Không còn “lắt lẻo gập ghềnh khó đi”...
Bên bờ kinh, nghe chúng tôi lẩm nhẩm câu hò “Ầu ơ, ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi…”, chị Nhung, người phụ nữ miền Tây làm nghề bán vé số đứng gần đó, chống chân chống chiếc xe đạp, cho hay: “Nghe thơ thế thôi, chứ nhà tôi ở ấp 4 dưới kia, trước đi bộ mỗi ngày mấy lượt qua cầu ván bắc tạm, té lên té xuống quá trời. Giờ có cây cầu bê tông, bà con vui mừng hết biết, đi xe đạp, đi hon đa được, đỡ khổ”...
Đó là chị đang nói về cây cầu Bà Mùi 2 được đưa vào sử dụng chừng 3 tháng qua. Trong bức tranh miền Tây với những dòng kinh xanh đầy bông trang, bông súng, những chiếc xuồng ba lá mỏng manh thấp thoáng dưới lùm cây và những nhịp cầu tre, cầu ván đơn sơ của huyện Đức Huệ, 04 cây cầu mới như nét màu tươi sáng điểm xuyết, nổi bật trên cái tổng thể phổ xanh ấy.
Những chiếc cầu bê tông cốt thép, màu trắng sơn xanh, cọc tiêu đỏ, nổi bật giữa khung cảnh làng quê nghèo của huyện biên giới Đức Huệ. Cầu Bà Mùi 2 và cầu Bà Mùi đặt tại xã Mỹ Thạnh Bắc, cầu Giồng Tràm Sơn Mã và cầu Giồng Tràm đặt tại xã Mỹ Quý Tây mạnh mẽ và duyên dáng, nổi bật giữa màu xanh của cây cối đôi bờ.
Hình ảnh cầu Bà Mùi (Ấp 2, Xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ) trước đây... |
Những cây cầu mới tinh giống như những giấc mơ của bà con thôn ấp nghèo đã thành sự thực. Người lớn đi chợ, đi làm ruộng, trẻ em đến trường, ai cũng hồ hởi. Ông Chín Đương, 61 tuổi, ở ấp 4 xã Mỹ Quý Tây, góp chuyện: Có cây cầu này, không chỉ dân Mỹ Quý Tây, mà bà con tít Trảng Bàng, Tây Ninh cũng đi qua đây, người xã Mỹ Quý Đông kế bên cũng qua đây để qua phà sang Tây Ninh, tiết kiệm được cả chục km đường đất. Cầu này phục vụ cho không biết bao nhiêu con người, quý lắm…
Trong tiếng rộn ràng của xe bánh lồng cày ruộng, xe chở nông sản qua lại, anh Nguyễn Hoàng Anh, người đang kéo chiếc xe lôi chở chiếc tủ mới cồng kềnh cho một khách hàng sâu trong ấp đi qua cầu Giồng Tràm cũng hồ hởi: Có mấy cây cầu bê tông, bà con nông dân đỡ lắm. Trước nay đi cầu tạm cực lắm, chỉ có thể dắt xe qua được thôi. Giờ có cầu mới, bà con khỏe rồi.
Những cây cầu gắn kết tình dân
Bốn cây cầu nói trên là hiện thực hóa những cam kết của Tổng Công ty Viễn thông MobiFone về việc đóng góp 10 cây cầu trong Chương trình xây dựng cầu nông thôn cho đồng bào vùng biên giới, vùng khó khăn do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khởi xướng từ tháng 9/2016.
Biết chuyện đi lại của người dân nơi đây, mới hiểu vì sao bà con lại dành tình yêu mến và sự chào đón nồng nhiệt đến thế với những cây cầu mới. Đức Huệ là huyện nghèo nhất của tỉnh Long An, trong đó Mỹ Quý Tây, Mỹ Thạnh Bắc là hai xã nghèo nhất của huyện biên giới miền Tây này.
Những năm chống Mỹ, Đức Huệ là vành đai trắng. Với chiến lược “Tát nước bắt cá” hòng kiểm soát thế trận, địch dồn hết dân vào ấp chiến lược, sẵn lòng bắn bỏ bất kỳ người nào ở ngoài, nhưng dân Đức Huệ không chịu khuất phục, kiên cường đào hầm bám trụ chiến đấu. Bao nhiêu bom đạn đã dội xuống đất này, tưởng chừng một lá cây, ngọn cỏ cũng không thể tồn tại. Sau ngày thống nhất, bà con Đức Huệ trở về quê nhà, lấp hố bom xây cuộc sống.
Và lần lần, cuộc sống hồi sinh nhưng cái nghèo vẫn đeo đẳng. Những năm đầu thế kỷ 21, Đức Huệ vẫn chưa có đường nhựa; ngày nay, trong cả tỉnh Long An, Đức Huệ vẫn là huyện không có một nhà máy, cơ sở công nghiệp nào.
... và đây là cầu Bà Mùi mới do MobiFone xây dựng |
Bởi thế, bà con đón nhận những cây cầu mới với tình cảm nồng nhiệt. Chú Hai Lao, ở ấp 2, xã Mỹ Quý Tây bên bờ kinh Bà Mùi, người đã gắn liền tên với cây cầu ván trước nhà - cầu Hai Lao. Đã hơn hai mươi năm bắc cầu cho dân qua, mỗi mảnh ván hư, chú tự thay, tự sửa, nhưng cũng không tránh được những tai nạn thường xuyên có người rớt xuống cầu.
