Tiếp lửa cho Đà Nẵng, tiếp lửa cho Việt Nam
Những ngày này, Đà Nẵng đã trở thành tâm điểm của cả nước. Đà Nẵng, mảnh đất xinh đẹp miền Trung, nằm nối hai đầu đất nước, cũng là nơi bùng phát của đợt Covid - 19 lần thứ hai ở Việt Nam. Sau cơn sửng sốt, hoang mang là sự trấn tĩnh và tiếp sức. Trước đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng ra lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19”.
Với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chung tay ủng hộ cùng thành phố thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tại nhiều địa điểm ở Đà Nẵng, khẩu trang y tế và nước rửa tay được phát miễn phí cho người dân.
Những ngày này, hàng loạt chuyến xe tải nối đuôi nhau chở hàng đến ủng hộ các y bác sĩ tuyến đầu tại ba bệnh viện đang cách ly, phong tỏa ở Đà Nẵng: Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng. Đây là những chuyến xe chở nhu yếu phẩm người dân ủng hộ từ nước uống, mì gói, khẩu trang, sữa… đến dây phơi đồ, băng, giấy vệ sinh, tã bỉm, nước súc miệng, nước rửa chén…
Cả người đem đến và người ra nhận đều vội vàng. Người đem đến chuyển hàng xuống thật nhanh rồi rời đi, người nhận là lực lượng y tế, mặc đồ bảo hộ kĩ càng, nhanh chóng nhận hàng mang vào. Cách những lần khẩu trang, bảo hộ, chả ai biết mặt mũi đối phương như thế nào, cũng không chắc có kịp trao nhau lời cảm ơn, nhưng sự ấm áp vẫn tỏa lan trong không gian.
Nhiều tổ chức khác tại Đà Nẵng cũng đã thực hiện những hoạt động hết sức ý nghĩa. Các bạn sinh viên gia nhập đội ngũ hỗ trợ y tế, hỗ trợ khu vực cách ly. Các hội viên của Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng đã hỗ trợ hơn 15.000 suất ăn tại các bệnh viện, gần 50.000 khẩu trang y tế và hỗ trợ xe đưa đón đội ngũ y, bác sĩ và người dân đi cách ly, hỗ trợ gần 500 triệu đồng để mua máy thở…
Hiện, tại Đà Nẵng, nhu yếu phẩm, khẩu trang không bị đầu cơ, tăng giá vô tội vạ như một số nơi trên cả nước. Với tâm thế tích cực, đoàn kết, sẻ chia, những ngày qua, người ta thấy người dân Đà Nẵng “lâm nguy mà không loạn”, bình tĩnh chống đỡ dịch. Và, từ nhiều miền Tổ quốc, những động viên, an ủi, sẻ chia tới tấp bay về Đà Nẵng.
Từ những ngày đầu Đà Nẵng xuất hiện dịch, những câu cả tiếng Việt, cả tiếng Anh được viết nhiều trên mạng xã hội “Cố lên Đà Nẵng”, “Đà Nẵng, be strong”… như lời động viên, chia sẻ “khúc ruột miền Trung” giữa tâm dịch.
Những ngày này, nhiều người trẻ lên tiếng kêu gọi trên mạng xã hội về việc quyên góp khẩu trang gửi ra Đà Nẵng. Chị Thái Lê Ngọc Diệp, một cựu nhà báo, doanh nhân, kol có tiếng trên Facebook đã có một cuộc kêu gọi quyên góp mua khẩu trang y tế và đồ bảo hộ gửi cho người dân Đà Nẵng. Sau 3 ngày đã quyên góp được 600 triệu đồng. Số tiền này được dùng 1/3 để mua đồ bảo hộ, còn lại là mua khẩu trang N95 “chi viện” cho các bác sĩ ở nhiều bệnh viện Đà Nẵng.
Nhiều nghệ sĩ cũng đã công bố kế hoạch thiện nguyện, hỗ trợ cho người dân, cho ngành y tế Đà Nẵng. Không chỉ những người nổi tiếng, rất nhiều bạn trẻ là sinh viên, người đi làm, người buôn bán online cũng tùy theo sức của mình, kêu gọi hoặc ủng hộ vật phẩm, đồ dùng y tế, gửi ra Đà Nẵng để “tiếp tế”.
Rồi Vingroup tặng 100 máy thở ứng cứu Đà Nẵng, Ecopark tặng 3 tỉ đồng cho BV C Đà Nẵng, EVN ủng hộ Đà Nẵng 1 tỉ đồng phòng chống dịch, từng đoàn bác sĩ từ các bệnh viện trên cả nước lên đường đến “tuyến đầu” Đà Nẵng để ứng cứu đồng đội, ứng cứu người dân… Tất cả những thông tin dội về hàng ngày khiến cho người ta thấy an tâm, ấm lòng bên cạnh những con số phản ánh tình trạng dịch bệnh, mất mát.
Tất cả những tấm tình của người dân Đà Nẵng dành cho y bác sĩ, dành cho nhau. Những động viên, quyên góp, hỗ trợ của Chính quyền, người dân, doanh nghiệp dành cho Đà Nẵng chính là những ngọn lửa ấm cùng cháy về một phương. Là phương của “người trong một nước”, phương của sự đoàn kết và tình yêu thương không thể tách rời.
