Một gia đình nhiều người là bệnh nhân Covid 19
Đợt bùng phát dịch lần thứ 2 tại Việt Nam xuất phát tại Đà Nẵng, thành phố miền Trung. Từ Đà Nẵng đến Quảng Nam - mảnh đất gắn bó mật thiết, thời điểm dịch bệnh hoành hành, bao câu chuyện mất mát, đau thương đã xảy ra.
Cho đến nay, Việt Nam đã vượt qua con số 800 ca nhiễm Covid. Trong số đó, những ca “tại chỗ” ở Đà Nẵng, Quảng Nam chiếm số lượng không nhỏ. Có người nói, giờ đây ở Đà Nẵng, góc đường, ngã phố nào cũng có gia đình có người nhà nhập viện hoặc phải cách ly.
Có những gia đình, cả nhà phải đi cách ly cả ba thế hệ. Có những gia đình mấy thành viên trong nhà đều đang là bệnh nhân Covid phải điều trị. Và cũng có những gia đình, người thân mất vì Covid, cả gia đình không thể ở cạnh, vào thăm hay làm một ma chay như bình thường có thể.
“Hiện nay, gia đình con đang cách ly theo Quyết định của Chủ tịch phường, gia đình con liên quan đến bà - BN 456. Trong những ngày qua, con theo dõi tình trạng sức khỏe của bà, con hiểu được những vất vả của đội ngũ y bác sĩ. Vì vậy, con vẽ bức tranh này để tặng bà, tặng những thiên thần áo trắng nhưng lúc bức tranh hoàn thành thì cũng là lúc bà trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Huế.
Bà năm nay 55 tuổi. Bà có gương mặt hiền và phúc hậu lắm nhưng con vi rút quái ác kia đã mang bà đi khỏi thế gian này. Bà ơi, cuộc chiến nào không có sinh ly tử biệt. Sự ra đi của bà sẽ tiếp thêm sức mạnh và sẽ tạo động lực cho các thiên thần áo trắng quyết chiến tiêu diệt con Covid này. Bà yên lòng bà nhé! Bởi: “Nơi tuyến đầu luôn xông pha - Ở hậu phương luôn đồng lòng”, người dân Đà Nẵng nói riêng và người dân cả nước Việt Nam nói chung sẽ chiến thắng trong đại dịch này.
Bà có thấy gì không? Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, hình ảnh Lạc Long Quân với Con Rồng Cháu Tiên sẽ mãi mãi trường tồn. Dù ngày xưa hay ngày nay thì ý chí kiên cường bất khuất, chung sức chung lòng của toàn dân tộc Việt Nam luôn luôn bùng cháy. Chính vì vậy, dù khó khăn, dù gian khổ nhưng chúng ta nhất định chiến thắng trong cuộc chiến chống Covid-19. Bà ra đi thanh thản Bà nhé!”.
Đó là lá thư của cháu gái bệnh nhân 456 ở Đà Nẵng, bệnh nhân Covid số 11 tử vong tại Việt Nam viết cho bà mình. Đi kèm lá thứ là bức tranh cháu vẽ tặng bà, sau đó được gửi tham dự cuộc thi Thiết kế Poster cổ động “Chung tay đẩy lùi Covid”.
Cháu gái bệnh nhân 456 ở Đà Nẵng vẽ tặng bà |
Đó là một trong những câu chuyện về nỗi đau, mất mát mà những người dân Đà Nẵng, Quảng Nam gánh chịu trong những ngày này. Có những ngày, con số mắc Covid ở Đà Nẵng, Quảng Nam tăng vọt. Có những gia đình như gia đình bệnh nhân nam 597, sinh năm 1981, ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Anh là con của BN 522; 523, sống cùng nhà. Con anh, sinh năm 2012 là bệnh nhân thứ 598. Như vậy, gia đình anh cả 3 thế hệ đều bị Covid, từ người trẻ nhất đến người lớn tuổi nhất.
Hay câu chuyện buồn của gia đình ở Hội An có 6 người nhiễm Covid, cả gia đình bị cách ly, người thân mất cũng không thể làm ma chay. Làn sóng Covid tràn về Đà Nẵng, và một cụ ông 70 tuổi, đang điều trị tại bệnh viện Đà Nẵng là ca bệnh người phố cổ Hội An đầu tiên nhiễm dịch.
Cháu gái ông, chị T mới sinh con nhỏ 2 tháng, phải cùng 2 con đến khu cách ly cùng với gần 20 người nhà. Đau lòng hơn, gia đình chị có 5 người nữa cũng dính Covid bao gồm bố chồng, cô ruột, hai người chú và bà nội.
Trong những ngày ở khu cách ly, đứa trẻ mới hai tháng khóc ngằn ngặt không ngừng nghỉ, khóc đến mức tắt cả tiếng, làm gia đình chị và mọi người trong khu cách ly đều lo lắng cho cháu. Đến mức, chị phải nhắn tin cho lãnh đạo thành phố xin về, nhưng tất nhiên là không thể. Nhờ vào các y tá tại khu cách ly, cuối cùng đứa trẻ được được dỗ yên, nín khóc.
