Tại cuộc họp, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, Bộ GTVT vừa phê duyệt về phương án phân luồng tuyến ôtô liên tỉnh ở Hà Nội.
Mục đích của việc phân luồng tuyến là đảm bảo đồng bộ, công khai, giảm đi xuyên tâm, hạn chế xe dù, bến cóc và giảm ùn tắc giao thông trên tuyến đường vành đai 3. Những tuyến điều chuyển đều không phù hợp với quy hoạch.
Đã có nhiều nhà xe gửi đơn lên Văn phòng Chính phủ và UBND Hà Nội kiến nghị về vấn đề phân luồng tuyến ở các bến xe Hà Nội. Chính vì vậy, Sở GTVT Hà Nội tổ chức cuộc đối thoại muốn nghe ý kiến cụ thể của các nhà xe về vấn đề này.
Theo đó, ông Trần Quảng – Đại diện cho công ty vận tải Xuân Hải (tuyến chạy Mỹ Đình – Thanh Hóa) cho biết, nguyên nhân ùn tắc không phải chỉ do xe khách. Riêng tuyến Mỹ Đình - Thanh Hoá có 62 lốt/ ngày hoạt động theo quy định của pháp luật trong khi xe dù có 130 chiếc chạy xuyên tâm.
"Việc điều chuyển này sẽ dẫn đến nguy cơ phá sản cho hàng trăm doanh nghiệp. Vì vậy chúng tôi tha thiết được đối thoại với Chủ tịch thành phố Hà Nội để lắng nghe, giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp vận tải", đại diện công ty vận tải Xuân Hải nói. |
Trước đây, các cơ quan chức năng kêu gọi các doanh nghiệp vận tải vào bến Mỹ Đình từ ngày mới thành lập bến. Hơn 10 năm qua, nhiều nhà xe phải chịu thua lỗ góp phần xây dựng bến. Nếu bây giờ điều chuyển, họ chắc chắn phá sản, phải trả lốt, bỏ bến vì thua lỗ.
Đại diện công ty Xuân Hải cho biết thêm, việc điều chuyển này sẽ dẫn đến nguy cơ phá sản cho hàng trăm doanh nghiệp. Vì vậy chúng tôi tha thiết được đối thoại với Chủ tịch thành phố Hà Nội để lắng nghe, giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp vận tải.
Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải tỉnh Ninh Bình cho biết, việc điều chỉnh này khiến 50 nốt xe tuyến Mỹ Đình - Ninh Bình có nguy cơ phá sản. Bà lý giải hành khách có nhu cầu đi lại khu vực ở Cầu Giấy, Từ Liêm nhưng chỉ được phục vụ tới Nước Ngầm, phải bỏ tiền thêm đi xe khác. Trong khi tình trạng xe dù bến cóc ngang nhiên hoạt động ở các điểm để đón và trả khách tới bất cứ đâu.
"Đương nhiên hành khách sẽ chọn xe dù đi vì chỉ mất một tiền mua vé 1 lần, không phải đón xe buýt, xe ôm nữa thay vì đi xe có lốt cố định", bà Nga cho biết.
Trước những câu hỏi của doanh nghiệp, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết Chính phủ đã có chỉ đạo Hà Nội phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Một trong số đó là tổ chức giao thông, luồng tuyến tại các bến xe.
“Hà Nội phải rà soát, sắp xếp hợp lý các luồng tuyến, giảm áp lực cho tuyến vành đai 3 và các tuyến đường nội đô. Về phương án điều chuyển xe, Sở chịu trách nhiệm trước thành phố nếu quy định trái pháp luật”, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết. |
Lý giải về quyết định điều chuyển quá gấp gáp, ông Viện nhấn mạnh thời điểm Tết Nguyên đán 2017, tình hình ùn tắc toàn giao thông trên địa bàn phức tạp. Sở GTVT báo cáo UBND thành phố phải thực hiện trước để giảm ùn tắc giao thông. Khi rà soát, trong số hơn 1.600 nhà xe có một số tuyến cần phải điều chỉnh cho phù hợp.
“Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp sớm ổn định để tiếp tục hoạt động. Sở không bao giờ có ý định làm khó cho các nhà xe. Tất nhiên, vì mục tiêu chung sẽ có một số doanh nghiệp ảnh hưởng, phải hy sinh lợi ích”, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết thêm.
Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết thêm, việc các nhà xe từ chối vận tải để hành khách “bơ vơ” ở bến xe Mỹ Đình là việc làm không thể chấp nhận được.