Những điểm đáng chú ý trong tuyển sinh ĐH năm 2021

Tuyển sinh năm 2021, thí sinh có thể thi nhiều đợt trong năm. (Ảnh minh họa)
Tuyển sinh năm 2021, thí sinh có thể thi nhiều đợt trong năm. (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Bộ GD&ĐT khẳng định, tuyển sinh ĐH sẽ được giữ ổn định trong giai đoạn 2021 - 2025. Dự kiến, Bộ GD&ĐT sẽ hình thành các tổ chức, trung tâm khảo thí độc lập với ngân hàng đề thi chuẩn hóa, thi trên máy tính. Thí sinh có thể thi nhiều lần trong năm mà vẫn bảo đảm được tính minh bạch, công bằng giữa các lần thi…

Các trường tốp đầu sẽ thi theo nhiều đợt

Năm 2021, các trường đại học, cao đẳng vẫn sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để tuyển sinh. Thí sinh không phải thi nhiều lần, được đăng ký nhiều nguyện vọng và vẫn được điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi. Do đó, ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố định hướng tuyển sinh đại học năm 2021, nhiều trường đại học đã “chốt” phương thức tuyển sinh để thí sinh yên tâm. 

Tuy nhiên, cùng với tự chủ trong giáo dục đại học, nhiều trường đại học đã lên phương án tổ chức thi tuyển sinh riêng, trong đó một số trường sẽ tổ chức kỳ thi quy mô lớn theo nhiều đợt. Nhìn chung, các trường đều tổ chức xét tuyển dựa trên các phương thức “truyền thống” như: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển theo kết hợp học bạ THPT và điểm thi tốt nghiệp THPT.

Bên cạnh đó, nhiều trường cũng áp dụng thêm xét tuyển thí sinh có chứng chỉ thi quốc tế, đặc biệt là tổ chức xét tuyển theo đánh giá tư duy, năng lực (ĐGNL) thí sinh. Phương thức thi ĐGNL xuất phát từ cách làm của ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2015. Những năm qua, phương thức thi này cũng đã được ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh áp dụng và mang lại hiệu quả cao cho việc xét tuyển thí sinh vào ĐH.

 Theo đó, kỳ thi đánh giá năng lực sẽ tiếp tục được ĐH Quốc gia TP HCM tổ chức 2 đợt vào năm 2021. Cụ thể, đợt 1 dự kiến vào ngày 28/3 và đợt 2 khoảng sau từ 7 - 10 ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT, dự kiến vào ngày 4/7.

Việc tổ chức kỳ thi trên tinh thần giữ ổn định như các năm trước, kể cả cách thức tổ chức thi, hình thức làm bài và cấu trúc đề thi. Những điều chỉnh nhỏ hướng đến việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh khi tham dự kỳ thi này.

Cụ thể, sự thay đổi kỹ thuật nếu có là việc có thể mở rộng thêm địa điểm thi ở khu vực Tây Nguyên và thêm một cụm thi khác ở miền Trung để thí sinh dễ dàng hơn trong việc di chuyển. Các cụm thi đã ổn định năm trước sẽ tiếp tục duy trì trong kỳ thi năm nay như: TP HCM, Bến Tre, An Giang, Nha Trang và Đà Nẵng. Việc này sẽ được hội đồng thi quyết định dựa trên thực tế số lượng thí sinh đăng ký dự thi. Việc đăng ký dự thi và nộp lệ phí cũng hỗ trợ hình thức trực tuyến cho thí sinh.

Trước đó, trong năm 2020, ĐH Quốc gia TP HCM tuyển được gần 20% tổng chỉ tiêu các trường thành viên từ kết quả kỳ thi ĐGNL. So với năm 2019, tổng chỉ tiêu tuyển được từ phương thức này tăng thêm khoảng 6%. Năm 2021, các trường và khoa thành viên của nhà trường tiếp tục giữ ổn định và tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng bài thi này.

Thông tin mới nhất từ ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, năm 2021 ĐH Quốc gia Hà Nội tiếp tục ổn định và sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển và xét tuyển theo phương thức khác. Trong đó có kỳ thi ĐGNL học sinh THPT. Cũng như những kỳ thi ĐGNL của các năm 2015, 2016 trước đây, thí sinh hoàn thành bài thi ĐGNL trong một buổi thi của mỗi đợt thi. Kết quả thi được thông báo ngay sau khi thí sinh hoàn thành bài thi. Giấy chứng nhận kết quả thi được gửi cho thí sinh sau 3 tuần kể từ ngày dự thi.

Năm 2021 dự kiến kỳ thi ĐGNL được tổ chức thi tại Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội với quy mô khoảng 10.000 thí sinh, thi 4-5 đợt, từ tháng 5 đến tháng 10, mỗi đợt khoảng 1.000-2.000 thí sinh. TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, năm 2021 về cơ bản trường vẫn giữ vững tổng quy mô đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh và phương thức tuyển sinh.

