Ông là Bùi Đình Sành, ở khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị). 40 năm gắn đời mình với con tàu, vẫy vùng giữa muôn trùng biển cả, ông hiểu đến tận tường từng dòng hải lưu cùng những phương thức đánh bắt hải sản. Và chiều nay, ông ngồi kể cho chúng tôi nghe bằng những kỷ niệm nguyên sơ khi còn là một thuyền trưởng, dẫn lái hàng chục ngư dân vươn khơi bám biển mưu sinh…
“Cao thủ” nghề biển nức tiếng một thời – ông Bùi Đình Sành |
Ngày ấy, ai cũng muốn theo ông để đi biển “thuận buồm xuôi gió” mà không cần phương tiện đánh bắt hiện đại, đầu tư nhiều tiền. “Bây chừ, chuyện đánh một mẻ lưới thu hàng chục triệu đồng không khó nữa bởi tàu xa bờ được trang bị máy tầm ngư cùng với nhiều loại ngư lưới cụ đánh bắt hiện đại, tối tân... Nhưng chục năm trước, làm chi có những thứ xa xỉ ấy. Muốn đánh một mẻ thành công lớn, tất cả phải trông vào kinh nghiệm của con người”, ông Sành mở đầu câu chuyện đầy kỳ thú về cuộc mưu sinh dài đằng đẵng thời làm ngư dân vai trần rám nắng, vững vàng và kiêu hùng trên biển Đông.
Theo ông, ngoài kinh nghiệm được cha ông truyền dạy, phần quyết định nhất là sự tự tích lũy, đúc rút qua nhiều năm lênh đênh trên sóng nước. Như khi ông “bật mí” về ngón nghề bắt mực ống: “Ngư dân câu mực ống thường chọn giờ ra khơi hơi khác thường, tầm khoảng 13-14h. Khi mũi lái chạm ngư trường cũng là lúc trời sẫm tối. Hệ thống đèn được bật lên để dụ đàn mực đến tìm thức ăn, ngư dân chỉ chờ thời cơ mà buông câu hoặc thả lưới vây rút”.
Hẳn không là ngư dân, hiếm ai tin được khi nghe khái niệm mực làm tổ. Ông Sành tiết lộ: “Với ngư dân bọn tui, việc câu tổ mực là chuyện thường. Bởi mực thích dựa vào những nơi nước biển có rong, tảo mọc dày để quần tụ và sinh sản”. Thông thường, mùa câu mực tổ diễn ra từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm.
Việc xác định tổ mực là nhờ kinh nghiệm của từng người, theo lời lão ngư này thì rất ngẫu nhiên: “Bất cứ thời gian nào trong ngày, ngư dân thả lưới thì rong tảo vướng vào. Khi thu lưới về, nếu thấy từng chùm trứng mực dày đặc trên thân rong, tảo thì người ta biết đích thị tổ mực đây rồi. Họ sẽ dùng dây, một đầu gắn chì hoặc buộc với cục đá nặng, đầu kia gắn phao nổi lên để định vị tổ mực và gọi nhau chờ đêm đến để vây mực ống dưới ánh đèn. Đêm có tổ mực là đêm một khoảng biển sáng lên, cả chục ngư dân rất tất bật, nhộn nhịp nhưng hào hứng bởi những mẻ mực lớn”.
Tuy nhiên, lão ngư cho biết câu mực cũng phải có điều kiêng kỵ. “Ngư dân câu mực ống nằm lòng một điều là không được bắt mực chúa. Nó thường có chiều dài từ 0,8- 1m, mực chúa có mắc câu thì phải thả ngay. Nếu không, lần sau dù rong tảo có dày đặc tại vị trí này, mực cũng không bén mảng đến để làm tổ nữa. Giống như cư dân ở một nước, không có “vua” thì làm sao dám yên ở?”, ông Sành ví von.
Ngư dân miền Trung buông lưới đánh bắt cá trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc |
Sau câu chuyện về nghề câu mực, những kinh nghiệm và cách phát hiện khúc cây trôi trên biển càng hấp dẫn hơn và mang đậm tính nhân văn về những ngư dân tương thân, tương ái. “Giữa biển cả bao la, tàu nào mà bắt gặp được cây cá thì coi như chuyến ra khơi thắng lợi lớn rồi”, ngư dân lão luyện một thời này cho hay.
Ông lý giải, “cây cá” là cách gọi gọn gàng nhất về những bụi, cành, khúc cây (do lũ lụt hoặc sạt lở bị sóng đẩy từ đất liền trôi ra) bềnh bồng, lập lờ trên mặt nước. Giữa biển Đông mênh mông, một vật thể trôi nổi chính là chỗ vừa trú ẩn, vừa tìm thức ăn, vừa sinh sản lý tưởng của những đàn cá. “Đến tận bây giờ, ngư dân miền Trung vẫn cố gắng truy tìm “cây cá” và coi nó như là bảo bối để có chuyến đi biển thành công”.
