Những giáo viên kéo cá sông đêm cải thiện bữa ăn học trò

Các thầy kéo cá trên sông Đà
Các thầy kéo cá trên sông Đà
(PLO) -Không những làm tốt công việc giảng dạy mà khi màn đêm buông xuống, thầy cô trường THCS Tân Dân, xã Tân Dân, huyện Mai Châu, Hòa Bình lại lặng lẽ xuống dòng sông Đà đánh vật với sóng nước nhặt nhạnh từng con tôm, con cá góp phần cải thiện bữa ăn đạm bạc của các em học sinh nghèo vùng dân tộc thiểu số. 
 

 

Ngôi trường giữa đại ngàn

Nằm cách trung tâm huyện Mai Châu hơn 70km, trường THCS Tân Dân nằm sâu hun hút giữa vùng núi xa xôi, hẻo lánh. Đường vào trường rất khó đi, nhiều khúc cua gập tay áo. Có lẽ vì thế mà người dân nơi đây vẫn luôn bị cái đói, cái nghèo theo riết.

Trường được thành lập vào năm 2007, ngay cạnh  sông Đà. Đường đến trường xa, cuộc sống nghèo khó khiến những đứa trẻ nơi đây cứ đến trường được vài ngày rồi lại bỏ học. Đứa ở nhà trông em, đứa lên nương làm rẫy phụ giúp gia đình. Nguy cơ thất học hiện hữu.

Thấu hiểu cuộc sống khó khăn của người dân nơi đây, tập thể thầy cô trường THCS Tân Dân không quản khó khăn, gian khó đến từng thôn bản vận động các gia đình cho con em đến lớp. Nhờ sự tận tụy, ân cần của thầy cô, ngôi trường từ chỗ vắng học sinh trở nên đông vui như mái nhà thứ hai của cả thầy và trò.  

Hiện nay, trường có 116 học sinh, hơn 10 lớp học và khu ở nội trú cho hơn 60 học sinh và cán bộ giáo viên. Đa phần giáo viên trong trường là người ở thị trấn Mai Châu hoặc sinh sống tại một số huyện khác của tỉnh Hòa Bình, người ở gần trường nhất cũng 70km, người ở xa thì hàng trăm km nên tất cả đều chọn ở nội trú, cuối tuần hoặc cuối tháng mới về thăm nhà một lần. 

Trao đổi với phóng viên, thầy Hà Mạnh Quyết - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, do nhà xa đa số các em học sinh phải ở bán trú, cuối tuần mới đi bộ về nhà. Dù được nhà nước hỗ trợ nhưng điều kiện vật chất của các em vẫn còn rất khó khăn, nhiều em vẫn còn tư tưởng nghỉ học. Thầy cô dạy chữ cho các em thôi chưa đủ, phải ăn cùng, ngủ cùng, động viên các em nữa. 

Các thầy kéo cá trên sông Đà
Các thầy kéo cá trên sông Đà

Thầy Quyết cho biết thêm cho biết, theo quy định về hỗ trợ học sinh vùng sâu, các em nhà ở cách trường từ 7km trở lên được ở nội trú, mỗi em được cấp 460.000 đồng/tháng tiền ăn. Số tiền này nhà trường chuyển hết cho phụ huynh, cứ hàng tuần các em lại về nhà lấy gạo và chút đồ mang theo lên trường, tự tổ chức nấu ăn theo từng nhóm. 

Với mức hỗ trợ đó mỗi em có khoảng 15.000 đồng/ngày tiền ăn. Thế nhưng từ khi xây nhà nội trú cho các em, số tiền này cũng bị cắt. “Khó khăn trăm bề, rất khó để đảm bảo cho các em đang tuổi ăn tuổi lớn, chưa kể nhiều trường hợp gia đình quá nghèo, đến thời kỳ giáp hạn chẳng thể gửi lương thực cho các em ăn”, thầy hiệu trưởng cho hay.

Lặng lẽ kéo cá trên sông 

Sống cùng và thấu hiểu những khó khăn học của học trò, thầy cô trường Tân Dân đã mua lại của người dân chiếc vó cũ với giá 6 triệu đồng, học người dân cách đánh bắt, rồi hàng đêm, sau khi soạn giáo án xong, họ lại lặng lẽ kéo cá ở sông Đà để cải thiện bữa ăn cho học sinh nội trú. 

Thầy Phùng Bá Thanh - giáo viên dạy môn Mỹ Thuật bộc bạch: “Học sinh chủ yếu là con em người dân tộc thiểu số. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, cũng có em được gia đình gửi cá khô, trứng nhưng cũng chỉ được phần nào. Thậm chí nhiều hôm các em chỉ ăn rau, hay nạo đu đủ ra xào, thi thoảng thì đi lấy rau rừng, chưa kể nhiều hôm cơm cũng không đủ. Nhìn bữa cơm của học trò mà chúng tôi không cầm được nước mắt”.