Nhưng lúc này hung tin ập đến: Ông nội chị qua đời trong lúc mắc Covid. Nhà có người bệnh, còn lại đi cách ly, chẳng có ai bên ông cụ lúc nhắm mắt xuôi tay, đến đám tang cũng chẳng được tổ chức. Gia đình đành nhờ đến cơ quan chức năng lo hỏa táng cho ông. Một ngôi chùa gần nhà, các ni sư cám cảnh gia đình, đã tự nguyện lập đàn cầu siêu giúp ông cụ.
Trong lời chia sẻ viết cho đứa con nhỏ mà cũng là nhắn nhủ cho mình, chị viết: “Đau thương chỉ làm gia đình mình mạnh mẽ thêm, lớn lên con mẹ cũng sẽ thêm mạnh mẽ như cái cách con đang đối diện bây giờ, phải không? Chúng ta phải tin vào kết cục của cuộc chiến này.
Ngày mai trời sẽ nắng lên, chúng ta còn một cuộc đời để sống. Mẹ chỉ biết cầu nguyện thật nhiều cho những y bác sĩ, cán bộ công an quân đội, tình nguyện viên đang đứng ngoài kia. Mẹ con mình cùng mong cho mọi người thật vững chãi, con trai nhé!”.
Tuyến đầu xông pha - Hậu phương đồng lòng
Đà Nẵng vốn là trung tâm văn hóa - kinh tế - xã hội lớn nhất miền Trung, thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế. Thế nhưng, trong tâm dịch, giờ đây nỗi buồn phủ bóng lên thành phố xinh đẹp này. Thời điểm ban đầu, có những lo lắng, hoang mang và sợ hãi. Nhưng cho đến lúc này, Đà Nẵng đã chuyển từ trạng thái “bình thường mới” sang trạng thái cách ly, nâng cao ý thức phòng chống dịch.
Lẽ dĩ nhiên, khó khăn là điều tất yếu. Người dân thôi “tung tăng”, lượng du khách mất đi, kinh doanh, buôn bán, các hoạt động văn hóa tạm ngưng hoạt động, giao thông đi lại không còn như trước. Người dân Đà Nẵng bước vào giai đoạn “tuân thủ và cầm cự”.
Anh Lê Minh Trung, ngụ quận Hải Châu, Đà Nẵng chia sẻ: “Gia đình tôi có kinh doanh quán hải sản, trước mùa dịch khách khá đông đúc, chủ yếu là du khách. Đợt bùng phát dịch thứ nhất, quán đóng cửa, cả nhà bảo nhau cố gắng chắt chiu vượt qua.
Thời điểm vừa rồi, quán mới mở cửa lại được hơn 1 tháng, khách bắt đầu quay lại, chưa kịp mừng thì lại đến đợt dịch này, còn đáng sợ hơn đợt đầu. Gia đình tôi ban đầu cũng buồn lắm, nhưng sau bảo nhau thôi thì nhà mình cũng vẫn còn ít vốn dành dụm, dù gì cũng đủ sống, nhiều người còn khó khăn hơn.
Nhiều gia đình còn bị nhiễm bệnh, cách ly cả nhà, như một số bạn bè, họ hàng của tôi. Nên cả nhà bảo nhau, sức khỏe là quan trọng nhất, tuân thủ mọi quy định nhà nước đặt ra về phòng chống dịch, rồi thấy mọi người có tổ chức phát quà từ thiện mình cũng đóng góp đôi phần nhằm giúp những người khó khăn hơn”.
Nhiều người dân Đà Nẵng bày tỏ những nỗi lo lắng về dịch bệnh, về kinh tế, vì vốn đã thấm thía nỗi khó khăn từ đợt bùng phát dịch thứ nhất. Một số hộ kinh doanh nhỏ lẻ, đóng cửa do dịch cũng bày tỏ niềm mong muốn dịch mau chóng chấm dứt, đời sống trở lại bình thường. Điều khiến mọi người lo lắng và hậu quả sau dịch sẽ còn dai dẳng.
“Rất không may cho Đà Nẵng vì đang trên đà hồi phục tốt, du lịch phát triển trở lại thì bất ngờ lại bị bùng phát dịch. Thôi thì người dân chúng tôi cũng chỉ biết đặt hết niềm tin vào Chính phủ, vào ngành y tế Việt Nam. Phần còn lại, người dân Đà Nẵng cũng quyết nâng cao ý thức bảo vệ bản thân, gìn giữ cho mọi người, không chủ quan cảnh giác với dịch bệnh. Còn người sẽ còn của”, bà Nguyễn Thị Tân, ngụ quận Thanh Khê chia sẻ.
Điều đáng ghi nhận của người dân Đà Nẵng đó là sự bình tĩnh, tử tế và ý thức phòng chống dịch. Những câu chuyện về người Đà Nẵng đem thực phẩm giúp đỡ lực lượng y tế khu cách ly, người Đà Nẵng làm khẩu trang y tế phát miễn phí, quyết không tăng giá thực phẩm… đã trở thành một phần đời sống người Đà Nẵng trong những ngày này.
Chắc chắn rằng, sau cơn mưa trời sẽ sáng. Người dân Đà Nẵng vững niềm tin và hy vọng. Người dân cả nước hướng về Đà Nẵng với tình nghĩa, yêu thương. Cả nước cùng Đà Nẵng nắm tay vượt qua gian khó.