Ra giêng, rất nhiều nếp sinh hoạt gia đình lẫn công việc cơ quan bị đảo lộn, bởi sự ham vui của những ông chồng, bà vợ…
Chồng khật khưỡng “chạy sô” tân niên
Những ngày đầu xuân đi làm, chị Vui (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã vặn đồng hồ báo thức với tiếng chuông có âm thanh “ khủng” ấy vậy mà mãi không đánh thức được chồng đi làm. Phải mất gần nửa tiếng rát cổ gọi, chồng chị Vui đôi mắt đỏ mọng vì thiếu ngủ mới loạng choạng ra khỏi giường.
Hình minh họa |
Trước Tết, chị Vui cảnh báo chồng - anh Thanh về việc hạn chế nhậu nhoẹt để dưỡng sức chuẩn bị sức khỏe để đi làm. Nhưng ngày Tết, lời của chị nhưng gió thoảng bên tai trong tiếng chúc tụng, cụng ly của bạn bè. Vợ chồng chị Vui vừa mới lấy nhau được một năm. Có lẽ vì thế mà vợ chồng chị là tâm điểm các cuộc ăn tân niên hai bên nội ngoại cũng như bạn bè, đồng nghiệp. Từ mùng 2 tết đến rằm tháng giêng, vợ chồng chị liên miên “chạy sô”.
Vốn không thích ăn uống, bia rượu nên trước những lời mời, chị Vui không muốn đi, nhưng anh Thanh lại thích la cà nên chẳng chút đắn đo xách xe đi liền. Sợ chồng mải vui, say sưa nên chị Vui đành lòng đi cùng để làm…xe ôm mỗi khi anh Thanh quá chén.
Đi đến đâu, vợ chồng chị cũng nghe câu chào mời của gia chủ: “Tháng giêng là tháng ăn nhậu. Vì vậy, hôm nay nhất quyết không say không về nhé”, rồi “Làm thì làm, cả năm có bao giờ được nghỉ thoải mái như những ngày này đâu. Thôi cứ nhậu tới bến đi, việc ngày mai để mai tính!”….
Với tâm lý “ăn tới nơi, nhậu tới bến”, anh Thanh sẵn sàng ngồi lai rai từ sáng cho tới tối, thâu đêm, suốt sáng từ nhà này sang nhà khác mặc cho vợ than ngắn, thở dài.
Vì nhậu triền miên, nên ngày đầu đi làm, người anh Thanh mỏi rã rời, đôi mắt đờ đẫn. Khí thế ngày đầu đi làm để cả năm hanh thông dường như biến mất. Mệt mỏi, anh Thanh đang nghĩ 101 lý do để… chuồn về nhà ngủ sau khi đảo qua cơ quan điểm danh.
Những ngày hậu Tết, những người như anh Thanh không hiếm. Đối với họ, việc “lơ mơ đi làm” chẳng có gì đáng ngại bởi dù có chệch choạc, mải vui, trốn việc những ngày sau Tết nhưng họ vẫn hưởng lương đều đều.
Vợ quay cuồng đi karaoke “xả giọng”
Nếu nhưng cánh đàn ông thích la cà nhậu nhoẹt bia rượu thì chị em công sở cũng không kém phần làm…Tết kéo dài đến hết tháng giêng! Ngày Tết, những món xôi, gà, nem, giò khiến nhiều người ngán ngẩm. Những ngày đi làm sau Tết là dịp để các chị em trổ tài làm lẩu ăn cho… mát ruột. Rất nhiều phòng, ban, sau màn chúc Tết, nhiều chị em đã nhấm nháy nhau về nhà làm bữa lẩu.
Hôm nay ở nhà người này, mai ở nhà người khác cho việc giao lưu ngày thêm khăng khít. Và rồi, họ nối nhau ăn vòng quanh như trả nợ miệng, liên hoan lẩu liên miên. Cơ quan vài chục người thì ít ra cũng hơn chục lượt đến nhà nhau tranh thủ buổi trưa . Mà lẩu thì không thể ăn nhanh được, nên giờ nghỉ trưa ngắn ngủi được kéo dài cho tới 3 giờ chiều mới “hạ màn”.
Khi cơn “sốt lẩu” đã dịu thì các quý cô, quý bà lại nghĩ ra chuyện đi hát xả giọng. Chả gì thích bằng việc sau gần chục ngày túi bụi với cơm nước, cũng giỗ, lại được câm míc để hát hò, gào thét vui vẻ. Không biết có phải vì lý do đó không mà những quán karaoke từ bình dân tới cao cấp những ngày sau Tết này đông nghẹt người, mà chủ yếu khách hàng là cánh phụ nữ.
Họ hát quên trời, quên đất, quên cả giờ đón con, nấu nướng bữa cơm chiều. Nhiều ông chồng ngán ngẩm trước sự ham vui của vợ nhưng rồi tặc lưỡi, cả năm có vài ngày… thôi kệ. Thiệt hại nhất là công việc cơ quan bị chị em làm đình trệ. Mặc kệ sếp ca thán, các chị em công sở cứ vâng dạ rồi lại nhấm nháy nhau đến nhà xơi lẩu và đi hát hò cho đến hết tháng Giêng
… Những câu chuyện trên đây cho thấy, Tết đã qua nhưng rất nhiều nếp sinh hoạt gia đình, công việc cơ quan đang bị ảnh hưởng bởi sự ham vui “hậu Tết” của một số người. Muốn nhịp sống và công việc nhanh chóng quay trở lại với nhịp sống cũ, thì hơn ai hết, chính họ người trong cuộc phải hiểu rõ sự giới hạn của Tết, để nghiêm túc hơn với chính mình.
Bảo Châu