Còn ai bỏ “cuộc chơi”?
Như PLVN đã thông tin, chỉ một tháng sau lễ động thổ Dự án BOT QL1 đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn (tháng 7/2015), Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (thuộc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC) đã có đơn xin rút khỏi dự án nói trên với nhiều lý do không thuyết phục.
Sự “tháo chạy” của SCIC khiến cho liên danh nhà đầu tư dự án từ chỗ 6 doanh nghiệp tụt xuống chỉ còn 5 (Công ty CP Đầu tư UDIC, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, Công ty CP Đầu tư 468; Công ty CP Giao thông Xây dựng số 1, Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà), trong đó Công ty CP Đầu tư UDIC đứng đầu liên danh với tỷ lệ góp vốn khi đó gần 30%.
Tuy nhiên, do liên danh thay đổi, UDIC sau đó “bất đắc dĩ” phải “gánh” thêm 13% phần góp vốn của SCIC, và mới đây - khi Giấy chứng nhận đầu tư cấp cho dự án này chưa ráo mực, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành lại xin giảm tỷ lệ đầu tư từ 25% xuống chỉ còn 5% - một tỷ lệ hết sức “gọi là” tại một dự án đường bộ cao tốc có tổng đầu tư lên tới hơn nửa tỷ USD.
Việc chỉ trong một thời gian ngắn nhưng có tới 2 doanh nghiệp xin thôi không đầu tư hoặc giảm tỷ lệ đầu tư về tới mức thấp nhất đã làm nảy sinh những mối lo ngại về tính ổn định của liên danh. Cùng với đó, còn xuất hiện câu hỏi vì sao nhà đầu tư “nửa chừng bỏ cuộc chơi”, và liệu 5% còn lại ở dự án trên có thực sự thể hiện quyết tâm tham gia dự án của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành như trước?
“Theo tôi biết, Phương Thành là một nhà đầu tư lớn, hiện đang đầu tư nhiều Dự án BOT ở phía Bắc, đồng thời còn là nhà thầu thi công xây dựng nhiều dự án giao thông khác tại nhiều nơi trong cả nước nên có thể họ muốn giảm tỷ lệ tại BOT Bắc Giang - Lạng Sơn để phục vụ một số dự án khác có thể có hiệu quả hơn”, ông Đinh Đăng Khánh - Giám đốc Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn nói.
Nhận định trên liệu có thuyết phục khi Phương Thành là một trong số các nhà đầu tư đầu tiên “đặt chân” vào dự án, đồng thời đã từng thể hiện quyết tâm đầu tư với tỷ lệ góp vốn thuộc loại cao nhất nhì liên danh, thì nay đột ngột hạ tỷ lệ tham gia xuống còn 5% (khoảng 70 tỷ/1.294 tỷ đồng vốn chủ sở hữu) - có phải là một điều bất thường?
Chưa “gỡ” được vốn ngân hàng
Được biết, ngoài 13% vốn chủ sở hữu (1.294 tỷ đồng) mà liên danh các nhà đầu tư phải góp đủ theo quy định của pháp luật, dự án này được phép vay thương mại 87% (khoảng 10.000 tỷ đồng).Tuy nhiên, đến nay mới có văn bản đồng ý cho vay xấp xỉ 6.000 tỷ đồng từ 2 Ngân hàng BIDV và Tiên phong, phần còn lại vẫn chưa xác định chắc chắn được đơn vị cung cấp tín dụng.
“Vốn quyết định sự thành công của dự án này, nhưng hiện nó đang là vấn đề thực sự khó gỡ nhất hiện nay đối với liên danh. Bởi vậy, chúng tôi đang nỗ lực làm việc với Ngân hàng Vietinbank để thu xếp tiếp một khoản vay trị giá 4.000 tỷ phục vụ cho dự án, nhưng vẫn chưa có kết quả.”, Giám đốc Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn thừa nhận với PLVN.
Như vậy, sau gần 1 năm khởi công, liên danh nhà đầu tư dự án này mới huy động được gần 400 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, nhưng nguồn này dự kiến sẽ phục vụ việc giải phóng mặt bằng. Phần lớn nguồn tài chính phục vụ công tác xây lắp tuyến đường vẫn chưa giải quyết xong.
Trao đổi với PLVN, Giám đốc Đinh Đăng Khánh cho hay: “Công tác kiểm đếm, áp giá đền bù đoạn từ Bắc Giang đến Lạng Sơn đang được triển khai để chuẩn bị ra quyết định phê duyệt. Giai đoạn này, ngoài việc xử lý các công việc nội nghiệp, trên hiện trường, chúng tôi mới chỉ tiến hành việc “vá” mặt đường, xử lý những vết hằn lún cũ... tạo sự êm thuận đoạn tăng cường mặt đường QL1, ngoài ra chưa làm gì thêm”.
Theo kế hoạch trước đây, Dự án BOT QL1 đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn sẽ đưa vào khai thác trong năm 2017. Nhưng với cảnh kẻ đi người ở như hiện nay, dự án khó mà hoàn thành như kế hoạch?
Phương Thành hạ vốn góp vì đang đầu tư nhiều dự án khác?
“Theo tôi biết, thì Phương Thành là một nhà đầu tư lớn, hiện đang đầu tư nhiều Dự án BOT ở phía Bắc, đồng thời còn là nhà thầu thi công xây dựng nhiều dự án giao thông khác tại nhiều nơi trong cả nước nên có thể họ muốn giảm tỷ lệ tại BOT Bắc Giang - Lạng Sơn để phục vụ một số dự án khác có thể có hiệu quả hơn”, ông Đinh Đăng Khánh - Giám đốc Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn.