bộ NN&PTNT quy định và tự chịu trách nhiệm về kết quả khảo nghiệm; không thành lập Hội đồng công nhận và bỏ quy định về Danh mục phân bón được phép sản xuất kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam.
Bộ Công thương đánh giá, đây là thay đổi rất cơ bản nhằm tạo thuận lợi cho DN nhanh chóng đưa phân bón mới vào sản xuất, bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết. Ngoài ra, Bộ Công thương đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất phân bón, vật liệu nổ công nghiệp. Đến nay, Dự thảo đã được Bộ Tư pháp thẩm định, Cục Hóa chất tiến hành chỉnh lý dự thảo theo ý kiến của Bộ Tư pháp.