Dừng xe ngay trước cửa Trại, chúng tôi bắt gặp một nữ phạm nhân đang cần mẫn quét dọn. Dù đã ngoài độ tuổi 30 xong trên gương mặt vẫn ghi dấu một thời son sắc. Cậu phóng viên truyền hình vốn điển trai, dẻo miệng không biết bằng cách nào đã tiếp cận được với phạm nhân dù câu chuyện diễn ra khá e dè.
Nữ phạm nhân này kể, đang phải thi hành bản án 6 năm tù về tội môi giới mại dâm, hiện đã thi hành án được hơn 2 năm. Trong khi các phạm nhân khác đang lao động ở ngoài những cánh rừng thì phạm nhân này cho biết, cô được phân công công việc nhẹ nhàng (dọn dẹp vệ sinh) vì thời gian qua đã cải tạo tốt, chấp hành nghiêm các quy định của Trại. Nữ phạm nhân xin giấu tên và chia sẻ: “Em biết lỗi rồi, chỉ mong ngày về ngắn lại”.
Phải chấp hành bản án 16 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy, phạm nhân Bùi Thị Nay quê Khánh Hòa kể chuyện trong ngân ngấn nước mắt “Tôi sinh ở quê, quê nghèo lắm, chẳng làm việc gì ra tiền trong khi phải nuôi cả đàn con. Làm thuê làm mướn cũng chẳng đủ ăn, rồi dại dột sa chân vào mua bán chất cấm và nhận án 16 năm tù”.
Đáng buồn hơn, gia đình bà cả 2 mẹ con đều bị đưa ra xét xử về cùng tội danh. Khi tôi hỏi, con trai bà thụ án ở đội nào thì khuôn mặt bà bỗng bừng lên: “Nó được đặc xá dịp 2/9 vừa rồi. Sau ngày về nó cũng lên thăm tôi và khuyên mẹ chịu khó cải tạo để được trở về như nó”.
Phạm nhân trò chuyện với người thân trong ngày thăm gặp |
Còn câu chuyện của phạm nhân Nguyễn Văn Dũng, 26 tuổi ở Cam Ranh, Khánh Hòa thì có vẻ khả quan hơn rất nhiều. Khi chúng tôi tiếp xúc, Dũng vừa đi lao động về, mồ hôi mướt mát nhưng vẫn tươi tỉnh: “Em phạm tội cố ý gây thương tích trong một cuộc nhậu bị tuyên 6 năm tù. Em cải tạo được hơn 3 năm, nộp xong 25 triệu tiền bồi thường rồi, giờ chỉ lo cải tạo tốt để có ngày được giảm án”.
Dũng cho biết thêm, cậu chưa có gia đình, khi phạm tội cũng đã từng có bạn gái nhưng sau đó thì “xa mặt cách lòng…”. “Những gì đã làm em rất hối hận, giá như em đừng bồng bột, hiếu thắng…Thời gian cải tạo ở đây em đã suy nghĩ rất nhiều, chắc chắn sau này em sẽ không mắc phải những lỗi lầm như vậy. Bố mẹ em buồn nhiều lắm và chỉ mong ngày em trở về thành người có ích”, Dũng nói.
Với hơn 1700 phạm nhân, Trại giam A2 như một xã hội thu nhỏ với đủ các phận đời, đủ loại tội phạm khác nhau, trong đó nhiều nhất là các tội phạm về ma túy. Theo ông Nguyễn Ngọc Lan, Đội trưởng Đội giáo dục hồ sơ, phạm nhân ở đây thụ án từ dưới 1 năm đến chung thân, trong đó có 350 phạm nhân là nữ. Cả Trại có 54 đội chia nhau lao động tại các địa bàn thuộc phạm vi quản lý của Trại. Chủ yếu phạm nhân tăng gia sản xuất, nuôi bò, nuôi heo, thả cá, trồng mía, cấy lúa… Nữ phạm nhân thì học nghề nối my, làm tóc… trước kia còn có đan song mây.
Các phạm nhân cải tạo tốt ngoài việc được xem xét đặc xá thì “phần thưởng” mà Trại dành cho họ là tăng số lần gặp người thân. Bình thường, 1 tháng phạm nhân được gặp người nhà một lần, nhưng nếu họ cải tạo tốt sẽ được gặp nhiều hơn. Ở trong môi trường như vậy, nhiều phạm nhân cảm thấy trân trọng, quý giá những lần thăm gặp, lấy đó làm động lực cải tạo tốt để sớm đón ngày trở về.
Những “căn phòng hạnh phúc” dành cho phạm nhân tiêu biểu được thăm gặp người thân |
“Trông bình yên thế thôi nhưng việc cải tạo phạm nhân đối với người làm nghề như chúng tôi chẳng hề đơn giản”, ông Lan phân trần. Mỗi con người là một số phận, phạm tội trong từng hoàn cảnh khác nhau. Người thì nghiện hút, kẻ bệnh tật, người khác lại là “đại ca giang hồ”, sống không theo một nguyên tắc nào nên khi vào trại, gò họ trong một “cái khuôn” là cả một hành trình đầy khó khăn. Thế nhưng, hơn cả là sự kiên trì, bao dung của những người làm công tác quản giáo.
“Mỗi đợt đặc xá, tiễn các phạm nhân rời khỏi nơi này chúng tôi lại thấy mình đã làm được một việc có ích. Chỉ mong trên bước đường về họ không lặp lại những sai lầm cũ”. Có lẽ, chính những niềm vui “tái sinh cuộc đời lầm lỗi” mà có nhiều người gắn bó với Trại giam này hàng chục năm như Phó Giám thị Nguyễn Xuân Tiến. Đội trưởng Nguyễn Ngọc Lan cũng từng công tác ở đây trên 30 năm.
Có nhiều cán bộ trại giam vì công việc mà đưa cả gia đình, vợ con từ thành phố Nha Trang lên tận Diên Lâm sinh sống. Thế nhưng, họ bằng lòng và hạnh phúc với sự lựa chọn của mình bởi nói như Phó Giám thị Nguyễn Xuân Tiến: “Mỗi người một nghề, một công việc, có tìm được niềm vui trong đó hay không là do chính bản thân mình”.