Khi người nông dân “dính bẫy”
Bần thần, phờ phạc, tấm lưng còng thêm và bước đi khó nhọc, bà Lê Thị Hoa ở xã Liêm Hải, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định không cầm được nước mắt khi kể về “gánh nợ” hơn 80 triệu đồng đã “bốc hơi” theo chủ hụi lớn nhất xã là Đinh Văn Biển.
Bà sụt sùi kể lại câu chuyện của mình: “Năm 2010, tôi chơi hụi với anh Biển với số tiền 20 triệu đồng, đến đầu năm 2015 thì được lấy về gần 30 triệu. Mừng quá, tôi lại vay mượn bù thêm cho đủ 40 triệu gửi anh Biển tiếp, cũng mong là số tiền này sẽ lớn thêm.
Rồi đến giữa năm 2015, khi cháu gái tôi được ngân hàng chính sách cho vay theo tiêu chuẩn hộ nghèo được thêm 20 triệu, tôi lại gửi tiếp cho anh Biển với lãi suất 20%/ tháng. Vậy mà, từ đó đến nay, tôi chưa lấy được đồng lãi nào thì anh Biển biệt tăm biệt tích.
Tôi mang nợ thêm cháu gái. Nhục quá chú ơi!”. Số tiền bà Hoa cho Biển vay cũng là số tiền tích góp suốt 27 năm trời và đó cũng là khoản tiền duy nhất bà để dành để dưỡng già. Trong khi đó, năm nay bà Hoa đã bước sang tuổi 76, cuộc đời cực khổ bà không nổi tấm chồng, đứa con để nương tựa, người thân duy nhất trong nhà chỉ còn cậu em trai nhưng tuổi cao và bị bệnh hiểm nghèo.
Không chỉ riêng bà Hoa, những người dân người khác trong xã cũng “dính” phải bẫy hụi, khiến cuộc sống đã khó khăn lại càng thêm cực nhọc với lãi suất hàng ngày. Như ông Nguyễn Văn Lâm, người tham gia 6 hụi, với tổng số tiền là 120 triệu đồng, cộng khoản cho vay 110 triệu đồng và bốn cây vàng.
Đó là toàn bộ số tiền ông Nhâm cùng ba con trai đi cày thuê, cuốc muốn bao năm mà có. Số tiền ba cha con tích góp được cũng là nguồn tài chính để tổ chức đám cưới cho các con, thế nhưng giờ đây, tất cả đã “bốc hơi”:
“Bốn cây vàng tôi được lãi 800 nghìn đồng/tháng, còn khoảng 120 triệu kia được gần một triệu đồng/tháng. Anh Biển là anh em họ hàng, nên tôi tin anh ấy lắm…nào ngờ đâu!!!”, ông Nhâm nói.
Những người dân trong vụ vỡ nợ tại Trù Sơn, Đô Lương mệt mỏi chờ đợi chủ phường họ quay về trả tiền. |
Cũng theo ông Nhâm, khi những chủ nợ trốn đi cũng là lúc người nông dân trở nên cùng cực nhất:“Nếu anh Biển không về, chúng tôi sẽ mất trắng. Anh ấy “ăn” ác quá.
Nay vỡ lở, người dân đến tìm thì đã bỏ trốn rồi. Ông Nguyễn Văn Khải chủ hụi và một số người khác cũng trốn rồi. Người ta lấy cả của người mù, người tàn tật, người neo đơn nghèo khổ. Thế mới ác chứ”, ông Nhâm bức xúc nói.
Cũng cảnh thuần nông sống nhờ ruộng đồng, hàng trăm hộ xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu, Nghệ An) bị hấp dẫn bởi lãi suất, gửi cả khối tài sản cho chủ phường họ, nay cũng chỉ biết… chờ chủ phường về!
Lý do bởi đầu tháng 4-2016, bất ngờ cả bảy gia đình đã huy động tiền khóa cửa bỏ trốn khỏi địa phương. Vì sao mà vùng quê nghèo xảy ra nông nỗi ấy?
Người dân xã Quỳnh Thanh cho rằng, để dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo, các con nợ đều tự trang bị vẻ bề ngoài cho mình rất đẹp đẽ và từng “chơi đẹp” bằng cách trả lãi đều và hậu hĩnh. Nhờ lấy được lòng tin, tổng số tiền các con nợ huy động trong xã là hơn 80 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên PL&TĐ, với khoảng 400 hộ dân ở các xóm 4, 5, 6,7, 8 thuộc xã Liêm Hải thì có tới gần 80% số hộ dính vào chơi phường họ và cho vay lãi. Chính vì thế, những ngày này về xã Liêm Hải dễ bắt gặp hình ảnh những người nông dân tiêu điều, đi đứng đờ đẫn trên những cánh đồng đã vàng úa.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Liêm Hải cho rằng, không chỉ người dân trong xã Liêm Hải, mà nhiều người dân ở các xã lân cận cũng trở thành nạn nhân của trò chơi phường , họ này.
Số người gửi đơn tố cáo mà lực lượng công an xã ngày càng nhiều, hiện tại theo thống kê của trưởng công an xã 110 đơn. Đó là chưa kể nhiều người còn một số là họ hàng với nhau nên còn đợi chờ, nghe ngóng chưa tố cáo tới các cơ quan chức năng.
Khó xử lý!
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ giữa năm 2015 đến tháng 5 năm 2016, trên toàn quốc đã xảy ra hàng trăm vụ vỡ hụi nghiêm trọng.
Từ Quảng Ninh cho đến Cà Mau, trong đó không ít địa phương đặc biệt nghiêm trọng như Quảng Xương, Tĩnh Gia (Thanh Hóa), Đô Lương, Quỳnh Lưu (Nghệ An), Hớn Quảng (Bình Phước), TP Bà Rịa (Bà Rịa-Vũng Tàu)… khiến những người tham gia chơi hụi rơi vào cảnh bế tắc, nợ nần chồng chất.
Chia sẻ với phóng viên bà Đỗ Thị Nhân, xã Trung Sơn (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) vừa khóc vừa vung những tờ giấy biên nợ gần nửa tỷ: “Mấy chục hộ dân chơi phường hụi họ.
Riêng nhà tôi chơi năm tổ, số tiền 300 triệu đồng, ngoài ra còn những chỗ nhỏ khác gần 200 triệu nữa. Hôm nọ, họp ủy ban, chủ tịch xã thông tin cho bà con biết con số vỡ hụi, họ ở xã đã lên đến hơn 20 tỷ đồng.”.
Về bản chất, phường họ là hình thức góp vốn, tương trợ lẫn nhau, sau đó đã biến tướng, phát sinh tiêu cực. Vấn nạn vỡ phường đã từng diễn ra ở nhiều địa phương từ hơn 20 năm qua, có lúc rộ lên, lúc tạm lắng. Khi xảy ra vỡ, các chủ phường thường tìm cách bỏ trốn khỏi địa phương khiến cho hàng trăm hộ dân như ngồi trên đống lửa.
Vợ chồng anh Nhâm chỉ mong sao lấy lại được tiền để làm đám cưới cho con. |
Ông Phạm Quang Kiểm, Trưởng công an xã Liêm Hải cho biết: Khả năng là rất khó. Phường họ mang tính chất cá nhân, không có người làm chứng, giấy tờ biên nhận lỏng lẻo, không ghi địa chỉ và thời hạn trả nợ.
Đó hoàn toàn là quan hệ dân sự. “Nhưng chúng tôi đang cùng công an huyện Trực Ninh làm việc, xác minh, nếu có dấu hiệu hình sự sẽ xử lý nghiêm”, ông Kiểm khẳng định.
Còn ông Phạm Trọng Duy, Phó chủ tịch UBND huyện Trực Ninh trong thực thi trách nhiệm, cho biết đã chỉ đạo công an huyện vào cuộc quyết liệt để điều tra, xã minh, đồng thời chỉ đạo các xã khác trên địa bàn cảnh giác, tuyên truyền giúp nhân dân tự phòng tránh.
Ông Duy nhấn mạnh: “Quan điểm của chúng tôi là không hình sự hóa nội dung dân sự. Sẽ tìm cách vận động chủ phường vắng mặt về quê giải quyết, đồng thời để tránh tẩu tán tài sản chúng tôi đã yêu cầu dừng các hoạt động chuyển nhượng bất động sản ở Liêm Hải”.
Cũng cho rằng, việc xử lý là vô cùng khó, ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết: “Thời gian qua, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp tuyên truyền để người dân hiểu, nhận diện và tránh xa các hoạt động tín dụng đen.
Tuy nhiên, một số người dân vì mất cảnh giác, cả tin nên đã “sập bẫy”. Để xảy ra những sự việc đáng tiếc trên, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền cấp xã”.
Lực lượng chức năng các địa phương, tỉnh thành đang tiến hành điều tra, ai sai đến đâu sẽ bị xử lý đến đó.
Thực tế thời gian vừa qua rất ít chủ phường hụi vay tiền bị đưa ra xử lý hình sự. Không ít luật sư cho rằng quy định của pháp luật đã có đầy đủ, nhưng người dân không quan tâm làm các giấy tờ có tính pháp lý, còn chính quyền địa phương cấp xã chưa sát sao trong quản lý về an ninh trật tự tại địa phương.
Nhiều luật sư còn cảnh báo các địa phương tích cực công tác quản lý, bởi hoạt động phường họ rất âm thầm mà lan rộng, có thể bùng vỡ bất cứ lúc nào.
Theo Luật sư Trần Hậu Thìn, Trưởng văn phòng luật sư An Việt, Đoàn Luật sư TP Hà Nội thì: Điều 497 Bộ luật Dân sự 2005 đã quy định người tham gia phải có hợp đồng, khi đưa tiền phải có ký kết bằng văn bản.
Thực tế cho thấy, qua những vụ bể hụi, rất ít trường hợp chủ hụi bị xử lý hình sự do người tham gia không hiểu luật, thiếu sự cẩn trọng nên đã tạo kẽ hở cho các chủ họ chiếm đoạt tài sản.
Nếu chứng minh được cho vay theo tính chất bóc lột người vay thì có thể xử lý hình sự. Nếu chứng minh được sau khi vay, người vay bỏ trốn thì phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nếu người đi vay thông tin trái sự thật để người khác cho vay thì phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.