Câu hỏi bỏ ngỏ với các nhà khoa học
Năm 1984, hai cán bộ Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng tình cờ phát hiện di tích khảo cổ Cát Tiên trong một chuyến điền dã. Lập tức, di tích này thu hút sự quan tâm của giới khoa học. Các nhà khảo cổ học gọi di tích này là thánh địa Cát Tiên. Di tích khảo cổ Cát Tiên được phân bổ dày đặc, tập trung tại xã Quảng Ngãi và một phần của hai xã Đức Phổ, Gia Viễn (cùng thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng). Di tích này trải dài khoảng 15km dọc theo tả ngạn sông Đồng Nai và còn kéo dài về phía hạ nguồn huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước).
Năm 1994, di tích này được tiến hành khai quật khảo cổ và nghiên cứu. Qua hơn 35 năm phát hiện, di tích này đã được các nhà khảo cổ tiến hành 8 đợt khai quật (từ 1994 - 2006). Kết quả các đợt khai quật đã phát hiện nhiều phế tích kiến trúc đền tháp, mộ tháp, nhà dài, hệ thống máng nước, đường đá cổ... Các kiến trúc ở đây có quy mô lớn nhỏ khác nhau tùy vào công năng, có bình đồ vuông hoặc hình chữ nhật, cửa chính quay về hướng đông.
Ngẫu vật Linga khổng lồ lớn nhất Đông Nam Á (chiều cao 2,1m, đường kính 0,7m) khai quật được ở Khu di tích Cát Tiên |
Quá trình khai quật còn tìm thấy hơn 1000 hiện vật, gồm nhiều chất liệu như: vàng, bạc, đồng, đá quý, gốm…; phong phú về loại hình như: nhiều ngẫu tượng Linga - Yoni, tượng thần Ganesa, thần Uma, nhẫn, hạt chuỗi, các lá vàng dập nổi hình của các vị thần, các linh vật Bà La Môn giáo.
Đặc biệt, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ngẫu tượng Linga - Yoni lớn nhất Đông Nam Á, với Linga cao 2,1m, đường kính 0,7m và Yoni vuông có cạnh 2,26m. Khi khai quật, các nhà khoa học đã phát hiện 265 lá vàng yểm trong các đền, tháp.
TS Nguyễn Tiến Ðông (Viện Khảo cổ học - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, bộ hiện vật kim loại vàng này cực kỳ quý giá, không chỉ về mặt chất liệu mà lớn hơn là ý nghĩa văn hóa. Theo ông, người xưa đã sử dụng kỹ thuật vẽ chìm và gò nổi để lưu lại lên những lá vàng hình ảnh các vị thần như: Shiva, Vishnu, Brama, India; các linh vật như: voi, sư tử, lợn rừng; các hoa văn, biểu tượng trang trí cung đình như: sóng nước, hoa sen, cánh hoan kết dải, bánh xe luân hồi…
Nghệ thuật tạo hình những lá vàng rất trau chuốt, kỳ công, điêu luyện, tạo nên những đường nét hài hòa, sắc sảo, phóng khoáng, diễn tả những ma lực của thần linh, sự sinh sôi và khát vọng vươn lên. Hình vẽ trên hàng trăm lá vàng như mê cung của các thần linh nên nhiều nhà khảo cổ nhận định đây có thể là một trung tâm tôn giáo, thủ đô của một vương quốc cổ bị lãng quên. Di tích khảo cổ Cát Tiên là một phát hiện lớn của khảo cổ học Việt Nam cuối thế kỷ XX, có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu các nền văn hóa cổ ở Nam bộ và Tây Nguyên.
Tư liệu khai quật khảo cổ cho thấy, văn hóa Cát Tiên có quá trình phát triển khá dài, giai đoạn sớm vào khoảng thế kỷ thứ IV - VI và giai đoạn muộn có niên đại thế kỷ VII - X sau công nguyên. Đặc biệt, quá trình phát triển của văn hóa Cát Tiên có mối quan hệ gần gũi với văn hóa Chăm Pa ở Nam Trung bộ và văn hóa Óc Eo - hậu Óc Eo của đồng bằng Nam bộ Việt Nam. Những yếu tố văn hóa vật chất như: gạch, ngói…; các loại đồ gốm như: bình, vỏ… lại ảnh hưởng từ văn hóa Chân Lạp.
