Nhộng sâu muồng
Với những người dân tộc ở Tây Nguyên nói chung hay Đắk Lắk nói riêng coi nhộng sâu muồng là món ăn dân dã và thường có mặt trong bữa ăn của người dân. Con sâu muồng là loài côn trùng ăn lá muồng, phát triển mạnh mẽ khi mùa mưa tới, khi những cây muồng đâm chồi nẩy lộc.
Nhộng sâu muồng trở thành món ăn độc đáo vào đầu mùa mưa Tây Nguyên. Ảnh: Vunglep
Lúc này những con bướm di chuyển và tìm chỗ đẻ trứng trên cây muồng, nhiều vô kể. Trong một thời gian ngắn, chúng biến thành những con sâu muồng, sống và chủ yếu ăn lá cây muồng. Và người dân nơi đây đã biến con sâu muồng này thành những món ăn đặc sắc.
Đến Tây Nguyên vào mùa từ tháng 4 đến 6, du khách có thể bắt gặp những con sâu muồng bám đầy trên các cành lá, hay các lá cây non mơn mởn tại các rẫy tiêu, rẫy cà phê, trên những con đường...Chúng có màu xanh đậm, không phủ lông và bám đầy trên cây, di chuyển bằng cách cong mình rồi vươn đầu ra phía trước.
Khi trưởng thành, sâu di chuyển về thân cây muồng để kéo kén thành nhộng sâu to tròn, cũng là lúc người dân Tây Nguyên đi nhặt về để chế biến món ăn như xào, luộc hay ăn sống. Nhiều du khách sẽ cảm thấy sởn da gà khi thưởng thức những con sâu muồng sống, nhưng theo nhiều người dân, ăn như vậy mới cảm nhận được vị ngọt bùi, béo ngậy đặc trưng.
Thường nhộng bắt về làm sạch và thưởng thức từng miếng một với chén rượu cần. Nhiều người lại thích ăn nhộng muồng luộc chín nhưng vẫn cảm nhận được vị đậm đà, béo ngậy. Chính vì vậy, món ăn này từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc được nhiều người biết đến từ buôn làng đến thành thị.
Đến Tây Nguyên, không chỉ đắm mình trong lễ hội cồng chiêng say đắm hay thác nước hùng vĩ, ngắm nhìn những đàn bướm lung linh giữa rừng cà phê xanh thắm, bạn hãy đừng quên thưởng thức món ăn nhìn là ghê nhưng ăn vào là mê bởi vị ngọt, ngậy và đầy giá trị dinh dưỡng.
Đuông dừa
Đuông dừa có lẽ là món mang lại nhiều cảm xúc nhất cho cả người ăn lẫn người chứng kiến. Đây là món ăn đặc sản nổi tiếng của những người dân Nam Bộ.
Đuông dừa là côn trùng sống trong thân cây dừa, trông như con dòi khổng lồ, toàn thân luôn uốn lượn. Hàng năm, cứ sau mùa sinh sản, đuông thường chọn cây dừa sung sức để khoét ngọn vào sinh trứng. Trứng nở ra ấu trùng, sau đó đuông đục khoét ngọn dừa. Để bắt đuông, nhiều chủ vườn phải chặt hạ những cây dừa đã bị tàn úa vì bị đuông đục rỗng.
Những con đuông to, mập tròn có thể ăn sống. Cách ăn thường thấy là rót chén mắm mặn, dầm ớt, thả đuông sống vào bơi trong chén mắm. Người ăn dùng tay bốc phần đầu con đuông sau đó cho cả con vào miệng, nhìn thì rất ghê nhưng khi ăn cảm nhận đuông có vị béo, ngậy, là món khoái khẩu của dân nhậu.
Những con đuông sống ăn kèm nước mắm, trông rất ghê nhưng ăn rất bùi, ngậy. Ảnh: I.T
Ngoài ra người ta cũng có thể ăn bằng cách nướng trên than bằng cách dùng hai thanh tre hoặc trúc, chẻ vừa miếng làm nẹp, kẹp đuông còn sống vào giữa để lên lửa than nướng liu riu, trở qua xoay lại cho đến khi chín giòn. Lấy ra mở nẹp xếp vào đĩa. Đuông dừa nướng ăn kèm với nước mắm me chua ngọt, ăn ngon hết xảy.
Đuông nướng ăn với các loại rau xà lách, cải trời, càng cua, cải xanh, húng quế, tía tô, ớt. KHi ăn, cuốn đuông trong các loại rau cuốn rồi chấm mắm, tận hưởng hương vị tỏa ra từ mùi hăng hăng, ngòn ngọt của rau, vị thơm lừng béo ngậy của thịt đuông, quện với vị chua chua của nước mắm me, khó món ăn nào sánh kịp.