Năm 2023, Trà Vinh tiếp tục đà khôi phục, tăng trưởng kinh tế sau đại dịch. Bên cạnh đó, còn nhiều doanh nghiệp đối mặt với thách thức do những bất ổn, khó lường của tình hình thế giới.
Cũng trải qua giai đoạn hoạt động cầm chừng lúc khó khăn như bao doanh nghiệp khác trên địa bàn, nhưng thay vì cắt giảm lao động, Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Công nghiệp Lefaso Trà Vinh (ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) - thuộc TBS Group, đã chủ động tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, đa dạng nguồn hàng để giữ chân người lao động. Mặc dù doanh thu thấp, công ty vẫn duy trì hoạt động khen thưởng, tặng quà vào các dịp lễ, Tết cho người lao động.
Gần 3.000 công nhân tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Công nghiệp Lefaso Trà Vinh hăng hái lao động. |
Ông Bùi Chí Linh (37 tuổi, công nhân khu gò tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Công nghiệp Lefaso Trà Vinh) chia sẻ, hơn nửa năm qua công ty gặp khó vì thiếu đơn hàng, song khi hay tin gia đình ông bị hỏa hoạn đã hỗ trợ 80 triệu đồng và tạo điều kiện giúp ông xây dựng nhà mới. Công đoàn cũng hỗ trợ ông thêm 40 triệu đồng. Sự trợ sức kịp thời này đã giúp ông và gia đình vững lòng bởi Ban giám đốc và Công đoàn cơ sở luôn bên cạnh người lao động lúc khó khăn.
Ông Lê Duy Khương – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Công nghiệp Lefaso Trà Vinh cho biết, Ban lãnh đạo luôn chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của gần 3.000 lao động tại đây. Giai đoạn khó khăn, công ty không cắt giảm nhân sự, thay vào đó chọn phương án luân phiên giờ làm giữa các công nhân để đủ 15 ngày công/tháng nhằm đảm bảo điều kiện của BHYT, BHXH cho người lao động
Ông Bùi Chí Linh được hỗ trợ xây dựng lại nhà sau khi bị hỏa hoạn. |
“Xác định vai trò nòng cốt, đi đầu của người lao động trong sự phát triển bền vững của công ty, chúng tôi hoạt động theo phương châm lợi ích thì hài hòa, khó khăn thì chia sẻ với người lao động", ông Khương nói.
Công ty Cổ phần thủy sản Thông Thuận (gọi tắt Công ty Thông Thuận) ở thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh những ngày này bắt đầu đều đặn sản xuất theo đơn hàng. Theo đại diện công ty, tình trạng khó khăn thiếu đơn hàng bắt đầu diễn ra từ cuối quý 4/2022 đến quý 1/2023. Đối mặt với tình hình đó, công ty Thông Thuận vẫn giữ tiêu chí "không bỏ lại ai phía sau" nên đề ra phương án dàn trải đơn hàng nhằm đảm bảo cho hơn 250 công nhân đều có việc làm, không ai phải thất nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh (32 tuổi, là công nhân tại Công ty Cổ phần thủy sản Thông Thuận) cho biết, bà cũng như mọi người tại đây đều rất mừng vì công ty giữ lại tất cả lao động làm việc trong thời điểm khó khăn nhất. Tuy lương có giảm, nhưng nhờ nguồn thu nhập này, bà trang trải được chi phí chữa bệnh cho chồng và lo cuộc sống của gia đình.
Nhiều công nhân tại Công ty Cổ phần thủy sản Thông Thuận vui mừng vì có việc làm tạo thu nhập trang trải cuộc sống. |
“Không chỉ giữ lại làm việc, gia đình tôi còn được giám đốc và Công đoàn công ty hỗ trợ hơn 60 triệu đồng, từ đó tôi có chi phí điều trị bệnh gan cho chồng và sửa chữa lại căn nhà đã hư hỏng”, bà Linh kể.
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, bà Trần Thị Kim Chung - Chủ tịch Liên đoàn Lao Động tỉnh Trà Vinh thông tin, từ đầu năm 2023 đến nay các cấp Công đoàn trong tỉnh tổ chức thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ Mái ấm Công đoàn với số tiền hơn 6 tỷ đồng. Ngoài công tác chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho công nhân, người lao động, các cấp Công đoàn luôn quan tâm đến môi trường làm việc, đời sống, chế độ, chính sách đối với người lao động như: tiền lương, tiền công, các khoản hỗ trợ theo quy định… Từ đó tham mưu lãnh đạo công ty có chính sách hỗ trợ kịp thời.
“Liên đoàn Lao động tỉnh Trà Vinh và Công đoàn các cấp sẽ tiếp tục thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động gặp khó đủ điều kiện thụ hưởng, kịp thời giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn”, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Trà Vinh nói.