Những người con của núi xóa bỏ lời nguyền “mẹ chết con phải chôn theo”

Chị Y Byen bên những đứa trẻ chị đã cứu sống.
Chị Y Byen bên những đứa trẻ chị đã cứu sống.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ở một số vùng núi, có hủ tục rợn người, khi mẹ mất, đứa trẻ sơ sinh phải bị chôn theo. Để phá bỏ hủ tục ấy phải là những người rất dũng cảm, dám vượt qua luật lệ ngàn đời cùng niềm tin dị đoan nhưng sắt đá của người dân tộc vùng cao.

Số phận bi thảm của những đứa trẻ chết non

Anh Đinh Cong, năm nay 40 tuổi, là người dân tộc Macoong sinh sống ở một bản nhỏ trong rừng Trường Sơn. Dù giờ đây cuộc sống đã khá no đủ, được cải thiện, nhưng trong lòng anh vẫn không thôi đau đáu về bi kịch đời mình ngày trước.

Năm đó, anh mới hơn 20 tuổi, lấy vợ được 3 năm. Vợ anh mang thai đứa con đầu lòng, hai vợ chồng trẻ vui mừng khôn xiết. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu, vợ anh sinh ra một bé trai kháu khỉnh rồi qua đời vì băng huyết. Ôm đứa trẻ đỏ hỏn trên tay, khóc vợ chưa cạn nước mắt thì dân làng xuất hiện, bắt anh thực hiện đúng “lời nguyền” bao đời nay của ngôi làng: Chôn đứa trẻ theo mẹ. 

Dẫu là một người Macoong, đã biết về tập tục này bao lâu, nhưng đến lúc lời nguyền ấy chạm vào mình anh mới thấy nó kinh hoàng và đau đớn đến thế nào. Dù cho anh xin được giữ đứa trẻ lại nuôi, hứa sẽ một mình chăm nó thành người làng khỏe mạnh, nhưng tình yêu con của anh không chiến thắng lại tập tục trăm năm của dân làng.

Đứa trẻ bị tước khỏi tay cha, dân làng đem nó đi chôn theo người vợ đã chết của anh. Tiếng khóc của trẻ thơ như còn vang vọng bên tai anh mỗi giờ, mỗi khắc, như là tiếng kêu cứu từ dưới huyệt mộ vang lên, khiến anh mãi không quên được, dù đã gần 20 năm trôi qua.

Trong những bản làng ở quanh rừng Trường Sơn có nhiều dân tộc mang những hủ tục như thế. Người giải thích sơ sài thì bảo, chỉ biết đó là tập tục rất lâu đời, nghe bảo nếu mẹ chết mà con không chôn theo thì cả làng sẽ bị thần linh trừng phạt, bệnh tật kéo đến. Hoặc, người mẹ chết rồi vẫn còn lưu luyến con thơ, nếu không chôn con theo để đoàn tụ với mẹ thì linh hồn người mẹ không siêu thoát, sẽ trở về tìm con, quấy phá mọi người. 

Những người biết rõ nguồn cơn thì kể rằng, do từ thời xưa, người dân Macoong sống trong rừng núi, thiếu thốn đủ điều, chỉ biết dựa vào thiên nhiên để sinh tồn. Đứa trẻ sinh ra cũng chỉ biết nhờ vào bầu sữa mẹ để lớn lên cho đến tuổi biết ăn. Nếu người mẹ chết đi, không có sữa mẹ, đứa trẻ cũng gầy yếu mà chết dần chết mòn, trở thành gánh nặng cho gia đình, làng bản. Chính vì thế, đứa trẻ nên đi theo mẹ là giải pháp tốt nhất. Từ nguyên do ấy, sau này tam sao thất bản thành những lời nguyền đáng sợ, dọa người.

