Đường hoàn lương gập ghềnh của chàng trai hai lần vào tù ra tội

Công việc hàng ngày của Dũ
Công việc hàng ngày của Dũ
(PLO) - Sinh ra trong một gia đình không êm ấm, tuổi thơ của Đồng Trọng Dũ (SN 1979, ngụ tổ 14, phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi) trở nên bế tắc. Khi tổ ấm không còn là chốn đi về, Dũ bắt đầu trượt dài trong tội ác với 2 lần vào tù ra tội. Lần thứ 2 sau song sắt, bản án lương tâm giằng xé cùng sự hành hạ của ma túy, Dũ cảm thấy khát khao tự do và quyết định làm lại cuộc đời…

Quá khứ tối tăm

Mới 5 tuổi, Đồng Trọng Dũ đã phần nào hiểu rằng gia đình mình không phải bến đỗ bình yên. Đông con, gia cảnh nghèo khó, ba Dũ chán nản thường xuyên bỏ bê vợ con đi nhậu nhẹt. Từ đó, anh em Dũ lớn lên theo những trận gây gổ, cãi vã, đánh đập nhau của ba mẹ.

Không được quan tâm, dạy dỗ, lại cộng thêm nỗi ám ảnh nặng nề về tuổi thơ đầy bạo lực, Dũ lúc nào cũng trong trạng thái bất cần đời. Học đến lớp 7, Dũ nghỉ học rồi lao theo đám bạn xấu “đi bụi”. Mãi cho đến tận bây giờ, khi kể về quá khứ, Dũ vẫn không nhớ rõ, thời gian đó mình đã sống như thế nào.

Dũ kể, 13 tuổi Dũ bỏ ra gầm cầu thuộc phường Trần Phú tá túc. Để có tiền, nhóm đi trộm cắp, thời gian còn lại, cả bọn thường xuyên tụ tập nhậu nhẹt thâu đêm. Riêng Dũ, có rượu vào lại ưa gây sự, đánh nhau. Những hình xăm lớn, nhỏ cũng bắt đầu xuất hiện dày đặc trên cơ thể để Dũ thể hiện mình là đại ca giang hồ.

Người ta sợ hãi Dũ đến mức, thời đó hễ nghe nhắc đến tên, cả phường Trần Phú ai cũng sợ, họ cấm tiệt con cái giao du. Dũ cứ trượt dài như vậy cho đến khi phạm tội nghiêm trọng, phải trả 2 bản án tù mới thật sự tỉnh ngộ…

Khoảng đầu năm 2000, như thường lệ, trong cuộc nhậu, Dũ và đàn em lời qua tiếng lại với nhóm khác, sau đó kéo nhau đi giải quyết mâu thuẫn bằng gậy gộc, mã tấu tự tạo. Người dân địa phương lập tức trình báo công an. Dũ bị bắt về tội gây rối trật tự công cộng và đánh người gây thương tích. Sẵn mang trên mình lý lịch bất hảo, đang thuộc diện quản lý của địa phương nên Dũ lãnh mức án hai năm tù.

“Ngồi sau song sắt, mới thấu hiểu được sai lầm mà mình gây ra. Cũng vì bồng bột, tôi đánh mất luôn tương lai, những tháng ngày tự do. Đặt biệt những ngày lễ, Tết, không người thân yêu bên cạnh, tôi càng cảm thấy hối hận và mong muốn được quay đầu lại hơn bao giờ hết” - Dũ nhớ lại.

Đến đầu năm 2002, khi đã chấp hành xong bản án, Dũ được về lại xã hội. Dũ nói, khó có thể tả được những vui sướng vỡ òa khi anh được nhìn thấy tự do. Thế nhưng, như một gáo nước lạnh tạt vào sự cố gắng cũng như mơ ước của Dũ, gia đình không chào đón đứa con lầm lỗi trở về. Mọi người xung quanh thì nhìn anh với ánh mắt khác, bàn tán chỉ trỏ “thằng nớ mới đi tù về” mỗi khi anh xuất hiện. Lại thêm Dũ không có trình độ nên không ai chịu nhận anh làm việc.

Chính thời điểm này, Dũ đã không làm chủ được bản thân. Dũ lại bị đám bạn bè xấu rủ rê và dần quay trở lại con đường cũ. Lần này, Dũ thậm chí còn sử dụng cả ma túy. Một ngày cuối năm 2002, Dũ một lần nữa bị bắt với các tội danh “Gây rối trật tự công cộng”, “Cố ý gây thương tích”, trộm cắp phải trả án 4 năm tù.

Những dấu xăm trổ trên người Đồng Trọng Dũ nhắc anh không quên quá khứ tội lỗi
Những dấu xăm trổ trên người Đồng Trọng Dũ nhắc anh không quên quá khứ tội lỗi

Quyết làm lại cuộc đời

Dũ cho biết, ngày mới bị đưa vào trại giam, anh hoàn toàn không nghĩ mình có thể trở về làm lại cuộc đời. Nhưng thời gian ở tù, dần dà Dũ bắt đầu nhận ra, không chỉ bản án lương tâm giằng xé mà mỗi ngày còn chịu sự hành hạ thể xác do ma túy. Được sự động viên của cán bộ trại giam, Dũ đã quyết tâm cai nghiện ma túy. Nhờ cải tạo tốt, Dũ được đặc xá, ra tù sớm.