Các thầy kéo cá trên sông Đà
Các thầy kéo cá trên sông Đà

Suốt 6 năm qua, đêm nào các thầy cô cũng 2 lần xuống sông, lần thứ nhất khoảng 22h đêm đến 23h; lần thứ 2 từ 4h đến 5h sáng. Vó rộng khoảng 20m2, xung quanh kết nối thành bè bởi những cây luồng, ở giữa bè là chiếc vó lớn. Trung tâm vó được nối một sợi dây thừng vào hệ thống quay tời. Phải 2 người cật lực quay tời, chiếc vó mới nổi lên khỏi mặt nước. Để cá vào vó, phía trên bè phải thắp một bóng đèn. 

Buổi tối hôm ấy, trên vùng sông Đà gió rít, sương mù giăng kín, mưa phùn lạnh căm căm, thế nhưng các thầy vẫn lặng lẽ cùng với đèn pin, vợt lỉnh kỉnh xuống lòng sông bắt tôm, bắt cá.

Gió mỗi lúc một lớn, bè vó dập dềnh trên mặt sóng. Thầy Thanh và thầy Ngần Quốc Việt - dạy Âm nhạc bước lên trước, cả 4 tay đấu vào chiếc “vô lăng” quay từng vòng dây khó nhọc. Đoạn dây tời nối với vó dần ngắn đi, chiếc vó trồi lên mặt nước gặp gió lớn dạt về một phía, một số cá trong vó vì thế bị hất bay ra ngoài. Cột chặt dây vào cọc, các thầy bắt đầu đi ra khu vó, chiếc cầu tre trên bè ngâm nước lâu ngày,rong rêu bám đầy chỉ sơ hở 1 chút các thầy có thể đều rơi xuống sông.

Thầy Thanh đứng bên cạnh vừa cởi dây đò vừa nói thêm: “Sông Đà rộng mênh mông như thế, nhưng không phải lúc nào cũng có cá. Những hôm sóng lớn, mưa phùn, cá không vào vó, kéo lên chỉ được vài con, thầy cô lại lững thững đi về không. Trước sông Đà nhiều cá lắm, nhưng mấy năm nay, nhiều người đánh bắt cá ít dần. Ai đứng trên bờ nhìn chúng tôi kéo cá, cứ tưởng việc này đơn giản, nhưng có làm mới biết”. 

Trường THCS Tân Dân
Trường THCS Tân Dân

Thầy Thanh nói xong, chúng tôi và 2 thầy bước lên đò rong ruổi đến nơi đặt vó. Khoảng 5 phút vật lộn, gió giảm, thầy Thanh đứng nắm vó, còn thầy Việt lấy rổ hớt cá nhỏ như ngón tay ném vào vợt. 

Cầm trên tay những con cá tươi rói, thầy Thanh nở nụ cười hiền khô, thầy nói, mùa hè, rơi xuống sông chỉ ướt bộ quần áo về thay là xong. Còn mùa đông, rơi xuống sông thì chết điếng vì lạnh. Nhất là những ngày nhiệt độ xuống thấp khoảng vài độ, bước chân xuống ngâm nước khi lên bờ vẫn còn lạnh tê. Vì vậy, mùa đông, các thầy thường mang thêm máy lửa, lấy thêm ít củi để sẵn trong bờ.

 rở về trường với chỉ vỏn vẹn khoảng 2kg cá bắt được, thầy Thanh giọng buồn buồn: “Cuộc sống của thầy trò chúng tôi ở đây là thế. Vật chất thì khó khăn lắm, nhưng tình cảm thì luôn đong đầy. Ở đây các em thiệt thòi nhiều so với các bạn miền xuôi nên các thầy phải chủ động hỗ trợ, hướng dẫn mọi thứ cho các em.

Ở đây, chúng tôi ngoài dạy chữ, còn dạy các em kỹ năng sống, cách làm người bằng các hoạt động ngoại khóa như dạy bơi, chỉ bảo các em cách nấu ăn, nấu làm sao cho ngon, cách sinh hoạt tập thể…để các em ra ngoài thêm cứng cáp, bản lĩnh hơn”.

Ngoài việc bắt cá cải thiện bữa ăn cho học sinh, tập thể thầy cô trường Tân Dân còn nghĩ ra ý tưởng cấp heo cho gia đình học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Thầy Hà Văn Quyết cho biết, không phải bạn nào cũng được cấp heo. Phải là những bạn học giỏi, gia đình và bản thân chịu khó làm việc. 

Bữa cơm của nhóm học sinh nội trú.
Bữa cơm của nhóm học sinh nội trú.

Người đầu tiên được nhà trường hỗ trợ nuôi cặp heo là em Đinh Văn An - học sinh lớp 9. Em An có hoàn cảnh rất khó khăn, bố mất sớm, còn mình mẹ nuôi 2 anh em và mẹ già gần 80 tuổi. Khi heo sinh nở, thầy sẽ tiếp tục lấy 2 con trong đàn hỗ trợ cho các em khác, cứ thế nhân rộng. Còn lại, heo hỗ trợ ban đầu sẽ hoàn toàn thuộc về gia đình em An.

Những việc làm ý nghĩa của thầy cô Trường THCS Tân Dân sẽ còn đọng mãi trong lòng học trò. Chuyến đò này qua lại có chuyến khác đến đây, nhưng chắc chắn không ai quên được những người thầy “ngư phủ” đã kéo cá góp phần cải thiện bữa cơm đạm bạc của học sinh nghèo nội trú.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.