Cũng vì thế, mà chú dành nhiều tình cảm cho cây cầu mới nhất. Chú bận rộn đi tới đi lui, ngắm nghía cây cầu với vẻ tự hào: “Bà con ở đây chưa từng thấy cái cầu nào kiên cố đến vậy. Công nhận MobiFone làm kỹ, mố cầu khoan tận 25m. Kể cả chỗ sơn ở trên cầu, phần viền hai bên, tận mắt tui chứng kiến, các chú công nhân, kỹ sư MobiFone làm đi làm lại bằng đẹp thì thôi…”.
Thời gian xây dựng, chú Hai Lao hỗ trợ địa phương 4,5 m đất ngang, 120m chiều dài cho việc đổ đá, làm đường. Điện kéo cho công nhân hàn tốn cả triệu mỗi tháng, chú cho miễn phí. Ròng rã mấy tháng trời, chú mua nước đóng bình cho anh em công nhân uống, buổi trưa, nhà chú trở thành chốn nghỉ chân cho thợ thuyền.
“MobiFone tài trợ cho bà con cả cây cầu khang trang, chắc chắn, bà con mình đi lại thuận lợi, mình không tiếp đãi đàng hoàng sao được. Cây cầu ấy bà con đi đến hàng vài chục năm, bà con nhớ ơn công lao MobiFone nhiều lắm…” – chú nói.
Không chỉ chú Hai Lao, mà bà con các ấp xã cũng hết lòng dốc sức cùng MobiFone xây cầu mới. Chị Nguyễn Thị Lệ, cô Sáu Kiều… ở ấp 4 hiến đất xây cầu Bà Mùi. Do phần đất còn lại tương đối hẹp, hộ dân sống sát cây cầu đã hào phóng đồng ý để MobiFone xây đường dẫn cao áp sát tường nhà mình, hai khung cửa sổ phía bên đó giờ không sử dụng được nữa. Cứ để cho bà con có cầu mới sử dụng trước, còn chuyện khác tính sau, đúng tinh thần trượng nghĩa của người miền Tây.
Ông Hai Lao và cây cầu Hai Lao đã trở thành “lịch sử”, kế bên là cầu Bà Mùi 2 do MobiFone mới xây |
Khơi dậy tiềm năng của vùng đất cách mạng
Những cây cầu ấy được bắc từ lòng dân, nên bền chắc vô cùng. Những cây cầu đã nối liền những tấm lòng với bà con nông dân, kết nối doanh nghiệp với những người nông dân miền Tây còn khó khăn, lam lũ, với chủ trương, chính sách của Đảng phát triển kinh tế, xã hội, ổn định an ninh quốc phòng vùng biên giới.
Thấu hiểu niềm mong mỏi và trân trọng những tấm lòng của người dân, những CBCNV của MobiFone trong Ban Quản lý Dự án hạ tầng 2 đã không quản ngại khó khăn, làm việc ngày đêm, bất kỳ cây cầu nào khi được phê duyệt thiết kế là MobiFone lập tức bắt tay vào xây dựng. Lãnh đạo Tcty MobiFone thường xuyên trực tiếp xuống công trường, đôn đốc, động viên anh em hoàn thành kế hoạch, kịp sớm bàn giao cầu cho bà con nông dân sử dụng, phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Nhớ lời phát biểu đầy tâm tình của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với bà con Mỹ Quý Tây khi cắt băng khánh thành cây cầu Giồng Tràm: “Những cây cầu mới được hoàn thành sẽ góp phần phát triển kinh tế ở địa phương, không để bà con nghèo phải di cư lên thành phố tìm việc, bà con yên tâm phát triển kinh tế, giữ vững chắc vành đai biên giới”.
Còn cán bộ nhân viên MobiFone thì mong muốn, không chỉ dừng ở việc xây những cây cầu cho người dân vùng biên qua lại, mà xa hơn nữa những cây cầu này sẽ chở những thành tựu của công nghệ thông tin, những thành quả của cuộc cách mạng khoa học lần thứ tư 4.0 đến với bà con nông dân, góp phần phát triển đời sống người dân ở vùng biên giới...
Những cây cầu nông thôn khang trang, vững chắc nối liền những con đường liên thôn, liên xã đang thành hình tại huyện biên giới Đức Huệ. Cùng với đó, những chiếc máy gặt đập, những máy xén cỏ, cuộn rơm… đã xuất hiện. Những vựa chanh không hạt, những ô ruộng trồng ớt, trồng lúa đặc sản đã được thương lái về tận nơi thu gom, chuyên chở…, góp phần thay đổi từng ngày cuộc sống của người dân nơi đây.
Máy móc, nông cụ vững vàng qua các cây cầu mới |
Sự thay đổi ấy, cùng với những tấm lòng và sự chung tay giúp sức của những doanh nghiệp như MobiFone, đang góp phần đưa vùng biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc vươn lên mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay...