Người dân khu vực này cho biết, những cây trên mới được trồng từ đêm 28/9. Người dân thắc mắc rằng những cây này khi trưởng thành sẽ ảnh hưởng đến công trình đường sắt. Đấy là chưa nói chuyện cây sẽ quang hợp dưới gầm cầu ra sao?
Tất nhiên Hà Nội đang triển khai trồng thí điểm cây bàng lá nhỏ của Đài Loan trên phố Yên Lãng và Hoàng Cầu. Đặc tính của loại cây này là thân nhỏ, phát triển tán rộng, nếu có xảy ra gãy đổ cũng không làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình đường sắt trên cao. Chuyện này thì phải “hồi sau mới rõ”, tuy nhiên qua việc trồng cây dưới gầm công trình ở Hà Nội đặt ra câu chuyện tư duy phải đúng cách.
Trận mưa lịch sử mấy hôm trước tại TP Hồ Chí Minh như là lời cảnh báo về cách chống ngập từ xưa đến giờ không hiệu quả và cần thay đổi tư duy. Nguyên nhân làm cho người dân phải “bơi” bất đắc dĩ không mới, như việc người dân xả rác lấn chiếm kênh rạch thì cũ rích. Nếu nói biến đổi khí hậu làm cho mưa ngày càng lớn thì các khu vực khác vì sao không ngập, trong khi mưa nhỏ nhiều nơi vẫn ngập. Thành phố vịn vào cớ mưa quá to nên bất lực là không đúng, là sự “đánh tráo” nguyên nhân.
Có một điểm quan trọng nằm ngoài tầm của cơ quan chống ngập đó là mật độ xây dựng, bê tông hóa quá cao. Khi mưa xuống nước chỉ chảy trên bề mặt, không thẩm thấu, tốc độ chảy rất nhanh dồn xuống chỗ thấp thì ngập là chắc chắn.
Cách đây 20 năm ông Lê Sỹ Thục một nhà nghiên cứu về đa dạng sinh học đã từng đau xót khi thấy Hà Nội bắt đầu “bê tông” hóa và lấp dần hệ thống các dòng chảy và rất nhiều hồ trong thành phố. Sự bất lực về quản lý buộc phải “bê tông”, tuy nhiên hệ lụy là nước chỉ chảy tràn trên mặt phố. Câu chuyện quy hoạch đô thị của chúng ta đã “sai cách”.
Bộ mặt đô thị Việt Nam, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã và đang phải trả giá (ngập lụt, ùn tắc, ô nhiễm…) phần lớn là do sai lầm về quy hoạch, bất lực về quản lý. Tức là không “đúng cách”. Nguyên nhân là do tầm nhìn ngắn hạn, “tư duy chụp giật” thời thị trường của nhà nông.
Làm sao hệ thống đô thị và từng đô thị phát triển đồng bộ, bền vững, có bản sắc, văn minh, hiện đại và trong tương lai là phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội và gắn liền với bảo vệ môi trường? Tất nhiên phải “đúng cách” tư duy hiện đại, có tầm nhìn dài hạn.