Sáng kiến đưa dân vào vùng đệm
Sinh ra và lớn lên giữa rừng U Minh, sau ngày tham gia cách mạng, ông được phân công làm giám thị trại giam kinh 7 (nay thuộc huyện An Biên, Kiên Giang), nằm cách bìa rừng U Minh chỉ hơn cây số. Ngày ngày, thấy rừng U Minh xanh mát mắt, bạt ngàn, nhưng người dân quanh rừng sao vẫn nghèo đói, chạy gạo ăn từng bữa; với tầm nhìn rộng, sự hiểu biết uyên thâm về vùng đất mình sinh ra, ông đã đưa ra những sáng kiến táo bạo.
Ban đầu, ông dùng nhân lực của trại giam để khai khẩn những vùng đất hoang hóa dày đặc lau sậy. Ông cùng hàng trăm phạm nhân ngày ngày vào rừng phát quang.
Những cây sậy to bằng cổ tay người được thồ chở ra ngoài trại giam, một bộ phận phạm nhân ngồi lựa từng loại, bó mang chở đi bán cho các nhà máy giấy ở Sài Gòn. Bán được lau sậy, ông lấy kinh phí mua cây giống cho trồng cừ tràm để gây rừng. Ròng rã từ năm 1979 đến 1995, hàng trăm hecta tràm được trồng mới quanh U Minh.
U Minh Thượng có tổng diện tích hơn 40 ngàn hecta, trong đó hơn 8000 hecta vùng lõi, tức rừng nguyên sinh được bảo vệ nghiêm ngặt. Vị giám thị trại giam xin lãnh đạo tỉnh để rừng cho trại giam quản lý.
Rừng trồng lên rồi, ông lại đau đáu nỗi lo mất rừng. “Dân mình lúc đó còn nghèo. Lại ở giữa một nguồn tài nguyên phong phú đa dạng như vậy, liệu mình có giữ được không? Dân không có gạo ăn, phải đi vào rừng chặt cây, bắt con này con kia mà bán. Không tạo điều kiện cho bà con làm ăn, phát triển kinh tế, thì chẳng mấy chốc mà hết rừng”, ông Đởm lý giải.
Để giải bài toán kinh tế cho dân, ông vạch ra một dự án mới là đưa dân vào vùng đệm (vùng bao quanh rừng nguyên sinh) sinh sống. Mỗi hộ được cắt 4 hecta đất. Quanh mỗi hộ, Nhà nước xẻ những con kinh nhỏ để đưa nước xổ phèn, rửa mặn, làm ao nuôi tôm cá.
Ngoài ra mỗi hộ được ngân hàng cho vay vốn để sản xuất. Với dự án này, ông dự định đưa hơn 3.500 hộ dân không có đất sản xuất vào vùng đệm định cư trên diện tích khoảng 14.000 hecta.
Thời điểm này, ông Đởm đã đến tuổi về hưu, thôi công tác ở trại giam. “Tôi có quyết định về hưu được hơn 2 tháng thì được mời gọi về làm Giám đốc quản lý rừng U Minh Thượng. Ban đầu nhận thấy mình già rồi, khó nhận trọng trách đó, nhưng sau đó như chưa dứt nợ với rừng, tôi gật đầu đồng ý”, ông kể lại.
Trận cháy rừng lịch sử
Năm 1999, “vua rừng” được lãnh đạo tỉnh Kiên Giang phân công làm trưởng ban chỉ đạo dự án phát triển kinh tế khu vực vùng đệm rừng U Minh (nay là hai xã Minh Thuận và An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng). Tuổi đã già, nhưng sức còn khỏe phi thường, ông hằng ngày hăng hái đi vận động từng hộ dân.
Hình minh họa |
Nhớ lại những ngày đó, ông xót xa: “Nhiều hộ dân lúc đó đâu có chịu đi. Một số hộ đang ở trong khu vùng đệm ,chỉ còn phải xẻ kênh nữa thôi, nhưng người ta còn không chịu. Tôi và anh em làm dự án này khổ vô cùng, còn bị một số hộ kiện cáo lung tung. Tôi đau lòng lắm. Nhưng rồi nghĩ mình cũng xuất thân nông dân, nên thông cảm với họ nhiều hơn”, ông tâm sự.
