Rớt giá 20 lần vì bị tưởng nhầm là củ cải độc ngoại nhập
Ven đê sông Hồng, xã Tráng Việt từ năm 2007 trồng củ cải trắng, bởi toàn bộ đất ven sông đều là đất phù sa cát, rất phù hợp giống cây này. Trong đó thôn Đông Cao là nơi có diện tích và số hộ trồng củ cải nhiều nhất xã. Thời điểm ăn nên làm ra nhất là năm 2009, nhiều nhà còn mua đất, đấu thầu đất xã bạn để lấy diện tích trồng củ cải.
Khoảng sáu năm trước, cả xã chưa nhà nào có ô tô thì nay đã có hơn 100 xe chuyên chở hàng nông sản. Nhà cao tầng san sát mọc lên. Ngay tại địa phương còn hình thành thị trường buôn bán từ giống vật tư, thuốc phòng bệnh, phân bón... Cả xã là những cánh đồng bạt ngàn một màu xanh lá cải xen lẫn màu trắng của những củ cải lộ thiên.
Củ cải trắng là cây ngắn ngày, dễ trồng, ít sâu bệnh. Chỉ 50 - 60 ngày là cho thu hoạch, cho nên một năm có thể trồng được 4 - 5 lứa. Cây cho giá trị kinh tế cao, người dân không cho đất nghỉ, cứ thu hoạch xong lứa này lại làm đất trồng ngay lứa mới. Giá trung bình lâu nay là 4.000 – 5000 đồng/kg. Có thời điểm được giá lên đến 8.000 đồng/kg, khi cao nhất là hơn 10.000/kg.
Với giá cả như vậy, một năm nhiều hộ dân thu về hàng trăm triệu đồng. Uớc tính cứ một sào củ cải phải đầu tư khoảng 2 – 2,5 triệu đồng, thu hơn 2 tấn củ cải. Nếu giá cả ổn định, những nhà trồng hàng mẫu củ cải có thể thu về hàng 3 - 400 triệu/ năm. Riêng thôn Đông Cao có hơn 180 ha trồng củ cải và 20 ha thí điểm vùng sản xuất rau an toàn
Một số nhà tiếc của thái củ cải phơi khô ăn dần.
|
Thế nhưng hơn hai tháng qua, vẫn khung cảnh bạt ngàn cánh đồng củ cải, nhưng khi nhắc đến chuyện trồng thứ cây này thì chỉ được nghe những tiếng thở dài. Anh Nguyễn Văn Hạnh (40 tuổi, Đội trưởng đội trồng rau an toàn) cho biết, cách đây không lâu Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn kiểm tra các lô rau củ quả nhập khẩu vào Việt Nam, phát hiện tám mẫu rau củ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng, trong đó có củ cải trắng.
Do hiểu sai, “đánh đồng” củ cải ngoại nhập độc với củ cải của thôn nên người dân không dám mua củ cải, giá rớt mạnh. Từ ổn định 8000 đồng/kg, xuống 5000, rồi 2000, những ngày trước Tết chỉ còn 300 -500 đồng/kg.
“Người tiêu dùng chỉ biết củ cải trắng có thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, nhưng họ không để ý rằng đó là với rau củ nhập khẩu vào Việt Nam. Còn ở đây chúng tôi sản xuất rau củ sạch, an toàn, có kỹ thuật kiểm tra, có khuyến nông theo dõi quá trình sản xuất, luôn đảm bảo chất lượng. Giờ đây hàng đống củ cải trắng của bà con nông dân phải đem bỏ chỉ vì mọi người hiểu sai thông tin”, anh Hạnh chia sẻ.
Nông dân than thở chưa bao giờ giá củ cải trắng lại thấp kinh khủng như vậy. Thấy củ cải vừa to lại trắng muốt, có người mua cho rằng người sản xuất đã phun thuốc kích thích cho cây lớn nhanh và tẩy trắng trước khi đem bán ra thị trường.
Vừa lấy củ cải ở ngoài ruộng về, chị Nguyễn Thị Lý (38 tuổi) cho vào chậu nước kì cọ rồi giơ lên để chứng minh chẳng cần thuốc, củ cải vẫn trắng tự nhiên. “Chúng tôi làm bao năm nay, chẳng biết thứ thuốc tẩy trắng đó nó như thế nào, mà bản thân củ cải mọc lộ thiên đã trắng muốt rồi cần gì thuốc tẩy cho tốn kém. Có nơi lại tung tin truyền nhau rằng có người ăn củ cải trắng mà chết. Ở đây chúng tôi còn ăn sống được đấy”, chị ăn luôn để chứng minh.
