Vợ chồng thương binh vượt lên bệnh tật lập công ty giúp đỡ đồng đội

 Vợ chồng cựu chiến binh Lữ Hoàng Đốc.
Vợ chồng cựu chiến binh Lữ Hoàng Đốc.
(PLO) -Về với đời thường khi một phần cơ thể đã nằm lại chiến trường, vợ chồng cựu chiến binh Lữ Hoàng Đốc (SN 1953) và Trần Thị Tám (SN 1955), cùng là thương binh hạng 1/4 (ở khu vực 3, phường Lê Hồng Phong, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) không chỉ chống chọi với bệnh tật, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống mà còn tạo công ăn việc làm cho gần 50 cựu chiến binh từng là đồng chí, đồng đội của họ. 

Ông Đốc hiện là Giám đốc Công ty TNHH-TMDV 27/7 chuyên lắp ráp xe đạp (trụ sở tại tổ 6, khu vực 5, phường Nhơn Phú, TP.Quy Nhơn).

Một thời khói lửa

Chúng tôi tìm đến trụ sở Công ty TNHH-TMDV 27/7 vào buổi chiều muộn, cũng là lúc vợ chồng ông Đốc đang cùng những công nhân của mình thu dọn đồ đạc sau một ngày làm việc. Sau khi dẫn khách đi một vòng từ khu vực trưng bày những chiếc xe đạp đến nơi lắp ráp, làm việc của công nhân, ông Đốc kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời, cũng như việc cùng đồng đội thành lập công ty, cùng nhau “nhường cơm sẻ áo” ngay tại mảnh đất này.

Theo đó, ông Đốc sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng chiêm trũng thuộc xã Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Tuổi thơ lớn lên chứng kiến cảnh quê hương bị kẻ thù tàn phá, năm 1969, khi mới 16 tuổi, chàng thanh niên Đốc gia nhập lực lượng vũ trang địa phương. 

Ông Đốc cho biết: “Tôi nhập ngũ tại địa phương, rồi theo sự phân công của cấp trên, đơn vị tôi sống trong dân, ăn với dân, ngủ cùng dân khắp các địa phương phía Bắc tỉnh Bình Định. Có thời điểm bị địch truy lùng gắt gao, đơn vị tôi, mỗi người một nơi bí mật rút lên rừng trú ẩn, qua đợt càn quét, lại về nương nhờ người dân, vượt qua gian khổ khó khăn để hoạt đông”.

Ngày 11/11/1974, trong lúc đang cùng đồng đội chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam thì ông Đốc giẫm phải mìn tại chiến trường xã Hoài Hảo (huyện Hoài Nhơn). Được đồng đội đưa về Trạm Y tế Bác Ái để điều trị, tuy nhiên, khi về đến nơi, lượng máu mất quá nhiều cùng với những va chạm trên đường đi làm vết thương của ông bị nhiễm trùng nặng, phải phẫu thuật cắt bỏ chân.

“Khi về đến Trạm Y tế thì tôi đã ngất lịm vì mất máu quá nhiều. Lúc ấy, các bác sĩ phải phẫu thuật cắt bỏ một phần chân phải của tôi. Nhưng sau đó vết thương lại nhiễm trùng, các bác sĩ lại cắt bỏ thêm một đoạn nữa. Đến lần thứ 3, sau khi cắt bỏ, tôi chỉ còn giữ lại được 1/3 chân phải. Bây giờ nhìn ống quần lành lặn như vậy, nhưng thật ra là đeo chân giả đấy”, người thương binh tâm sự.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, cựu binh Đốc được điều động về làm tại việc Công an thị trấn Tam Quan (huyện Hoài Nhơn). Làm việc tại đây được 3 tháng thì ông được đưa đi điều dưỡng tại TP.Quy Nhơn. Đến năm 1976, Bộ LĐ-TB&XH mở trường dạy nghề cho thương binh tại Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh), ông Đốc được đưa đi học nghề vô tuyến điện. Tại đây, ông gặp bà Trần Thị Tám là vợ ông bây giờ.

Ngồi trò chuyện, bà Tám bảo quê bà ở Quảng Nam. Bà Tám cũng tham gia cách mạng năm 1969, khi mới 14 tuổi. “Đến năm 1971, tôi công tác tại Tỉnh đội Quảng Nam. Trong chiến dịch mùa hè đỏ lửa năm 1972, tại chiến trường huyện Quế Tiên (huyện Hiệp Đức bây giờ), tôi bị dính bom B52, chấn thương đầu. Đến năm 1976, tôi được đưa đi học nghề điện cơ ở Thủ Đức. Tại đây, tôi và anh Đốc gặp, rồi yêu nhau. Đến năm 1979, chúng tôi ra trường rồi cưới nhau”. 

Trụ sở Công ty TNHH-TMDV 27/7.
 Trụ sở Công ty TNHH-TMDV 27/7.

“Tàn nhưng không phế”

Sau một thời gian ngắn sống ở quê nhà Hoài Thanh, năm 1980, vợ chồng ông Đốc từ quê vào TP.Quy Nhơn lập nghiệp. Tại đây, ông xin vào làm ở Đài PT-TH Bình Định còn bà Tám buôn bán nhỏ, ở nhà chăn nuôi. Đến năm 1988, ông Đốc xin nghỉ làm ở đài, về nhà cùng vợ buôn bán phụ tùng và lắp ráp xe đạp với quy mô nhỏ.

