Rau phủ kín đất hoang, ban công và… gầm giường
Đến khu vực hồ Vĩnh Tuy (phường Vĩnh Tuy - Hai Bà Trưng -Hà Nội) vào sáng sớm hoặc khi chiều về sẽ bắt gặp không ít người ra chăm sóc những luống rau, hoặc hái rau về cải thiện bữa ăn. Đây là khu vực công viên, từ 3 năm qua đã được cải tạo để lấy chỗ cho bà con tập thể dục. Tuy nhiên, một số hạng mục còn chưa hoàn thành, những chỗ dự định sẽ trồng hoa đều bỏ không. Tiếc đất, bà con trong khu vực đã chia nhau mỗi người một khoảnh trồng rau. Người trồng rau muống, người rau cải, rau xà lách, đỗ tây, hành, tỏi… nói chung khá đa dạng. Cạnh đó, những bờ kênh mương cũng được người dân phát quang, làm sạch cỏ, dọn rác để trồng rau.
Bà Quách Thị Xuyến - một người dân trồng rau sạch nói: “Thực ra mấy lần phường xuống nhổ bỏ rau rồi, nhưng chúng tôi lại trồng. Chúng tôi cam đoan khi nào phường lấy đất trồng hoa, bà con sẽ phá rau. Còn bây giờ chưa dùng đến thì cứ nên để dân mượn trồng rau, vừa đỡ lãng phí, vừa sạch sẽ”.
Bà Xuyến cũng cho biết, bà quê ở Hưng Yên nên hết hạt giống lại về đó lấy, rất tiện. Mỗi lần về, bà cũng mua hạt giúp cho khoảng chục hộ, còn đa số họ đến phố Hoàng Hoa Thám mua giống, hoặc cây nhỏ về trồng. Hiện, trong nhà bà Xuyến còn có tới 20 hộp xốp đang trồng rau. Cạnh đó, có hộ không mượn được đất đã “thiết kế” đến gần 30 hộp xốp, kê kín cả ban công. Cả hai hộ này đều rất ít khi phải đi chợ mua rau xanh.
Khi người dân phải tự ứng phó với sự mất an toàn của rau xanh ngoài chợ chứng tỏ chất lượng sống đang đi xuống. |
Bà Lê Thị Hiền vừa múc nước dưới hồ lên tưới rau cho biết: “Dân mỗi người một khoảnh, cũng tàm tạm đủ rau ăn. Tôi có bốn luống ngắn cơ, nhưng chị hàng xóm xin 2 luống, tôi cho luôn, vì nhà tôi ít người. Trước kia chưa trồng rau ở đây, gia đình tôi đã trồng trong thùng xốp, đặt ở ban công và tầng tum rồi. Trong phường này, nhiều hộ tận dụng như vậy lắm!”.
Hiện, quanh khu vực hồ này có khoản 40 hộ tận dụng trồng rau. Người nọ bảo người kia, dần dần những khu vực cỏ mọc, đầy rác rưởi đã chuyển thành những ô rau xanh ngắt.
Cách hồ Vĩnh Tuy không xa là chung cư Cánh đồng mơ, đường Minh Khai, bà con nơi đây cũng tận dụng phần ban công để trồng rau. Có hộ còn đặt cả thùng rau trong… gầm giường vì nhà chật, mà nhu cầu sử dụng lại nhiều.
Nỗi niềm ẩn chứa
Trực tiếp chứng kiến thành quả lao động của mình, có rau an toàn để ăn tất nhiên là vui. Nhưng bên cạnh niềm vui ấy cũng ẩn chứa cả nỗi lo về chất lượng sống đang đi xuống. Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội lý giải, khi người dân đô thị phải tự ứng phó với các hành động cân điêu, đong thiếu, mất an toàn của rau xanh ngoài chợ, chứng tỏ chất lượng sống đang đi xuống. Bởi khi chất lượng sống tốt, người ta thoải mái mua rau ngoài chợ mà không lo ngại bất cứ điều gì.
Qua khảo sát, dọc đường đê Âu Cơ, đê Nguyễn Khoái, khu vực bờ hồ ở những vùng dân cư khá heo hút đều có những khoảnh đất người dân tận dụng trồng rau. Thậm chí, có những hộ còn trồng rau trong ô đất của các cây cối trồng ở vỉa hè. Còn những gia đình có điều kiện về chỗ ở, ban công, sân thượng rộng đều tìm cách bố trí trồng rau, ít nhất cũng là các loại rau thơm phục vụ bữa ăn hàng ngày.
Chị Lê Thị Dịu (phường Nghĩa Tân) thổ lộ: “Xóm em, hầu như nhà nào cũng tìm cách trồng rau tại gia. Nó vừa là phong trào, vừa là nhu cầu thiết thực. Bởi quá nhiều người sợ rau không an toàn, phun nhiều thuốc sâu ngoài chợ. Rau tại gia là một giải pháp. Đến nỗi có hộ còn trồng được cả mướp đắng, chanh, đỗ leo, khế trên sân thượng”.
Nhờ tích cực trồng rau mà biết bao hộ dân thấy an tâm và có những bữa ăn ngon. Trong niềm vui ấy cũng có biết bao nỗi niềm. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đó là cách làm nghèo thành phố, và “nông thôn hóa đô thị”; đồng thời đó chỉ là giải pháp tạm thời. Một giải pháp để người dân có những bữa ăn ngon, nâng cao chất lượng đời sống là phải có những vùng trồng rau sạch thật sự, cung cấp rau sạch cho người dân, không để người dân lo lắng, phải trồng rau trong nhà. Hơn nữa, việc trồng rau để tự cung cấp, dù sao cũng chỉ được vài loại, không đa dạng các loại rau, không đủ chất lượng cho bữa ăn.
Về điều này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng, cần phải khắc phục lại chức năng và lòng tin ở các chợ. Hiện tượng người dân ngại đến chợ mua rau, phải tự sản xuất rau chính là sự yếu kém của hệ thống bán lẻ, siêu thị.