Theo chương trình thu mua tạm trữ, Chính phủ sẽ tiến hành hỗ trợ 100% lãi suất cho doanh nghiệp mua tạm trữ từ khi mua gạo vào đến khi bán ra (khoảng 3-4 tháng). Doanh nghiệp cũng được hỗ trợ vay vốn ưu đãi với lãi suất tối đa 7%/năm.
Khối lượng thu mua mỗi đợt là khoảng 2 triệu tấn lúa (tương đương 1 triệu tấn gạo), được thực hiện trong khoảng 1 tháng để phục vụ dự trữ quốc gia, tạm trữ lưu thông (ngoài lượng dự trữ lưu thông của doanh nghiệp), phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Ngoài ra, mức giá mà doanh nghiệp thực hiện thu mua không được thấp hơn giá thu mua lúa gạo tối thiểu.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), sau nhiều năm tiến hành các chương trình thu mua tạm trữ, hiệu quả chính sách này không rõ ràng.
“Mặc dù chính sách hướng đến hỗ trợ những người trồng lúa nhưng đối tượng được hưởng lợi trực tiếp là doanh nghiệp, tác động đến người sản xuất là gián tiếp, khó định lượng và không phải ai cũng được hưởng lợi.
Phỏng vấn các nông dân ở huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ cho thấy họ có nghe nói đến chương trình thu mua tạm trữ của Chính phủ, nhưng khi họ thu hoạch xong và bán lúa rồi mới thấy triển khai và không thấy ai đến thu mua theo chương trình này cả”- ông Thành cho biết.
Tìm hiểu của PLVN, đầu năm 2009, để tránh áp lực khi nông dân trồng lúa bị thiệt thòi vì giá lúa xuống quá thấp, để thực hiện hiệu quả chính sách thu mua tạm trữ, Chính phủ cũng chính thức phê duyệt kế hoạch xây dựng hệ thống kho chứa 4 triệu tấn lúa, gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Trong đó kho cũ có trữ lượng 1,5 triệu tấn và cần phải xây thêm 2,5 triệu tấn kho chứa mới.
Theo TS. Thành, để đạt được mục tiêu này, Chính phủ thực hiện hai giải pháp. Thứ nhất, thiết lập điều kiện đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5000 tấn lúa và có ít nhất 1 cơ sở xay xát lúa, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ.
Thứ hai là, Chính phủ thực hiện việc hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp đầu tư vào kho chứa như miễn tiền thuê đất (theo Quyết định số 57 ngày 17/9/2010), hỗ trợ 20% kinh phí giải phóng mặt bằng, 30% kinh phí hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào và được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu đi vào hoạt động và giảm 50% trong 2 năm tiếp theo.
Theo TS. Thành, về cơ bản mục tiêu này đã hoàn thành vượt mức nếu xét theo mục tiêu kho chứa cả lúa và gạo. Tuy nhiên, thống kê cho thấy đến năm 2013, hệ thống kho chứa của ĐBSCL vẫn chủ yếu là kho trữ gạo thay vì trữ lúa.
Cụ thể, tích lượng kho chứa lúa gạo cả nước đã đạt 5,38 triệu tấn. Trong đó, tích lượng kho chứa gạo chiếm phần áp đảo với 4,36 triệu tấn, tích lượng kho chứa lứa chỉ ở mức khiêm tốn 1,02 triệu tấn.
Trong nghiên cứu “Thị trường lúa gạo Việt Nam cải cách để hội nhập: Cách tiếp cận cấu trúc thị trường”, Viện VEPR cho rằng, để chính sách xây dựng hệ thống kho tạm trữ lúa, gạo thực sự mang lại lợi ích cho người nông dân, Chính phủ chỉ nên hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp xây dựng kho trữ lúa có các hợp đồng liên kết với một số lượng hộ nông dân nhất định.
Theo đó các hộ nông dân có quyền tạm trữ lúa của mình tại kho của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định thay vì phải bán ngay.