Ký ức đau lòng
Đó là câu chuyện đau lòng của gia đình chị Trần Thị Huế (xã Kim Anh, huyện Kim Thành, Hải Dương). Căn nhà xảy ra bi kịch cách đây ít tháng, giờ làm nơi thờ 3 mẹ con xấu số. Bố mẹ chồng, chồng nạn nhân vẫn ở lại bên cạnh căn phòng từng xảy ra bi kịch, để ngày ngày chăm sóc nhang khói cho hai đứa cháu tội nghiệp.
Tròn 100 ngày vợ mất, trong tiếng não nề của chiếc đài tụng kinh, anh Nguyễn Mạnh Thế (chồng chị Huế) ngồi bần thần, tiều tụy rít từng điếu thuốc lào. Anh cho biết thời gian xảy ra chuyện, vợ chồng anh đang có mâu thuẫn, không ngờ sự việc xảy ra quá nhanh và vợ anh lại hành động dại dột.
“Thi thoảng có lúc tức giận, vợ tôi cho con bỏ đi khỏi nhà nhưng chỉ một, hai buổi là về. Vợ tôi thương chồng và con nhiều lắm, hàng xóm xung quanh ai cũng biết điều đó. Giá như tôi hiểu điều đó sớm hơn thì chuyện đã không nên nỗi....”.
Trong căn nhà trơ trọi, chênh vênh giữa cánh đồng với những lùm cây bạt ngàn càng tạo nên sự vắng lặng, bà Trần Thị Phượng (mẹ chồng chị Huế) vẫn không cầm được nước mắt mỗi khi nhớ lại chuyện. Nhìn bà, ai cũng xót xa bởi nỗi đau kép quá lớn bất ngờ khiến người phụ nữ tuổi ngũ tuần già đi trông thấy.
Cuộc sống tuy còn khổ cực trăm bề nhưng mẹ chồng, nàng dâu vẫn bát cơm sẻ đôi, sướng vui cùng sẻ chia vậy mà giờ chị lại mang con bỏ chồng và ông bà đi trong đau đớn, chua chát. “Có ai khổ như nhà tôi không? Liền lúc cả con dâu lẫn cháu nội đều ra đi. Khổ nhất, chúng chết mà không biết vì đâu dẫn đến nông nỗi này. Mọi việc xảy ra quá nhanh, quá thảm khốc. Cho đến bây giờ, mỗi đêm tôi nằm ngủ, ác mộng về khung cảnh ngày hôm đó lại hiện ra đau đớn.
Biết bao đêm tôi thức trắng tự dằn vặt bản thân không bảo vệ được cháu. Chuyện gì cũng có cách giải quyết, nhưng nó cứ để trong lòng, không chia sẻ với ai, cuối cùng bí bách lại làm chuyện khờ dại như vậy. Hai đứa cháu tôi còn quá non dại, có tội tình gì mà bị mẹ tước đoạt quyền được sống như thế…”, bà Phượng nghẹn ngào.
Trong ký ức của bà Phượng cũng như người dân trong làng, ngoài xóm chị Huế là người con dâu hiền lành, hiếu thảo và biết quan tâm đến người thân. “Thời còn sống, con bé tính tình hiền lành, nhưng ít nói, chưa mất lòng ai bao giờ. Vốn sống khép kín, trầm cảm nên mỗi lần gặp khó khăn, nó luôn suy nghĩ tiêu cực, gặp chuyện gì khó khăn là ủ rũ mới dẫn đến hành động dại dột như vậy”, người dân địa phương xót xa nhớ lại.
Được biết, vợ chồng anh Thế và chị Huế đã từng sống với nhau rất hạnh phúc. Họ có hai cậu con trai khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Anh Thế làm nghề lái xe, còn chị Huế làm công việc sản xuất giấy bạc cho một xưởng thủ công gần nhà. Gần đây, chị mắc căn bệnh ung thư, trong thời gian đi chạy xe tải tuyến đường dài anh Thế đã có tình cảm với phụ nữ khác, về nhà anh yêu cầu vợ ký đơn ly hôn nhiều lần nhưng chị Huế kiên quyết từ chối và chỉ mới ký vào đơn cách thời điểm xảy ra vụ việc tang thương chục ngày.
Nước mắt người ở lại
Ông Nguyễn Văn Tuyến, bố chồng chị Huế cho biết, gia đình ông có hai người con trai, trong đó Thế là con trai thứ 2 trong gia đình. Cách đây khoảng 10 năm, Thế đi Quảng Ninh làm ăn và có tình cảm với Huế. Ban đầu mọi người trong gia đình không ai đồng ý nhưng về sau, thấy hai người yêu nhau thắm thiết nên cả gia đình không phản đối gì.