Hiện tại cả thôn Đông Cao còn hơn 100 ha củ cải trắng chưa thu hoạch. Bình thường củ cải chỉ để tầm 400 – 500g sẽ được thu, vậy mà giờ đây những củ to đến hơn 1kg vẫn phải để lại. Nhà chị Lý có người trả 300 đồng/cân cũng được cho là may mắn vì có người hỏi mua đỡ phải mất công đi đổ.
Hễ có ai hỏi thăm, người dân trong thôn lại chua xót: “Muốn lấy nhà tôi cho cả tấn, mang ô tô mà đến chở, chứ bán rẻ thì chẳng đủ tiền mua túi bóng đựng, lại cả tiền chở với công rửa”. Người dân rơi vào tình cảnh củ cải cho không ai lấy, mà đổ đi cũng không có chỗ chứa hết.
Đổ đi không chỗ chứa, cho cũng chẳng ai lấy
Đi dọc con đường thôn Đông Cao, trước cổng nhà nào cũng là một đống củ cải trắng. Một số người chán ngán vì không bán được nên mang về thái nhỏ đem phơi khô cất đi ăn dần. Còn ở ngoài bãi thì toàn bộ cây lá đã ngả vàng, già cỗi vì quá lứa. Gia đình anh Đỗ Văn Sĩ (32 tuổi) có diện tích trồng là 2 mẫu, nhưng vừa phải nhổ bỏ hơn chục tấn. “Không bán được, củ cải quá lứa rồi cũng phải bỏ để lấy đất trồng lứa khác. Hai hôm nay tôi phải huy động cả nhà nhổ bỏ, rồi đắp đống đợi củ héo ngót thì thuê xe chở đi đổ ở bãi tập kết, ủ làm phân”, anh Sĩ nói.
Chẳng riêng gì anh, tất cả các hộ dân ở cánh đồng này cũng chán ngán nhìn đống củ cải vứt bỏ trên bờ. Đặc biệt nhà ông Nguyễn Văn Sang (45 tuổi) là người có diện tích trồng củ cải nhiều nhất cả thôn mới lao đao. Mặc dù bán gần hết 3 mẫu củ cải, vừa đủ vốn, nhưng do kiêm luôn cả dịch vụ cung cấp giống và phân bón nên ông lại có nỗi khổ khác.
Củ cải bị bỏ thối cho không ai lấy |
“Bà con nông dân ít vốn, mọi chi phí giống cây, phân bón, thuốc men đều mua chịu đại lí chúng tôi. Vụ này cả làng mất trắng, thua lỗ nên ai cũng đến khất tiền. Tôi phải đi đến từng nhà hỏi mà không được. Ở đây kinh tế chỉ phụ thuộc vào trồng cây này, không nghề phụ, giờ củ cải trắng mất giá, bán không ai mua nên làm gì có tiền. Lứa củ này ai cũng hy vọng bán Tết được giá, nhưng năm nay cả làng ăn Tết buồn hiu hắt, phải ăn trừ bữa củ cải”, ông Sang cố cười mà miệng như mếu.
Ông Nguyễn Duy Hoa, Trưởng thôn Đông Cao cho biết, với quy mô trồng củ cải lớn như vậy, thôn được sự quan tâm của cơ quan khuyến nông. Nhiều đợt tập huấn kỹ thuật tổ chức cho bà con nông dân học tập diễn ra, bà con luôn làm đúng theo chỉ dẫn. Đồng thời liên tục có đoàn kiểm tra về theo dõi quá trình sản xuất, lấy mẫu phân tích. Kết quả trả về cho thấy củ cải luôn đảm bảo chất lượng.
Vị trưởng thôn cho biết thêm, trên mỗi đầu ruộng đều có một giếng khoan phục vụ tưới tiêu cho củ cải trắng. Đặc biệt một lứa củ cải trắng ở đây chỉ sử dụng thuốc sinh học phun duy nhất một lần để ngăn bọ nhẩy phá hoại. Lần phun đó cách ngày thu hoạch gần tháng, đảm bảo chu kỳ cách ly nên an toàn cho người sử dụng. “Nếu ai không tin có thể về kiểm tra xem cách người dân nơi đây sản xuất”, vị Đội trưởng Đội trồng rau an toàn thôn nhấn mạnh.