PGS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, năm 2021, trường dự kiến tuyển sinh theo 3 phương thức với khoảng 7.000 chỉ tiêu. Phương thức thứ nhất là, xét tuyển tài năng (dự kiến 10 - 20% tổng chỉ tiêu).

Phương thức thứ hai là, xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT (dự kiến 50 - 60% tổng chỉ tiêu). Phương thức thứ ba của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là xét tuyển bằng kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy (dự kiến 30 - 40% tổng chỉ tiêu). 

Khuyến khích thi theo nhóm trường

Đánh giá về công tác tuyển sinh từ năm 2016 đến năm 2020, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD&ĐT Nguyễn Thu Thủy cho rằng, công tác tuyển sinh đã được thực hiện theo lộ trình ổn định, giảm áp lực và chi phí cho toàn xã hội, mang lại nhiều lợi ích cho thí sinh và các nhà trường.

Riêng năm 2020, dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, song với tinh thần tự chủ, trách nhiệm, các trường đại học, cao đẳng đã quyết định phương thức tuyển sinh phù hợp, chủ yếu dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh và nhận được sự đồng thuận của xã hội. Các nhà trường đã tuyển được gần 413.000 sinh viên đại học hệ chính quy, đạt gần 90% tổng số chỉ tiêu. 

Tiếp tục tạo thuận lợi nhất cho thí sinh, năm 2021, Bộ GD&ĐT quyết định giữ ổn định thi như năm 2020 và trong cả giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, để tăng tính chính xác, khách quan, hạn chế tối đa nguy cơ tiêu cực và hiện tượng thí sinh ảo.

Trước thông tin, thí sinh sẽ không được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng sau khi có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông như năm 2020, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, việc cho điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển sau khi có kết quả thi là quyền lợi của thí sinh, giúp các em thêm cơ hội trúng tuyển, vì vậy, năm 2021, quy định này sẽ được duy trì.

Thí sinh vẫn thực hiện việc đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông cùng với đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng như năm trước và hầu hết các trường đại học vẫn giữ phương thức tuyển sinh chủ yếu dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nên thí sinh có thể hoàn toàn yên tâm.

 Thứ trưởng GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, bộ khuyến khích các trường tiếp tục thực hiện quyền tự chủ như sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, có thể tổ chức thi tuyển theo nhóm trường theo hướng gọn nhẹ, thi trong một buổi nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh. Bộ cũng khuyến cáo các trường nên giữ ổn định trong nhiều năm. Nếu có thay đổi lớn, trường cần thông báo trước hai đến ba năm. 

Bộ đã giao Cục Quản lý chất lượng xây dựng quy chế về những điều kiện, yêu cầu chuẩn mực về đề thi, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, công nghệ thông tin… để tiến tới thành lập trung tâm khảo thí độc lập. Yêu cầu là phải chuẩn hóa tổ chức thi, bài thi, bảo đảm tính công bằng, khách quan tuyệt đối để các trường tin tưởng và sử dụng kết quả. Trước khi có trung tâm khảo thí độc lập, việc thi tốt nghiệp THPT vẫn được tổ chức thi trên giấy. Nơi nào có điều kiện có thể tổ chức thi trên máy tính…

Cần có hành lang pháp lý

Thông tin về phương án tuyển sinh 2021, PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM cho biết, năm 2021, trường vẫn giữ nguyên phương án tuyển sinh như năm 2020. Riêng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM không mặn mà với kỳ thi riêng, bởi nếu tổ chức đánh giá năng lực như một số trường hiện nay, chỉ tổ chức ở 1 số điểm thi, những thí sinh ở vùng sâu vùng xa khó có điều kiện tham gia nên vẫn sẽ dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT.

Như vậy cơ hội cho các em ở các vùng miền là không đồng đều. Hơn nữa, nếu sử dụng chỉ tiêu cho các kỳ thi đánh giá năng lực, thì số chỉ tiêu cho điểm thi tốt nghiệp sẽ ít đi, điểm chuẩn sẽ tăng cao hơn, gây khó khăn cho những thí sinh nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Và dù ủng hộ phương án tiến tới thành lập các trung tâm khảo thí độc lập, song PGS.TS Đỗ Văn Dũng lại lo ngại về việc hiện chỉ các thành phố lớn mới có thể đảm bảo đủ về cơ sở vật chất để tổ chức thành lập các trung tâm khảo thí, tại các vùng nông thôn, địa bàn khó khăn, việc học tập bằng máy tính của học sinh còn hạn chế, việc thi sẽ khó khăn hơn dẫn đến thiệt thòi cho các em học sinh.