Mẹ chết, con phải chôn theo là một hủ tục đầy man rợ, xuất hiện không chỉ ở miền núi Trường Sơn. Tại một số vùng đồng bào ở Tây Nguyên vẫn còn giữ nguyên tập tục ấy cho đến tận gần đây. Như người  Jrai và Bana, những dân tộc chân chất, hiền lành và phóng khoáng. Thế nhưng, giữa các làng bản người Jrai, Bana vẫn tồn tại tập tục đáng kinh sợ này. Hủ tục chôn sống trẻ sơ sinh được gọi là “dọ-tơm-amí”.

Dân làng nghĩ rằng, những đứa trẻ được chôn sống, về với “mẹ ma” sẽ sung sướng hơn khi sống ở thế giới loài người mà thiếu đi bàn tay chăm sóc của mẹ và bầu sữa mẹ. Chính vì thế, người mẹ chết đi, đứa trẻ sơ sinh sẽ bị chôn sống theo mẹ, hoặc “kết án tử” bằng cách đem bỏ vào rừng cho “tự sinh tự diệt”. Và một đứa trẻ còn quấn tã làm sao chống chọi được cái khắc nghiệt của khí hậu rừng núi, của cái đói, của muôn vàn loài thú dữ… 

Hủ tục ấy không chỉ trực tiếp tước đi sinh mệnh bao trẻ thơ vô tội mà còn như vết dao cứa vào trái tim những người còn sống. Bởi vì dù cho tập tục truyền đời, đối với buôn làng như một điều tất yếu thì với những người thân của đứa trẻ, việc một sinh linh nhỏ bé, máu mủ của mình bị tước đoạt khỏi cuộc đời một cách tàn khốc vẫn sẽ là ám ảnh suốt cuộc đời.

Cậu bé Macoong được ông Nguyễn Xuân Diệu cứu sống nay đã là một thanh niên.
Cậu bé Macoong được ông Nguyễn Xuân Diệu cứu sống nay đã là một thanh niên.

Bước qua lời nguyền

Một hủ tục lạc hậu và man rợ như thế, nhưng nó cư nhiên tồn tại trong đời sống đồng bào dân tộc nhiều nơi cho đến tận gần đây. Pháp luật, đạo đức xã hội có thể điều chỉnh hành vi của nhiều người, nhiều sự việc, nhưng đối với đồng bào một số dân tộc ở vùng sâu, vùng xa thì “phép vua thua lệ làng”. Những “di sản” mà tổ tiên để lại cho họ, dù tốt xấu vẫn được họ nhất mực bảo vệ, lưu truyền. 

Đã có không ít trường hợp cán bộ thôn làng, các thầy,cô giáo bám bản cám cảnh trước số phận trẻ sơ sinh chết oan đã đứng ra khuyên đồng bào bỏ đi hủ tục, nhưng bị cộng đồng tẩy chay, xung đột, thậm chí phải ngậm ngùi đi khỏi làng. 

Để xóa bỏ được hủ tục không chỉ cần đến sự điều chỉnh của pháp luật. Cần hơn cả là những người dân, những cán bộ bám bản, hiểu dân làng sâu sắc, đủ nhẫn nại, kiên trì cũng như sự khéo léo. 

Nhiều người cha, người ông, người bà người Macoong ở Quảng Bình đến nay vẫn biết ơn ông Nguyễn Xuân Diệu, một người kinh sống giữa những người Macoong. Ông Diệu là người gốc Huế. Năm 1990, ông đến làng người Macoong ở xã Thượng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình để làm ăn. Bén duyên với cô gái người Macoong, ông quyết định ở lại vùng đất này.

Nghe những câu chuyện rùng rợn về hủ tục chôn sống trẻ sơ sinh, ông Diệu đã dấy lên trong lòng một nỗi day dứt. Để rồi, khi tận mắt chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng, ông mất ngủ và ám ảnh. Trong lòng ông quyết tâm phải chống lại, xóa bỏ hủ tục man rợ ấy.