Có một điều thú vị, đó là trải qua hơn 3 thập niên phát hiện và nghiên cứu, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra những bằng chứng xác đáng về chủ nhân của thánh địa. Đã có nhiều hội thảo khoa học và diễn đàn được mở ra nhưng chủ nhân và niên đại của di tích này vẫn còn là điều bí ẩn. Có người bảo đây là vương quốc Mạ, người khác nói có thể là tiểu quốc của Phù Nam, lại có ý kiến cho rằng đây là một quốc gia từng tồn tại song song với Phù Nam, Chân Lạp…
Gắn với phát triển du lịch
Năm 1997, di tích khảo cổ Cát Tiên được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích cấp quốc gia. Đến năm 2014, di tích này được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Đây là một vinh dự đối với di tích và cũng là một thương hiệu có giá trị trong bản đồ du lịch của khu vực.
Về mặt vị trí địa lý, di tích khảo cổ Cát Tiên nằm ở khoảng giữa tỉnh lộ 721 nối quốc lộ 20 (từ ngã ba Madagui, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) đến quốc lộ 14 (từ ngã ba Sao Vọng, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Trung tâm khu di tích nằm ở bờ bắc sông Đồng Nai (thuộc xã Quảng Ngãi), sát với vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Tiên, cách TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) khoảng 190km về phía bắc và cách TP HCM khoảng 180km về phía nam.
Đây là vị trí khá đắc địa trên bản đồ du lịch, rất thuận lợi cho các tour du lịch từ TP HCM đi TP Đà Lạt và các tỉnh Tây Nguyên tới tham quan. Tháng 5/2019, nhà trưng bày di tích khảo cổ Cát Tiên đã khánh thành đi vào hoạt động. Nhà trưng bày có diện tích khoảng 300m2, trưng bày hơn 200 hiện vật hình ảnh theo 3 chủ đề: dấu ấn về di tích khảo cổ học Cát Tiên (chủ yếu nói về vùng đất di sản và những phát hiện đầu tiên về di tích); khu vực trọng tâm, giới thiệu các gò di tích, quá trình khai quật, đặc điểm kiến trúc và các hiện vật tiêu biểu; các hoạt động của di tích, quá trình trùng tu, tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Sau khi đi vào hoạt động, nhà trưng bày khảo cổ Cát Tiên đã trở thành nơi vừa bảo quản, vừa giới thiệu đến du khách những “báu vật” khai quật được một cách hệ thống. Bên cạnh các di chỉ gò đồi, đền tháp đã thành phế tích, các hiện vật được trưng bày sẽ mang đến cho người xem cái nhìn toàn diện, đầy đủ hơn khi đến tham quan thánh địa Cát Tiên.
Hiện nay, di tích khảo cổ Cát Tiên vẫn thường xuyên đón khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu miền đất thánh. Đồng thời, Ban Quản lý di tích khảo cổ Cát Tiên cũng liên kết, nối tour du lịch cho du khách từ Vườn quốc gia Cát Tiên đi xuyên rừng sang tham quan di tích. Với những giá trị lịch sử, văn hóa phong phú và du lịch hấp dẫn đã đưa di tích khảo cổ Cát Tiên lan tỏa, khẳng định đây là một di sản văn hóa vô giá trên vùng đất Nam Tây Nguyên và Đông Nam bộ của nước ta.
Tuy nhiên, niên đại của thánh địa Cát Tiên có từ khi nào, thuộc nền văn hóa nào vẫn đang là những câu hỏi chưa có lời giải. Hàng nghìn hiện vật được tìm thấy tại đây nhưng không có hiện vật nào ghi nhận về niên đại cũng như không tìm thấy bi ký hay tài liệu ghi chép nào nói về di tích khảo cổ Cát Tiên. Vì vậy, miền đất thánh Cát Tiên vẫn đang bí ẩn với các nhà khoa học.