Theo đó, Tòa án Thượng thẩm Lahore ở tỉnh Punjab, Pakistan tuyên bố, việc kiểm tra trinh tiết đối với nạn nhân sau khi bị tấn công tình dục là hành động bất hợp pháp, xác định rằng đây là hành động “không có cơ sở y tế” và “xúc phạm nhân phẩm của nạn nhân nữ và do đó chống lại quyền được sống và quyền nhân phẩm”.
“Hủ tục này là hành vi vi hiến, phân biệt giới tính và vô nhân đạo. Nó không có giá trị pháp lý trong các trường hợp bạo lực tình dục và phân biệt đối xử với phụ nữ”, Thẩm phán Ayesha Malik nhấn mạnh. Thẩm phán Ayesha Malik cũng yêu cầu chính phủ Pakistan ban hành quy định mới, dựa trên tiêu chuẩn quốc tế để điều tra các trường hợp bị tấn công tình dục, hiếp dâm.
Sau khi phán quyết được đưa ra, Bộ trưởng Nhân quyền Pakistan Shireen Mazari chia sẻ trên Twitter rằng, đây thực sự là một “phán quyết mang tính bước ngoặt”.
Hồi tháng trước, Pakistan thông qua luật mới về việc thành lập một toà án chuyên trách xét xử các vụ án hiếp dâm. Một vụ án hiếp dâm, tấn công tình dục ở Pakistan giờ phải được xét xử xong trong tối đa 4 tháng. Pakistan quyết tâm quét sạch nạn hiếp dâm khỏi xã hội. Theo luật mới của Pakistan, hành vi công khai danh tính nạn nhân trong vụ án hiếp dâm, tấn công tình dục sẽ bị coi là tội phạm nghiêm trọng.
Được biết, hủ tục “kiểm tra trinh tiết” từng được thực hiện nhiều ở Pakistan với thủ thuật - gọi là bài kiểm tra hai ngón - được cho là để xác định liệu một người có phải là trinh nữ hay không. Các bài kiểm tra trinh tiết thường được thực hiện với nhiều lý do khác nhau, như trước khi kết hôn hoặc để tuyển dụng nhân sự.
Tuy nhiên, ở một số vùng, việc kiểm tra này được thực hiện với các nạn nhân bị cưỡng hiếp để xác định xem liệu có hành vi tấn công tình dục hay không, thậm chí còn được xem là “thông lệ” đối với giới chức Pakistan khi điều tra vụ án. Một số quan chức Pakistan biện minh rằng, đưa 2 ngón tay vào bộ phận sinh dục nữ là cách để họ kiểm tra xem nạn nhân có “thường xuyên quan hệ tình dục hay không”.
Nếu đã quan hệ tình dục, tức không vượt qua “bài kiểm tra 2 ngón tay”, phụ nữ ở Pakistan có thể bị kết luận là không hề bị cưỡng hiếp. Luật tố tụng hình sự Pakistan không quy định “bài kiểm tra 2 ngón tay”, nhưng giới chức nước này vẫn làm thường xuyên.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiều khu vực trên thế giới - trong đó có Pakistan có truyền thống đánh giá “danh dự hoặc phẩm hạnh” của một phụ nữ. Thế nhưng từ những năm 1900, Pakistan đã xuất hiện hủ tục đáng lên án này. Liên Hợp Quốc cho rằng, các cuộc kiểm tra trinh tiết là không có cơ sở khoa học hoặc y tế và xem đây là hành vi vi phạm nhân quyền.
Theo WHO, phụ nữ và trẻ em gái có thể bị ép buộc tham gia các cuộc kiểm tra trinh tiết, và những cuộc kiểm tra như vậy “thường để lại đau đớn, xấu hổ và sang chấn”, đặc biệt là trong các trường hợp bị hãm hiếp.