Niềm vui của những phụ nữ khi nước sạch về với buôn làng

Chị em phụ nữ buôn Ma Giai kể, khi chưa có nước sạch, bà con phải theo con suối cả buổi mới lấy được can nước. (Ảnh PV)
Chị em phụ nữ buôn Ma Giai kể, khi chưa có nước sạch, bà con phải theo con suối cả buổi mới lấy được can nước. (Ảnh PV)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chúng tôi tới xã Đất Bằng vào một ngày cuối thu khi bà con đang hân hoan đón nước sạch về buôn làng. Ông La O Á - Trưởng buôn Ma Giai, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa (Gia lai) chia sẻ, trước kia mình đi theo suối để lấy nước, năm nào khô hạn sẽ không có nước. Giờ nước sạch về tận nhà, giúp đời sống của người dân thay đổi rất nhiều…

Đi theo con suối cả buổi mới được can nước

Xã Đất Bằng - xã vùng sâu, vùng xa của huyện Krông Pa (Gia Lai) có 4 buôn gồm: Ia Rnho, Ia Rpua, Ia Prong, Ma Giai, với gần 2.000 hộ và gần 5.000 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.

Cách đây chưa lâu, cứ vào mùa khô, người dân luôn phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt. Nắng nóng gay gắt kéo dài khiến các nguồn nước ở xã Đất Bằng cạn kiệt. Cùng với đó, các giếng nước cũng bị nhiễm phèn nên không sử dụng để ăn uống được. Hàng trăm hộ dân phải mua nước đóng bình hoặc xin nước ở nơi khác về dùng tạm trong thời gian chờ mưa.

Tại buôn Ma Giai, hiện chỉ còn một hố giếng tự đào là còn nước, nhưng cũng rất ít. Người dân phải đến rất sớm, chắt chiu từng giọt nước. Chị Kpă Phiếu cho hay, chỉ cần vài ngày không có mưa, ruộng đồng, sông suối sẽ cạn nước. Hàng ngày, dân làng thay phiên ra đây lấy nước, nhà chị cũng phải đi lấy nước từ sáng sớm. Để lấy đủ can nước 20 lít, phải ngồi chờ bên hố đào gần 5 giờ liền. Người dân nơi đây rất khổ vì thiếu nước.

Còn chị La O Hin (sinh năm 1982) dân tộc Chăm H’roi kể, khi không có nước sạch, chị và đa số bà con trong buôn phải dùng nước suối hoặc hứng nước mưa để sinh hoạt. Có những thời điểm mùa khô, không có nước dùng nên càng mong nước sạch lắm. Theo chị La O Hin, lấy nước ở suối, lúc không mưa còn đỡ vì lúc mưa thì nước suối cũng đục ngầu. Người dân không có máy lọc nước mà thường gánh nước về là dùng luôn. Hơn nữa, nước suối cũng không sạch vì người dân tắm, giặt đều ở suối cả…

Tương tự, theo chị Rơ Lan H'Mloa, vào mùa khô, muốn có nước sạch để uống và nấu ăn phải đi lấy ở các khe suối xa. Người dân phải ra giữa lòng sông để đào hố chờ nước mạch. Để lấy được can khoảng 20 lít nước về sinh hoạt có khi phải chờ mất cả buổi. Đi làm trên rẫy cũng phải tranh thủ tắm giặt.

Tháng 8/2021, hơn 300 hộ dân buôn Ma Giai, Ia Rpua (xã Đất Bằng) với 98% đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn về nước sinh hoạt đã được dùng nước sạch khi công trình nước sạch được đầu tư 4 tỷ đồng đưa vào hoạt động. Sau một thời gian gián đoạn, nay nước sạch đã được cung cấp trở lại… Có nguồn nước sạch sinh hoạt là niềm vui lớn của đồng bào ở các buôn vùng sâu thuộc xã Đất Bằng - tâm điểm của chảo lửa Krông Pa. Từ sự quan tâm của chính quyền địa phương, Đảng và Nhà nước, xã Đất Bằng đã có gần 2.000 hộ với trên 5.000 nhân khẩu được tiếp cận với nước sạch.

Bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống

Được biết, khi có nước sạch thì những nhà có nước giếng thường sẽ phải nộp 10.000 đồng/tháng. Nhà nào không có giếng thì tầm 100.000 đồng/tháng. Chị La O Hin cho biết, sau khi thu hồi hết nợ tiền nước cũ các hộ dân chưa nộp, đầu tháng 11/2022, nước sạch đã được cung cấp trở lại cho bà con buôn Ma Giai. Vì nhà chị vẫn sử dụng nước giếng để tắm giặt nên trung bình một tháng hộ 3 khẩu cũng chỉ dùng 20.000 - 30.000 đồng tiền nước sạch/tháng. Hộ nào dùng nhiều sẽ phải trả nhiều tiền hơn.

Trước đây, cứ vào mùa khô, người dân luôn phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt, bởi trong buôn chỉ có vài hộ đào được giếng, còn lại sử dụng nguồn nước ít ỏi từ các con suối nhỏ. Hàng năm, UBND xã phải hỗ trợ người dân đào các hố dưới lòng suối để tìm nguồn nước cho gia súc uống và phải dùng xe chở nước sinh hoạt cung cấp cho bà con. Vì thế, việc có nước đến tận nhà giúp người dân tộc thiểu số ở buôn Ma Giai có điều kiện để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Bà Rah Lan Bông, buôn Ma Giai hào hứng nói, có nước sạch cấp đến tận cửa nhà bà con yên tâm sử dụng. Vì dùng nhiều phải trả tiền nhiều nên ai cũng có ý thức tiết kiệm, không để lãng phí nguồn nước sạch.

Chủ tịch UBND xã Đất Bằng Rô Krik cho biết, thôn Ma Giai đa số là người dân tộc thiểu số sinh sống (Chăm H’roi, Gia Rai…), có số hộ nghèo cao nhất trong xã, với 92 hộ nghèo/tổng số 170 hộ. Trước thực tế người dân thiếu nước sinh hoạt (dùng để nấu nướng, tắm, giặt…), Dự án công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại buôn Ma Giai được triển khai từ tháng 2/2021 với tổng kinh phí đầu tư khoảng 4 tỷ đồng. Trong đó, vốn tài trợ là 350 triệu đồng, vốn hợp tác xã là 500 triệu đồng. Đầu tháng 8/2021, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng. Công trình gồm các hạng mục: 3 giếng khoan, hệ thống điện, bể lọc, khu xử lý nước có công suất xử lý 10m3/h, 2 bể chứa có dung tích 40m3 và đường ống dẫn nước đến tận nhà dân với chiều dài hơn 5km. Chất lượng nước đáp ứng được tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Ở buôn Ma Giai, hệ thống đường ống đã đấu nối cho các hộ dân và 2 trường học. Ngoài ra công trình còn xây dựng thêm một đài nước 20m3 cao 16m ở buôn Ia Rpua để dự trữ nước và mở rộng mạng đường ống cấp cho các hộ dân ở Ia Rpua ở giai đoạn 2. Ông Rô Krik cho biết: “Có công trình nước sạch đáp ứng nhu cầu dùng nước sinh hoạt, người dân rất phấn khởi. Ngoài ra, công trình còn góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường, giảm bệnh tật và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hồi đầu mới đưa vào sử dụng, mỗi m3 nước được thu giá 5.000 đồng. Nhưng chi phí này chưa đủ để trả tiền điện, phí bảo trì nên sau đó đã tạm ngưng cấp nước sạch để làm công tác truyền thông với bà con về việc sẽ điều chỉnh giá lên 10.000 đồng/m3”.

Có nguồn nước sạch sinh hoạt là niềm vui lớn của đồng bào dân tộc thiểu số ở các buôn vùng sâu thuộc xã Đất Bằng, tâm điểm của “chảo lửa” Krông Pa. Vì vậy, từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ, chia sẻ của các đơn vị tài trợ, một số công trình nước sạch đã được xây dựng như: công trình nước sinh hoạt xã Đất Bằng lấy nước từ công trình thủy lợi Ia Mlah về cho người dân buôn Ia Prong, Ia Rnho; Dự án cấp nước sinh hoạt tập trung tại buôn Ma Giai phục vụ nước cho người dân buôn Ma Giai và Ia Rpua; Dự án “Nước sạch vùng cao” tại buôn Ia Rnho. Qua đó, giúp người dân đã được tiếp cận với nước sạch.