Nói về cuộc sống của hai vợ chồng anh Thế trước khi xảy ra vụ việc đau lòng trên, ông Tuyến rưng rưng nước mắt cho biết: “Từ ngày lấy nhau về đến nay, hai vợ chồng nó rất ít khi to tiếng với nhau. Kể từ năm ngoái mới bất đồng nên gửi đơn ra tòa để tiến hành ly hôn.
Buổi sáng hôm ấy, trước khi đi làm, tôi vẫn thấy Huế bình thường như mọi hôm, không có biểu hiện gì lạ. Dù hai vợ chồng nó trục trặc chuyện hôn nhân nhưng gia đình tôi vẫn thống nhất với nhau để lại một suất đất, xây nhà cho mẹ con nó ở gần nhà để vợ chồng tôi chăm sóc con cái cho nó đi làm. Vậy mà không hiểu sao nó lại nghĩ quẩn như vậy, hai thằng bé có tội tình gì đâu”.
Bà Lê Thị Thu Mười, Hội phó Hội chữ thập đỏ thôn Lễ Độ, xã Kim Anh chia sẻ: Hành động của chị Huế đáng thương hơn đáng trách, có lẽ do cùng đường quá nên mới hành động quẩn như vậy. Khi Thế đòi ly hôn nhưng Huế không đồng ý vì thương các con. Hôm vợ chồng ra tòa để giải quyết ly hôn, Thế đòi quyền nuôi cả hai con và còn đuổi vợ về nhà ngoại.
Vì quá buồn, Huế có tâm sự với một người hàng xóm là mấy mẹ con nó sẽ đi đến một nơi thật xa. Nào ngờ, chiều hôm đó, sự việc đau lòng xảy ra thật. Chuyện đau lòng xảy ra là điều không ai mong muốn. Hiện tại, xót xa nhất là ba mẹ con được chôn cất ở hai nơi khác nhau. Chị Huế được bố mẹ đẻ đưa về Ninh Giang (Hải Dương) an táng trong khi hai con nhỏ do gia đình nhà chồng lo hậu sự. Chẳng biết dưới suối vàng, mẹ con chúng có được gặp nhau thường xuyên không, tội quá cô ạ”.
Để nỗi nhớ cháu thêm phần xoa dịu, những ngày qua bà Phượng đón 2 cháu gái (con gái của người con trai cả) tới nhà để ngày ngày chăm sóc, thêm người trò chuyện. Tuy nhiên, nhiều tháng trôi qua, mỗi đêm ngủ bà vẫn nhớ bóng hình hai người cháu nhỏ tội nghiệp đáng thương. Những bữa cơm, bà vẫn lấy thêm 3 chiếc bát, nấu những món ăn mà thường ngày hai cháu thích ăn như là một niềm an ủi “sống sao, chết vậy” để vơi bớt nỗi đau.
Bà Phượng bảo, đến giờ bà vẫn chưa thể tin được chỉ trong chốc lát, người con dâu hiền thảo cùng hai cháu nhỏ của bà đã yên nghỉ dưới đám cỏ xanh. Nói trong dòng nước mắt, bà kể: “Nhìn con trai khóc không thành lời khi soạn từng bộ quần áo, đồ chơi của vợ con để đốt khi an táng, một lúc ôm 3 di ảnh của vợ và hai đứa con thơ, tôi trách lắm. Thời gian giúp nỗi đau nguôi ngoai nhưng mỗi lần nhắc đến, tôi vẫn thấy thắt ruột thắt gan”.
Về phía người chồng, trải qua những tháng ngày đau đớn, dằn vặt, anh Thế phải chôn nén nỗi đau, gắng gượng sống tiếp làm chỗ dựa cho cha mẹ già và hương khói cho vợ con. Mỗi lần thắp hương cho các con, nỗi dằn vặt lại ùa về, người đàn ông chôn mình vào góc tường ngồi khóc lặng.
Nắng cuối tháng 7 bỏng rát, vậy mà không khí bao trùm quanh ngôi nhà ấy lạnh lẽo đến tê người. Câu chuyện bi kịch đầy tang thương của gia đình anh Thế chỉ là một trong số muôn vàn những câu chuyện tương tự khác. Có thể thấy, sự cùng quẫn trong tình yêu không hề bị giới hạn bởi tuổi tác, sự từng trải và kinh nghiệm sống.
Cái chết vì tự tử không chỉ là sự kết thúc những đau khổ của chính họ mà còn là sự bắt đầu cho những đau khổ của người ở lại. Không biết rồi đây, trước mất mát quá lớn ấy, người chồng, người cha, người mẹ, người bà... sẽ sống thế nào trong suốt phần đời cô quạnh còn lại.