Bên cạnh đó, thầy Dũng cũng lo ngại rằng việc hình thành các trung tâm khảo thí độc lập lâu dần có thể kéo theo hình thành các lò luyện thi hàng trăm người, ôn tủ, học tủ. Do đó, cần có sự giám sát chặt chẽ.

Cùng với đó, thầy Lê Đức Vĩnh, nguyên Tổ trưởng tổ Toán, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng để thành lập các trung tâm khảo thí độc lập, cần có hành lang pháp lý, các văn bản luật hoặc dưới luật quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các trung tâm. Như vậy các trung tâm khảo thí sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và xã hội về chất lượng khảo thí.

Trung tâm này có thể không thuộc Bộ GD&ĐT, tuy nhiên vẫn cần có sự giám sát của luật cũng như nhà nước. Thầy Lê Đức Vĩnh cho rằng, để thành lập các trung tâm khảo thí độc lập, sẽ cần đội ngũ chuyên gia ra đề đủ lớn, do đó, lộ trình phải 10-15 năm nữa mới có thể thực hiện.

Quan trọng nhất là cần tổ chức thi nghiêm túc. Trước những lo ngại về việc việc hình thành các trung tâm khảo thí độc lập sẽ dẫn đến hình thành các lò luyện thi kèm theo, thầy Vĩnh cho rằng, cần có những quy định cụ thể trong luật như đội ngũ giáo viên, chuyên gia tham gia soạn thảo đề thi tuyệt đối không được tổ chức luyện thi.

Cần có những quy định để tránh các trung tâm “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Muốn thành lập các trung tâm này, cần có lộ trình thực hiện từng bước, ban đầu có thể khó khăn nhưng dần sẽ đi vào ổn định. Việc hình thành 2-3 trung tâm khảo thí bao giờ cũng tốt hơn độc quyền. Các trường đại học có nhiều lựa chọn hơn, tăng tính cạnh tranh, từ đó sẽ nâng cao chất lượng của các trung tâm, thầy Lê Đức Vĩnh nhấn mạnh… 

Đọc thêm

Các trường 'điểm' tuyển sinh ra sao khi bỏ thi tuyển vào lớp 6?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Theo Bộ GD&ĐT, từ 2025, tuyển sinh THCS sẽ được thực hiện theo phương thức xét tuyển. Đối với các trường chất lượng cao, trường tư có tỷ lệ chọi lớn, địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các trường thực hiện dựa vào tình hình thực tế trên cơ sở phù hợp nhất.

Giáo dục thích ứng trong kỷ nguyên số

Phụ huynh, học sinh, người lao động cần tìm hướng đi đúng đắn. (Ảnh minh họa - Nguồn: Hocmai)
(PLVN) - Sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là AI đang định hình lại môi trường làm việc một cách nhanh chóng và nhu cầu về những kỹ năng mới cũng ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030: Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực

Ảnh minh họa
Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có hệ thống giáo dục tiên tiến trong khu vực châu Á. Với trọng tâm phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng giáo dục ở mọi cấp và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chiến lược này đặt nền móng vững chắc cho một xã hội hiện đại, công bằng và văn minh.

Nhìn lại những quyết sách phát triển giáo dục năm 2024

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi về dự thảo Luật Nhà giáo tại Quốc hội. (Ảnh: MOET )
(PLVN) - Xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, thúc đẩy chuyển đổi số đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành chu trình đầu của chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, kết thúc kỳ thi cuối cùng của CT GDPT 2006... là những dấu ấn nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố.

Đi học… hạnh phúc

Cô giáo xuất hiện trong bức ảnh đẹp nhất mùa khai giảng. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - “Người thấy được hạnh phúc của việc học sẽ làm được nhiều việc lớn lao” - là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo “Hạnh phúc trong giáo dục 2024” do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức.

Những vật dụng cấm mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2025

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có quy định rõ về trách nhiệm của thí sinh và những vật dụng không được phép mang vào phòng thi.

Đối tượng nào được miễn thi tốt nghiệp THPT 2025?

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định rõ những đối tượng được miễn thi tất cả các môn, miễn thi Ngoại ngữ, miễn thi Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT...

Lời hẹn ước xúc động của “ông nội” ở Làng Nủ

Thầy Khang chụp ảnh cùng 22 "cháu nội". (Ảnh: Vietnamnet)
(PLVN) -  Trong chuyến hành trình vượt gần 300km đến Làng Nủ (Lào Cai), thầy Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie, đã mang theo không chỉ trái tim tràn đầy tình yêu thương mà còn có một lời hẹn ước đặc biệt. Khoảnh khắc gặp gỡ tại ngôi làng mới được tái thiết, không chỉ chứng kiến những giọt nước mắt hạnh phúc mà còn mở ra một trang mới trong “cuốn sách cuộc đời ” của 22 đứa trẻ may mắn được ông yêu thương và bảo bọc.