Dù hiện nay, các công trình nước sạch mới cơ bản đáp ứng nhu cầu dùng nước sinh hoạt của bà con nhưng bà con không còn chịu cảnh thiếu nước vào mùa khô, không phải sử dụng những nguồn nước bị ô nhiễm. Các công trình nước sạch đã góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, góp phần vào việc hoàn thành xây dựng nông thôn mới theo đúng kế hoạch. Theo lãnh đạo địa phương, phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành hệ thống công trình nước sạch tại xã Đất Bằng và đạt mục tiêu 95% người dân tộc thiểu số tại huyện Krông Pa được sử dụng nước hợp vệ sinh…

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu thăm, chúc mừng sư sãi và đồng bào Khmer dịp lễ Sene Dolta

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu thăm, chúc mừng sư sãi và đồng bào Khmer dịp lễ Sene Dolta
(PLVN) - Nhân lễ Sene Dolta 2024 của đồng bào Khmer Nam bộ, ngày 27/9, ông Nguyễn Bình Tân - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Bạc Liêu dẫn đầu đoàn công tác đến thăm, chúc mừng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước và các chùa Cù Lao, Cái Giá Giữa, Cái Giá Chót (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu).

Nậm Pồ chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Các chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai tích cực đã góp phần nâng cao đời sống người dân.
(PLVN) - Những năm qua, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) thường xuyên đẩy mạnh thực hiện các chính sách chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên, từng bước xóa đói giảm nghèo, cuộc sống nâng cao rõ rệt.

Cao Bằng ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trường Trung học Phổ thông Lý Bôn (Bảo Lâm) tổ chức Hội thi tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã và đang tiếp tục phát huy hiệu quả chính sách, tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện hiệu quả Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số”, nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2025 ngăn chặn thành công tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Quảng Ninh sơ kết 3 năm về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo

Quang cảnh hội nghị.
(PLVN) -Ngày 10/4, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 06, “về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” và đánh giá kết quả 3 năm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn tỉnh.

Hiệu quả trong công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Móng Cái

Hiệu quả trong công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Móng Cái
(PLVN) - Trong những năm qua, TP Móng Cái (Quảng Ninh) luôn xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Sau 10 năm triển khai cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương đã gặt hái được những thành công và để thấy rõ những hiệu quả của công tác mang lại Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Bá Nam, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy Móng Cái về vấn đề này.

Bộ Công an trao tặng Công trình liên hợp cho Trường PTDT bán trú Tiểu học Pa Tần, Sìn Hồ, Lai Châu

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tháo băng gắn biển khánh thành nhà ở bán trú cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Tần.
(PLVN) -  Chiều ngày 06/01/2024, Bộ Công an đã tổ chức Lễ trao tặng Công trình liên hợp Nhà ở, Nhà ăn, Nhà phụ trợ, phòng máy vi tính, thư viện cho Trường PTDT (Phổ thông dân tộc) bán trú Tiểu học Pa Tần, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an dự và phát biểu tại buổi lễ.

Các cấp, các ngành, địa phương phải dành sự quan tâm đúng mức đến công tác dân tộc

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ, công tác dân tộc là nhiệm vụ khó khăn nên các Bộ, ngành địa phương phải quan tâm đến công tác này bằng cả tấm lòng. (Ảnh: VGP/Hải Minh)
(PLVN) - Dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, do Ủy ban Dân tộc tổ chức chiều 2/1, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương phải dành sự quan tâm đúng mức đến công tác dân tộc; linh hoạt trong việc triển khai các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi phù hợp với văn hoá, phong tục, tập quán, điều kiện cụ thể của từng địa bàn, từng dân tộc, tránh tư duy máy móc.