Tin vào điều tốt đẹp
Giờ đây, trên cả nước có không ít ca dịch bệnh. Chính phủ đang kêu gọi tất cả các hệ thống chính trị và người dân cùng tham gia quyết liệt chống dịch. Lần này, dịch bùng phát khá mạnh mẽ, với nhiều thông tin đáng lo lắng hơn đợt bùng dịch lần trước. Số lượng ca bệnh phát hiện nhiều sau mỗi ngày, con số ca tử vong vì mắc Covid khi đang có bệnh nặng đã có, và tiên liệu còn một số ca đang nguy kịch.
Nhu yếu phẩm của người dân ủng hộ y bác sĩ khu cách ly Đà Nẵng |
Hàng chục ngàn người từng đi du lịch từ Đà Nẵng đổ về các vùng miền vẫn chưa được kiểm soát, kiệm tra bệnh hết. Nghi ngờ nguồn virus vẫn đang thấp thoáng đâu đó trong cộng đồng. Và ca mang mầm bệnh đầu tiên sau 99 ngày cả nước không có Covid vẫn chưa thể tìm ra, trong khi, đường dây đưa người nước ngoài đi lậu vào Việt Nam thông qua các cửa khẩu vẫn hoạt động bất chấp việc liên tục bị phát hiện…
Tất cả những điều ấy đáng lo ngại lắm chứ. Thế nhưng, khác với lần bùng dịch trước, giờ đây, người ta thấy cả hệ thống chính quyền, ngành y tế và cả người dân đã có một tâm thế vững vàng hơn để đối phó với dịch. Những cảnh chen lấn, xếp hàng giành giật khẩu trang chỉ còn hãn hữu. Nhiều cơ sở kinh doanh khẩu trang theo cách đầu cơ bị phát hiện và xử lý liên tục. Những cảnh xếp hàng mua tích trữ thực phẩm vô tội vạ đã không còn.
Có lẽ, chúng ta đã có kinh nghiệm chống dịch từ đợt bùng dịch lần trước, và cũng có thể, đó là niềm tin vững vàng mà người dân đang đặt cho hệ thống chính trị, cho y tế Việt Nam hiện nay.
Nhiều người cho rằng, để bùng phát đợt dịch, hẳn là đã có sự chủ quan từ nhiều phía. Điều đó cũng không hẳn là sai. Đợt bùng phát Covid thứ hai tiếp tục dạy cho chúng ta bài học về sự cẩn trọng, không “ngủ quên trên chiến thắng” trong cuộc chiến với Covid. Mỗi một đợt dịch, cũng là phép thử cho lòng người, là sự luyện rèn mỗi người trước nghịch cảnh và gian nan.
Trong những ngày mà thông tin về Covid mới bùng phát đang làm người ta hoang mang, lo lắng, thì nhiều người chụp được những bức ảnh đẹp một hoàng hôn lộng lẫy ở Sài Gòn. Hình ảnh ráng chiều đỏ với cụm mây xếp thành hình phượng hoàng đang sải cánh tuyệt đẹp đã được chia sẻ rộng khắp mạng xã hội. Cạnh đó là những lời đồn đoán, phỏng đoán dựa theo các thuyết Đông, Tây.
Người ta cho rằng, phượng hoàng một trong tứ linh trong thần thoại, với khả năng tự thiêu cháy mình khi già yếu để rồi sinh ra lần nữa, bất tử trong vòng tuần hoàn sinh tử, tượng trưng cho sự tái sinh. Sự xuất hiện của phượng hoàng, nhiều người cho rằng là một điềm báo “qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai”. Hình ảnh phượng hoàng cùng với lời cầu nguyện, chúc lành được chia sẻ rộng khắp mạng xã hội.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, đó chỉ là mê tí dị đoan, có nhiều ý kiến khác, cảnh báo đừng “ngủ mê” và đắm chìm trong những hiện tượng phi thực tế. Nhưng dù thế nào, áng mây hình phượng hoàng trên bầu trời phương Nam cũng đã đem đến vài phút vui vẻ, những lời cầu nguyện và chúc lành, cả những niềm hy vọng gửi gắm nữa.
Ở thời điểm nào cũng thế, bên cạnh sự đoàn kết, sẻ chia, động viên và hành động tích cực, luôn có những lời nói ngược chiều mang ý nghĩa phủ nhận, vạch ra những điều chưa hay. Đó cũng có khi là tâm thế mong muốn nhìn nhận thực tế, đừng lạc quan tếu, nhưng cũng nhiều lúc, đơn giản đó chỉ là những ánh nhìn tiêu cực và phủ nhận.
Nhưng, cuộc đời này luôn đẹp và đáng sống lắm, ngay cả ở những phút gian nan. Vậy thì, sao không tin vào những điều tốt đẹp quanh ta. Như là bao lần, dân tộc đã cũng nhau vượt chiến tranh, lửa đạn và đói nghèo. Như là chúng ta đã cùng nhau thành công vượt qua đợt bùng phát dịch lần thứ nhất. Tin vào điều tốt đẹp, bởi sự thực được nhìn thấy, là những điều tốt đẹp vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ quanh ta, bất chấp dịch bệnh và lo toan.