Tuy nhiên, một lần nữa trở về địa phương chỉ có hai bàn tay trắng, Dũ lại “chới với”. Nhìn thấy bạn bè ngày xưa giờ đã có nghề nghiệp ổn định, có vợ con êm ấm, Dũ cũng ước có được một gia đình nhỏ làm chỗ dựa.

Giữa lúc chẳng biết bấu víu vào đâu, ranh giới giữa tốt - xấu, thiện - ác trong Dũ vẫn còn mờ nhạt, Dũ gặp anh Lê Hoàng Tuấn Kiệt (SN 1969, ngụ thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), chủ một trạm trung chuyển hàng hóa nhận vào làm việc. Có một công việc trong tay, hơn nữa, được một người anh, người chủ tốt bụng luôn quan tâm và động viên nên Dũ dần hòa nhập với cuộc sống thường ngày.

Một năm sau, cô gái cùng quê đem lòng yêu mến và đồng ý ở bên, giúp anh làm lại cuộc đời. Cả 2 thuê trọ sinh sống. Dũ khoe, hiện tại vợ chồng đã có đứa con hơn một tuổi. Hàng ngày, công việc của Dũ là bốc xếp hàng hóa rồi đi giao cho tiểu thương tại chợ. Dù công việc còn vất vả, nhưng để không phụ lòng người đã cưu mang giúp đỡ mình nên Dũ tự hứa sẽ phải cố gắng.

Với mức lương 4,5 triệu/tháng, Dũ tạm nuôi sống bản thân và trở thành trụ cột vững chắc cho gia đình nhỏ. Đưa những hình xăm chằng chịt trên đôi tay quệt vội giọt mồ hôi, Dũ bẽn lẽn: “Dấu vết xăm trổ như một lời nhắc nhở về quá khứ đen tối mà tôi không bao giờ muốn quay lại. Hơn nữa, hình xăm hiện hữu trên con người đã hai lần vào tù ra tội như lời khẳng định Trọng Dũ giang hồ ngày xưa nay đã hoàn lương”.

Dũ cũng cho biết thêm, trước mắt lo cho vợ con những nhu cầu cần thiết. Sau này khi có điều kiện, Dũ sẽ vào Nam, nhờ mấy người bà con đang kinh doanh giúp làm ăn, kiếm thêm tiền cải thiện cuộc sống hiện tại. Đặc biệt, gia đình lớn cũng có thể nhìn thấy đứa con trai như Dũ đã thực sự trưởng thành mà tha thứ, không trách móc nữa.

Ngoài mưu sinh, Dũ cũng thường xuyên cung cấp nhiều thông tin quý giá cho Công an phường Quang Trung về các đối tượng trộm cắp. “Ngày trước lang bạt nhiều, rồi khi ở trại giam va chạm với đủ hạng người nên bây giờ nhìn nhất cử nhất động của bọn xấu, tôi biết ngay” - Dũ khẳng định.

Tuy nhiên, đêm đêm Dũ vẫn luôn trằn trọc, suy nghĩ, vì trong đám trẻ trộm cướp ấy dường như luôn có hình ảnh của anh ngày xưa. Dũ tự hỏi, biết đâu gia cảnh của chúng cũng đầy rẫy bất hạnh. Nếu báo cho các anh Công an tụi nó đối mặt tù tội, còn không mình lại tiếp tay cho tội phạm. Do đó, trong những trường hợp có thể, Dũ quyết định khuyên nhủ bọn trẻ bằng chính hình ảnh của mình trước khi gọi điện báo Công an.

Theo Trung tá Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Trưởng Công an phường Trần Phú (TP Quảng Ngãi), Đồng Trọng Dũ là một trong những trường hợp được địa phương đặc biệt chú ý, luôn tạo điều kiện tốt nhất để tái hòa nhập cộng đồng và vươn lên làm ăn. Với bất cứ phạm nhân nào trả án xong, phường nhanh chóng giải quyết hồ sơ hộ khẩu một cách linh hoạt và nhanh nhất để họ ổn định chỗ ở và làm ăn. Đối với những người muốn chuyển đổi nghề nghiệp, các lực lượng chức năng sẽ hỗ trợ kinh phí theo Nghị định 80 của Chính phủ, thậm chí còn giúp tìm việc khác như chạy taxi, làm bảo vệ, làm bốc vác tại các chợ.

Đọc thêm

Triệt phá đường dây chế độ vũ khí quân dụng

Các đối tượng bị bắt giam về tội "Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng" cùng tang vật (Ảnh: CACC).
(PLVN) -  Cơ quan CSĐT quận 4 (TP HCM) vừa triệt phá đường dây “độ, chế”, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ liên tỉnh/thành; khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng về tội “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với Phó Chủ tịch và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Bắt đối tượng vận chuyển gần 12.000 viên ma túy tổng hợp

Tang vật vụ án.

(PLVN) - Ngày 13/1, thông tin từ Công an huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) thuộc đơn vị đang tiếp tục mở rộng điều tra về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với Lê Văn Q (SN 1980, trú tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ).

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.