Việc tìm thấy những “cây cá” thường xảy ra vào khoảng tháng 2, tháng 9 hàng năm. Biển thời gian này trong xanh, yên ả. “Cây cá” cũng ngấm nước, bắt đầu mục ruỗng lại càng là nơi lý tưởng cho rong, tảo biển sinh sôi, nảy nở để hút những đàn cá nhỏ đến ăn. Rồi chính cá nhỏ lại thành thức ăn để hút nườm nượp những đàn cá lớn như cá ngừ, cá bớp, cá cam, cá xanh, cá chim đen, cá bè...
Ông Sành tiết lộ: “Người trong đất liền ít biết rằng, từ “cây cá” đó, ngư dân trên khắp đất nước này tạo ra một mối liên kết làm ăn từ lâu đời để mang đến cho nhau những chuyến biển bội thu. Ví dụ, ngư dân câu mực xà là vua bám biển, lênh đênh ngoài khơi hơn cả tháng trời. Lực lượng đông, hành nghề dài ngày, họ thường xuyên gặp khúc cây trôi. Bây giờ, nếu bắt gặp “cây cá” là tàu câu mực sẽ gọi qua incom cho các tàu vây lưới, câu cá ngay”.
Và không chỉ đối với “cây cá”, như đã thành luật bất thành văn, tàu nào gặp luồng hải sản không thuộc mục tiêu đánh bắt của mình cũng báo cho tàu khác. “Như hồi tui còn mạnh khỏe để đi biển, có đến khoảng hơn hai chục tàu là bạn thân. Từ mối làm ăn “buôn có bạn, bán có phường” này, nhiều thông tin mang về cho các tàu giữa đại dương hàng trăm tấn cá. Cũng có thông tin chỉ được dăm ba chục khay. Tuy thế, báo tin cho nhau biết là thấy vui rồi”, lão ngư Sành kể như tự hào.
Điều đặc biệt, thu nhập từ những mẻ đánh bắt được theo những thông tin “chỉ điểm” cũng sẽ được chia lại cho tàu có công phát hiện với tỷ lệ 30%. Ông Sành chứng minh: “Giữa năm 2012, ông Thắng ở Phú Yên được một tàu câu mực xà ở Quảng Ngãi chỉ cho “cây cá” trôi gần đảo Đá Lát- Trường Sa. Cây trôi ấy mang về cho tàu ông Thắng 9 tấn cá. Khi cập bờ nhập cá xong, ông Thắng xin số tài khoản ngân hàng, chuyển ngay cho tàu Quảng Ngãi 100 triệu tiền hoa hồng”.
Thấy chúng tôi có vẻ nghi ngờ, lão ngư cười giải thích: “Mưu sinh bằng cái nghề cưỡi sóng, đạp gió giữa biển khơi đầy bất trắc, ngọt bùi phải biết chia sớt cho nhau. Cái bền chặt trong lòng nhau là chữ tín, lời lãi bao nhiêu chia bấy nhiêu”. Và ông Sành nhẩm tính, khoảng năm 2006, hai năm trước khi giã từ biển cả, tàu ông đã chia cho 9 tàu cá “chỉ điểm” của Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam... đến gần 250 triệu đồng.
Tàu về neo đậu tại cảng Cửa Việt |
Trong suốt câu chuyện từ miền ký ức, ông Sành luôn tỏ niềm vương vấn với biển khơi, đầy vơi như những ngọn thủy triều lên xuống… Ông nhớ da diết những lần trút xuống boong tàu lũ cá ngừ còn tươi roi rói, giãy đành đạch. Dưới ánh sáng bình minh chiếu xuống, vây cá lấp lánh đủ màu sắc.
Một điều khác làm lão ngư già tiếc nuối nữa: “Tầm chục năm trước, cứ xa bờ khoảng vài hải lý là có tổ mực, ẵm ngay trong tay cả 2 - 3 tạ mực ống. Cá dưới khúc cây trôi nhiều vô kể, lưới vây không xuể. Còn bây giờ, lớp trẻ ra khơi trở về cứ than vãn mãi tổ mực hiếm dần, trữ lượng cá dưới cây trôi cũng ít đi bởi chính những bộ phận không nhỏ ngư dân vì lòng tham, chuộng dàn đèn siêu sáng làm cho hải sản không còn tập trung và dùng những phương tiện đánh bắt tận diệt nguồn lợi như giã cào, thuốc nổ…
Trước khi chia tay, chúng tôi hỏi có khi nào vì thấy biển cả bây giờ khó làm ăn, tiềm ẩn nhiều bất trắc quá mà ông khuyên lớp sau từ bỏ nghề không? Ông khảng khái: “Không bao giờ! Tui có lệnh, chúng nó cũng chẳng bỏ. Cái nghiệp nó thấm trong máu, truyền từ đời cha sang đời con. Biển đảo của Tổ quốc ta mà, ông cha nó đã không tiếc máu xương để bảo vệ rồi thì chúng nó cũng nguyện tiếp tục giữ. Không bỏ được, bỏ thì giặc dã nó chiếm biển, chiếm cá mình mất à…”