TAND TP.Hải Phòng vừa mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Bùi Đức Hùng (SN 1968) và Bùi Quý Khoản (SN 1990, cùng ngụ thôn Xích Thổ, xã Hồng Thái, huyện An Dương) về tội “Giết người”. Trong đó, Bùi Đức Hùng là bác của Bùi Quý Khoản; còn Hùng và nạn nhân là con cô, con cậu.
Theo đó, vào tối 5/1/2013, Hùng mượn xe máy hiệu Jupiter BKS 16M8-5503 của Khoản đi đám cưới một người họ hàng. Trên đường về trả xe, do không đội mũ bảo hiểm nên Hùng bị tổ tuần tra cảnh sát cơ động chặn xe lại và tiến hành xử lý hành chính. Sau khi xin xỏ đến “gãy lưỡi” mà vẫn bị lập biên bản giữ xe, Hùng bỏ đi được khoảng 100m thì gặp Khoản. Hai bác cháu liền quay lại chỗ tổ tuần tra để xin xe.
Vào lúc này, anh Nam đang trên đường đến nhà em gái chơi, thấy hai người họ hàng của mình đứng túm tụm ở chỗ cảnh sát giao thông nên “tò mò” đến xem có sự thể gì. Khi biết rõ vụ việc, anh Nam liền lên tiếng góp ý: “Không đội mũ bảo hiểm, công an giữ xe là đúng rồi...”.
Chuyện chỉ có vậy nhưng sau khi tổ tuần tra đi khỏi thì hai bác cháu Hùng không nói không rằng, xông tới hành hung anh Nam. Dù có quan hệ họ hàng với nạn nhân nhưng Hùng vẫn bặm trợn quát: “Mày có biết tao là ai không?”, anh Nam trả lời “Mày tên là Hùng”. Hùng hỏi tiếp: “Hùng nào”, anh Nam đáp: “Hùng Sồi ở Xích Thổ”, rồi chống tay gượng dậy.
Biết mình đã “dây vào tổ kiến lửa”, anh Nam liền van xin hai người họ hàng côn đồ bỏ qua chuyện. Tuy nhiên, khi anh Nam chưa kịp đứng dậy thì đã bị Khoản và Hùng đá vào ngực và đạp vào mặt làm anh đập đầu xuống đường, bất tỉnh.
Thấy nạn nhân không còn cử động được, chúng lớn tiếng đe dọa: “Ngày mai mày chuẩn bị 2 triệu đồng đến gặp tao” rồi quay ra nói với những người đứng gần đó: “Đây là chuyện riêng của chúng tôi, chúng tôi là con cô, con cậu”.
Chứng kiến cảnh bác cháu Hùng đánh anh Nam nhưng những người dân quanh đó có không ai dám vào can ngăn vì biết hai gã này là những kẻ có “máu mặt” nổi tiếng ở địa phương từng đánh, chém người khác không run tay. Sau khi cả hai bỏ đi, người dân và người nhà nạn nhân mới dám đưa anh Nam đi cấp cứu tại bệnh viện, nhưng do vết thương quá nặng, đến sáng 6/1, anh Nam tử vong.
Ngay sau đó, Hùng cùng Khoản đã bỏ trốn. Trước sự truy lùng ráo riết của các trinh sát công an, biết không thể thoát khỏi “lưới trời”, đến 16h ngày 6/1, đối tượng Hùng đã đến Công an huyện An Dương đầu thú. Sau đó, khoảng 10h30, ngày 7/1/2013, Khoản cũng đã đến đầu thú, khai nhận hành vi phạm tội.
Theo kết quả giám định pháp y, nạn nhân Phạm Văn Nam bị tụ máu dưới vùng trán và cơ thái dương phải. Não phù và chảy máu hệ thống màng mềm. Chảy máu và tụ máu bán thùy não phải. Trong đó thương tích vùng trán gây ra chảy máu trong hộp sọ, gây nên cái chết của nạn nhân; thương tích có đặc điểm do vật tày tác động. Ngoài ra, trên cơ thể nạn nhân còn hơn 13 vết thương khác...
Mặc dù trước đó cả hai bị cáo đã rất “đoàn kết” khi ra tay hành hung nạn nhân nhưng tại phiên tòa, Hùng đã quanh co đổ hết tội cho Khoản. Hùng lập luận rằng giữa hắn với anh Nam là họ hàng, lại là bạn học nên chỉ can ngăn Khoản chứ không ra tay đánh anh Nam.
Tuy nhiên, trước những lời khai của Khoản và những người làm chứng, HĐXX đã bác bỏ tất cả những lời chối tội của hắn. Sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ của hai bị cáo HĐXX đã quyết định tuyên phạt mỗi bị cáo 20 năm tù. Ngoài ra, Hùng và Khoản phải bồi thường cho gia đình anh Nam chi phí cấp cứu, mai táng... với tổng số tiền gần 150 triệu đồng.
Tại ngôi nhà cấp 4 chật chội của nạn nhân, khi nghe nhắc lại chuyện của người chồng xấu số, chị Nguyễn Thị Mái (SN 1969, vợ của nạn nhân) thắp cho chồng một nén hương rồi đứng lặng trước bàn thờ, nước mắt cứ thế tuôn trào. Từ ngày chồng mất, chị Mái thẫn thờ, lầm lũi như một chiếc bóng...
Ông Phạm Văn Soát (SN 1963, anh ruột của nạn nhân) kể lại, anh Nam là con thứ 5 trong gia đình có 7 anh chị em. Sau khi đi bộ đội 4 năm, anh Nam trở về quê hương làm kinh tế và xây dựng gia đình. Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, vợ chồng Nam phải làm lụng quên ngày quên đêm mới đủ tiền nuôi sống hai đứa con nhỏ. Không chỉ canh tác trên mấy sào ruộng, người đàn ông này còn mạnh dạn đào đầm, thả cá và chăn nuôi. Nam cũng tham gia dân quân tự vệ tại địa phương để góp phần gìn giữ bình yên cho xóm làng.
Theo lời ông Soát, sự ra đi của nạn nhân là nỗi mất mát không gì có thể bù đắp. “Ngay khi bị hai người họ hàng quen biết hành hung, em tôi (nạn nhân Nam-PV) đã quỳ xuống, van lạy nhưng chúng vẫn hùng hổ sấn tới. Ngay cả sau khi Nam bỏ chạy, chúng còn cố tình truy sát bằng được. Dù mọi người can ngăn nhưng Nam vẫn bị đánh đập một cách dã man. Không chỉ vậy, những đối tượng này còn dọa sẽ cho một trận “nhừ tử” nếu như có ai dám can thiệp. Đều là chỗ họ hàng thân thích, không hiểu sao bọn chúng nhẫn tâm đến vậy?”, ông Soát đau đớn kể lại.
Về thái độ “dám làm” mà “không dám chịu” của kẻ giết người tại phiên tòa, ông Soát phẫn nộ: “Nếu chúng cúi đầu nhận tội thì gia đình tôi cũng còn cảm thấy nguôi ngoai phần nào. Vậy mà, tên Hùng vẫn leo lẻo chối tội. Không những thế, chúng con vu vạ cho Nam nợ nần tiền bạc nên chúng mới ra tay... đòi lại. Chúng đã giết hại một người hiền lành vô tội, lại còn đặt điều vu khống cho người đã khuất, thật không hiểu lương tâm bọn họ có còn hay không nữa...”.