Bà Tám tâm sự: “Lúc mới cưới, hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại thêm hai vợ chồng đều thương tật, nhiều lúc tôi nghĩ sau biết sống ra sao, rồi chuyện con cái nữa. Chưa hết, mỗi lúc trái gió trở trời, vết thương cũ của hai vợ chồng lại đau buốt, nhiều đêm ngủ không được. Nhưng rồi, nhờ chịu thương chịu khó làm ăn, vợ chồng tôi cũng vượt qua được khó khăn, kinh tế bắt đầu khá dần lên. Đến nay, 2 đứa con đều ăn học nên người”.

Năm 2010, khi nhà có của ăn của để, vợ chồng ông Đốc liền nghĩ đến những anh em đồng đội cũng đã bỏ lại một phần xương máu tại chiến trường giờ đang có hoàn cảnh khó khăn nên muốn làm việc gì đó để tạo điều kiện cho họ có công ăn việc làm, kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình. 

Nghĩ vậy, vợ chồng ông thuê 900m2 đất công ích tại phường Nhơn Phú để thành lập Công ty TNHH-TMDV 27/7 chuyên lắp ráp, kinh doanh, buôn bán xe đạp trên địa bàn tỉnh Bình Định và các tỉnh lân cận. 

“Sau khi thành lập, tôi quy tụ được gần 50 cựu chiến binh từng là đồng chí, đồng đội của vợ chồng tôi vào làm việc để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Anh em nào còn đủ 2 tay thì làm công việc lắp căm xe đạp, vào trục, cân vành. Những người còn 1 tay thì vặn ốc.

Ai mất cả 2 tay, 1 chân thì đảm nhận công việc giao dịch, tìm đầu ra cho sản phẩm của công ty. Tùy vào thương tật của mỗi người, tôi bố trí công việc phù hợp để đạt năng suất cao nhất”, ông Đốc cho biết.

Theo ông Đốc, lương cao hay thấp tùy thuộc vào sức khỏe của từng người, ai bị thương tật nặng, nằm viện nhiều ngày trong tháng thì mức lương thấp. Ai ít bị thương tật hành hạ, làm đều công thì có lương cao. Tuy nhiên, với những cựu chiến binh làm việc nơi đây, mỗi tháng kiếm thêm từ 2 triệu đến 4,5 triệu đồng, với họ là rất vui.

Hôm chúng tôi đến, cựu chiến binh Huỳnh Đức Lâm (SN 1961, nhà ở phường Nhơn Bình, TP.Quy Nhơn) đang cặm cụi với công việc của mình. Vừa làm, ông Lâm vừa cho biết: “Tôi nhập ngũ tháng 3/1981, là lính tình nguyện Campuchia, đến tháng 6/1982 tôi bị thương và mất chân phải, hiện là thương binh 1/4.

Tôi đảm nhiệm công việc lắp ráp 2 bánh và vỏ xe. Công việc lắp ráp xe đạp không có gì khó, tập chừng 1 tháng là làm thuần thục, càng làm càng lên tay nghề. Không làm thường xuyên những mỗi tháng tôi cũng có khoản thu nhập trên 3 triệu đồng. Như vậy là vui lắm rồi”.

Một thành viên khác của Công ty TNHH-TMDV 27/7 là cựu chiến binh Lê Anh Tuấn (SN 1961, nhà ở xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), cũng là lính tình nguyện Campuchia, nhập ngũ năm 1981, đến tháng 12/1987 thì bị thương, mất 2 tay và 1 chân phải, hiện là thương binh đặc biệt. Ông phụ trách việc quản lý, nhắc nhở mọi người làm việc; đồng thời phụ trách việc quảng bá, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Ông Tuấn cho biết: “Mùa đắt hàng nhất trong năm là mùa hè, thời điểm học sinh chuẩn bị vào năm học mới. Những học sinh đạt điểm cao trong năm học, hoặc chuyển cấp thường được cha mẹ thưởng cho chiếc xe đạp mới để đi học. Do đó, mùa này là mùa hút hàng, anh em làm không hết việc. Mỗi mùa hè công ty chúng tôi xuất bán ra thị trường khoảng 2.000 chiếc xe đạp các loại”.

Theo ông Đốc, khó khăn của công ty hiện nay là khu sản xuất quá chật hẹp, nhiều khi phải đứng ngoài hiên nhà để làm việc. “Năm 2012, công ty xin thuê thêm 3.000m2 đất công ích của phường Nhơn Phú để xây dựng khu sản xuất, nhà làm việc, nhà nghỉ và khu nhà vệ sinh cho công nhân.

Thủ tục xin đất của chúng tôi đã được cấp phường, cấp thành phố thông qua, nhưng lên đến tỉnh thì bị tắc, không biết vì lý do gì”, ông Đốc giãi bày.

Ông Nguyễn Cảnh Liêm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Lê Hồng Phong, cho biết: “Vợ chồng cựu chiến binh Lữ Hoàng Đốc không chỉ là tấm gương thương binh làm kinh tế giỏi, mà còn là những công dân gương mẫu để con cháu noi theo.

Với những đóng góp cho địa phương, vợ chồng ông Đốc đã được chính quyền địa phương tặng nhiều giấy khen về gương thương binh làm kinh tế giỏi. Giờ đây, đã ngoài 60 tuổi, con cháu thành đạt, nhưng với đôi tay và khối óc của mình, vợ chồng ông Đốc vẫn hăng say lao động”.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.