Dự án đang từng bước tiến hành suôn sẻ, mọi người đang phấn đấu từng ngày để nhìn thấy cuộc sống người dân no ấm, đi lên Bất ngờ đầu năm 2002, một trận cháy rừng khủng khiếp bậc nhất lịch sử thiêu rụi hàng ngàn hecta rừng U Minh Thượng, cũng như thiêu cháy tâm huyết của “vua rừng” ấp ủ bao năm qua.
Nhớ lại quá khứ đau thương của rừng, đôi mắt ông chợt ầng ậc nước. Tháng 1/2002, từ Khu bảo tồn thiên nhiên, rừng U Minh Thượng được nâng cấp lên Vườn Quốc gia. Chỉ hơn hai tháng sau khi có quyết định, rừng bị cháy.
Trưa ngày 24/3/2002, tại tiểu khu 138, quản lý khu này phát hiện một đám cháy nhỏ, nên huy động các thành viên dập lửa. Đến 2h sáng hôm sau, đám cháy cơ bản được khoanh vùng. Bất ngờ đến gần trưa, đám cháy lại bùng lên dữ dội. Bất chấp sức người, sức của đã trút cạn để ngăn lửa, nhưng suốt gần 20 ngày đêm, đám cháy cứ thế len lỏi khắp các cánh rừng.
4000 người ngày đêm tham gia chữa cháy vẫn không ngăn nổi ngọn lửa đã thiêu rụi khoảng 3000 hecta rừng nguyên sinh. Những con số khủng khiếp ám ảnh Mười Đởm suốt cuộc đời. Suốt những ngày nhìn cánh rừng mình cùng sống cả đời, nay ngùn ngụt trong lửa, ông tâm sạ: “Tôi đau đớn vô cùng. Tôi còn bao nhiêu dự định còn chưa làm được với rừng U Minh”.
Sau vụ cháy rừng thế kỷ ấy, Mười Đởm “thoái vị”. Ông tâm sự: “Trận cháy đó làm tôi thoái chí vô cùng. Tuổi đã già, tôi liệu có còn sống nhìn thấy rừng U Minh Thượng hồi sinh nữa không?”. Dự án phát triển kinh tế dân cư vùng đệm cũng vì thế mà bỏ lỡ, tất nhiên còn do nhiều nguyên nhân khác.
Tính đến năm 2006, chỉ mới hơn 2000 hộ được đưa vào vùng đệm. Điều đáng mừng là sáng kiến ngày xưa, từ đây mới bắt đầu phát huy hiệu quả. Trước đó, vùng đệm có đến 70% hộ nghèo, nhưng tính đến năm 2009, toàn vùng đệm đã có 2500 hộ dân đủ ăn, thậm chí tương đối đầy đủ. Từ những phần đất của nhà nước cắt rừng cho, người dân trồng lúa, hoa màu, khóm, mía, chuối cho năng suất cao.
Thực tế ấy khiến ông phần nào đã thấy ấm lòng. “Nhiều người dân ngày xưa phản đối dự án phát triển kinh tế vùng đệm, nay mới thực sự nhìn thấy kết quả. Đủ ăn đủ mặc, con cái đi học đàng hoàng, nhà cửa khang trang, họ mới hiểu”, ông đúc rút kinh nghiệm. U Minh Thượng sau thảm họa, đang từng ngày hồi sinh mạnh mẽ.
Vườn Quốc gia U Minh Thượng vốn là rừng úng phèn U Minh, hình thành và tập trung chủ yếu ở hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang. Do bị dòng sông Trẹm chia cắt nên phân ra hai vùng thượng, hạ (Rừng U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau). Diện tích vườn Quốc gia U Minh Thượng hiện hơn 20000 hecta, trong đó 8.038 hecta vùng lõi, vùng đệm là hơn 13 ngàn hecta. Vườn Quốc gia U Minh Thượng đang được đầu tư, phục vụ cho việc nghiên cứu, bảo tồn các nguồn giống, gen sinh học quý hiếm, đồng thời thực hiện dự án phát triển du lịch sinh thái và truyền thống.