Nhẹ thì… hết hồn
Trong nhiều chuyến đi đường dài, là một hành khách, tôi bị ám ảnh nhất là chuyến xe khách đi từ Huế mà tài xế nói sẽ có điểm cuối là Hà Nội. Tất cả bị đánh vật bởi một tài xế ngổ ngáo, xăm trổ đầy mình và ham uống rượu.
Lái ẩu, đua nhau bắt khách và luôn phanh gấp khiến nhiều phụ nữ sợ hết hồn bởi lúc thì toàn thân xô về phía trước, lúc bị ép về phía sau. Nhiều người nôn thốc nôn tháo. Tôi và một số hành khách đề nghị thì tài xế khá bặm trợn nói: “Không chạy nhanh sao về kịp!” khiến những hành khách trên xe phải nín thở, không dám nhìn ra ngoài.
Ai dám bảo đảm kiểu lái xe này sẽ không gây tai nạn, nhất là khi tài xế vừa xuống thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) để cho khách giải lao đã nốc đến 4 lon bia? Khi khách lên xe, lái xe này tiếp tục “hành” khách vài chục cây số rồi một tài xế khác đổi lái, mặt mũi đỏ bừng.
Chuyện dở khóc, dở cười không chỉ là khách phải chịu cảm giác lo sợ khi ngồi trên xe của những lái xe uống rượu, coi rẻ mạng người mà còn bởi họ vô trách nhiệm với khách.
Anh Quang Hòa, một hành khách cho biết: “Tài xế nói sẽ đưa mọi người về Hà Nội, nhưng về đến bến xe Triệu Sơn (Thanh Hóa) họ đã đuổi khách xuống hết mà không hoàn trả lại bất kỳ một đồng tiền vé nào mà khách phải nộp trước đó. Tiếc tiền nhưng cũng thấy may vì thoát khỏi chiếc xe tử thần. Phải đến khi xuống khỏi chiếc xe này, chúng tôi mới hoàn hồn và biết là mình còn sống”.
Theo tìm hiểu, ở mỗi chặng nghỉ, các tài xế, phụ xe đều được chủ nhà hàng bố trí một mâm cơm, rượu bia giá rẻ hoặc miễn phí. Số tiền đó được tính vào giá tiền ăn của hành khách nên mới sinh ra nạn “cơm tù”. Cũng chính tại các chặng dừng nghỉ này, cánh tài xế xe được tiếp thêm “nhiên liệu” bia rượu và thói bốc đồng không ít lần để lại hậu quả là gây tai nạn cho người khác.
Nặng thì mất mạng
Thực tế, mỗi năm có hàng trăm vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến người điều khiển ô tô đã uống rượu, bia. Có thể nhắc đến chiếc ô tô biển kiểm soát 30A -210.56 lưu thông hướng Nghi Xuân - TP Vinh gây tai nạn khiến một người phụ nữ gãy chân.
Một trường hợp khác là lái xe Lưu Thị Thanh Tuyến điều khiển xe ôtô mang biển kiểm soát 47A 090.20 gây ra vụ tai nạn tại thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk vào chiều ngày 20/10 khiến 2 người chết, 8 người bị thương.
Mới đây nhất, vào ngày 8/11, lái xe Đặng Ngọc Cường điều khiển xe taxi của hãng Vinataxi biển kiểm soát 30A-646.73 gây tai nạn liên hoàn trên cầu vượt phố Thái Hà (Hà Nội) làm 7 xe máy gặp nạn. Sau đó, lái xe nhảy từ trên cầu vượt xuống lòng đường bất tỉnh. Có 8 nạn nhân trong vụ TNGT này, trong đó có một người qua đời. Lái xe Đặng Ngọc Cường được xác định đã uống rượu và không làm chủ được tốc độ, dẫn đến TNGT thảm khốc xảy ra.
Những con số mà Bệnh viện Việt Đức thống kê được, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận 20.000 ca cấp cứu vì TNGT thì đã có đến gần 50% lý do gây tai nạn là tài xế uống bia rượu. Cụ thể, xét nghiệm trên 3.239 trường hợp bị TNGT gần đây, có 1.375 bệnh nhân (chiếm tới gần nửa 42,4%) có nồng độ cồn trong máu. Điều đó gióng lên một hồi chuông báo động rằng ý thức người tham gia giao thông đang rất kém.
Việc coi thường mạng sống người khác và bản thân của các tài xế đang xảy ra quá phổ biến mà nếu không mạnh tay dùng các biện pháp mạnh thì sẽ có nhiều người dân chết oan.
Chị Trịnh Thị Lan, một nạn nhân của nạn “xe điên” ở quận Đống Đa (Hà Nội) tâm sự: “Không chỉ đi xe đường dài mà “xe điên” còn diễn ra ở những khu phố đông đúc. Rất nhiều người đã chết oan vì lái xe uống rượu”.
Tình trạng TNGT vẫn đang làm nóng các diễn đàn. Nhiều người thể hiện nỗi phẫn uất đối với những tài xế vì uống rượu bia trước khi lái xe nên đã gây tổn hại cho bao người. Đến lúc nào thì các tài xế mới tuân thủ, chấp hành nghiêm luật giao thông? Đến bao giờ mạng sống của người dân thường mới được tôn trọng?
Điều đó cần những chế tài mạnh để hạn chế lái xe uống rượu rồi tham gia giao thông và tuyên truyền, phổ biến tích cực hơn để người dân điều khiển phương tiện giao thông chấp hành luật, vừa để bảo vệ chính mình và bảo vệ người khác.
Vi phạm nồng độ cồn mà chưa gây tai nạn cũng cần xử lý hình sự?
Đại diện Khoa Cảnh sát giao thông - Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết việc phát hiện và xử lý vi phạm nồng độ cồn rất hạn chế, mức xử phạt không đủ tính răn đe dẫn đến tình trạng “nhờn” luật. Cụ thể, năm 2014, số trường hợp sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông được phát hiện chỉ chiếm 1,62% tổng số vụ, tỷ lệ số vụ tương tự bị xử phạt vi phạm hành chính còn thấp hơn, chỉ 0,25%. Bởi vậy có ý kiến đề nghị, nên nghiên cứu sửa đổi quy định của pháp luật theo hướng xử lý hình sự hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông dù chưa gây tai nạn.