Năm 1994, trong bản Cà Roòng có một người đàn bà điên tên là Y Soang đang mang thai. Khi Y Soang vừa sinh nở đứa bé thì qua đời do nhiễm trùng. Theo lệ, đứa bé sẽ bị chôn sống theo mẹ. Hay tin, ông Diệu cùng vợ tìm đến, thuyết phục người làng giao đứa trẻ cho ông nuôi. Vì đề nghị trái với tục lệ, dân làng phản ứng quyết liệt, thậm chí còn đòi đuổi hai vợ chồng đi. Nhưng ông Diệu vẫn kiên trì thuyết phục.

Sau một ngày trời dùng đủ mọi cách, đưa ra lời thề sẽ chịu trách nhiệm với số phận đứa bé. Nếu đứa bé có chuyện gì xảy ra, hoặc dân làng gặp điều gì xui rủi do sự sống sót của đứa bé thì ông sẽ chịu mọi tội trước Giàng, đồng thời chịu phạt vạ nặng. Cuối cùng, lòng chân thành đã thuyết phục được những người làng, ông nhận nuôi đứa trẻ.

Trước đó, dù đã dùng rất nhiều cách mà chưa thành công, nên khi nghe được tin này chỉ huy đồn biên phòng đóng trên địa bàn rất mừng rỡ, cử người xuống hỗ trợ cùng với thực phẩm, đường sữa chế độ của anh em trong đồn dồn lại để ủng hộ đứa trẻ. 

Rồi đứa bé cũng trải qua được nguy hiểm, hết suy dinh dưỡng và mạnh khỏe lớn lên bên hai vợ chồng cùng sự ủng hộ của bộ đội biên phòng. Đó là đứa trẻ đầu tiên sống sót qua hủ tục chôn sống ấy. 

Từ đó, với sự nỗ lực của ông Diệu và lực lượng biên phòng, nhiều đứa trẻ sau đó cũng đã được cứu sống khỏi hủ tục. Giờ đây, vùng đất ấy đã không còn đứa trẻ nào bị chôn sống theo mẹ nữa. 

Cùng với tấm lòng như thế, cô Y Byen (28 tuổi, ngụ làng Piơm, thị trấn Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) cũng đã cứu sống một sinh linh khỏi tục lệ chết người. Khi mới 14 tuổi cùng mẹ đi bán áo quần cũ ở một ngôi làng, nghe tin có đứa bé sắp phải chôn sống cùng với người mẹ vừa qua đời, Y Byen lập tức chạy đến xin dân làng tha cho đứa trẻ.

Cũng với cam kết sẽ nuôi đứa trẻ tốt, cuối cùng cô bé 14 tuổi cũng đã cứu sống được cậu bé khỏi hủ tục. Cậu bé sau đó trở thành con nuôi của Y Byen. Sau đó, Y Byen đã tiếp tục cứu được đứa trẻ bơ vơ khác. 

Lực lượng đồn biên phòng địa phương cũng là những người có công đầu trong cuộc xóa bỏ hủ tục ở các vùng dân tộc. Như các chiến sỹ bộ đội biên phòng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã không ít lần kịp thời cứu được những đứa trẻ trước ranh giới sinh tử.

Nhiều người dân trong vùng còn nhớ câu chuyện về cậu bé Hồ Dưỡng được các chiến sĩ Cha Lo cứu vào năm 2010, ngay trước lúc em bị chôn theo người mẹ qua đời vì băng huyết. Sau đó, các chiến sĩ đặt tên cho em, nuôi em 2 năm cho cứng cáp và chuyển em sang Trung tâm bảo trợ địa phương. 

Những năm qua, chính quyền các địa phương có tồn tại hủ tục, cùng với sự hỗ trợ của các đồn biên phòng và những người dân giàu nhiệt huyết như Y Byen, ông Nguyễn Xuân Diệu…, tục lệ chôn sống trẻ sơ sinh đầy man rợ đã được đẩy lùi dần. Giờ đây, tại nhiều thôn bản, tục lệ ấy dường như chỉ còn là những câu chuyện kể xa xưa của một thời còn mông muội…

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.