“Nhập nhằng” thực phẩm bẩn và thực phẩm sạch

Chống thực phẩm bẩn cần ý thức của người sản xuất, phân phối và niềm tin của người tiêu dùng.
Chống thực phẩm bẩn cần ý thức của người sản xuất, phân phối và niềm tin của người tiêu dùng.
(PLO) - An toàn thực phẩm, thực phẩm bẩn đã trở thành câu chuyện “nóng” của bất kỳ diễn đàn hay chương trình nghị sự nào liên quan đến sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng khi có đến 90% người dân được hỏi có mối quan tâm số 1 là thực phẩm an toàn. Nỗ lực, quyết tâm rất nhiều nhưng thực phẩm bẩn vẫn tràn lan như sự thách thức với các cơ quan chức năng và “đánh đố” những người tiêu dùng thông minh.

Khủng hoảng niềm tin về an toàn thực phẩm

Qua quá trình kiểm tra, kiểm soát, ông Chu Xuân Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội chỉ ra hiện tượng rau củ quả bẩn được đưa vào các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, cửa hàng… được gắn mác an toàn, đánh lừa khách hàng. Trong năm 2015, Chi cục QLTT Hà Nội đã tịch thu, tiêu hủy gần 12.000 kg thủy, hải sản đông lạnh; gần 20.000 kg thịt bò, lợn, trâu... Thế nhưng, chỉ trong năm 2015, cả nước đã xảy ra 171 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 5.000 người mắc.

Trong số đó, có những lô hàng được bán ở những cửa hàng uy tín, gắn mác thực phẩm sạch. Chính vì thế, người dân “đang bị khủng hoảng niềm tin về an toàn thực phẩm. Người ta chỉ nói qua nói lại mà không tin nhau. Có những việc mình làm mà người ta không biết nên cứ nghĩ thực phẩm không an toàn” - bà Nguyễn Thị Lệ Thoa – Trưởng phòng Quản lý An toàn thực phẩm (thuộc Chi cục Bảo vệ thực vật TP HCM) nhận định.

TS.Hoàng Đình Chân (Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt) cho biết: “Cái chết đang rình rập trên từng mâm cơm gia đình, thậm chí ngay trong từng bữa ăn của trẻ nhỏ. Tỷ lệ người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm bẩn chiếm khoảng 35%, kế đến là hút thuốc lá 30%, yếu tố di truyền chỉ chiếm 5-10%”. Trong thực phẩm bẩn có vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh, độc tố nấm, độc tố vi khuẩn, hóa chất bảo vệ thực vật: tồn dư kháng sinh, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc chống mốc, chống mối, mọt; thuốc tăng trọng, thuốc kích thích tăng trưởng; thuốc nhuộm màu, chất bảo quản chống thối nên là nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh ung thư liên quan đến hệ tiêu hóa (gan, dạ dày, đại tràng, trực tràng…), hô hấp (vòm họng…), thậm chí cả ung thư tủy. 

Cảnh báo này lúc nào cũng gây hoang mang cho người dân bởi trong mỗi bữa ăn, nguy cơ ung thư từ thực phẩm bẩn vẫn cứ hiện hữu vì người tiêu dùng không có thông tin, không biết đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm sạch vì công nghệ “làm màu” thực phẩm ngày càng tinh vi của những nhà sản xuất, phân phối. Và do niềm tin của người tiêu dùng về thực phẩm sạch bị lung lay nên “nhiều công ty xuất khẩu thực phẩm sạch ra nước ngoài, trong khi bán trong nước lại gặp khó khăn” - ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit phản ánh.

Rau VietGAP phải bán với rau chợ

Đó là nguyên nhân khiến nông dân, nhà chế biến không thiết tha sản xuất thực phẩm sạch. Ông Dương Văn Tâm, nông dân xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết, trồng rau theo quy trình VietGAP rất vất vả, ghi chép nhật ký hàng ngày, lựa chọn, sử dụng giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đúng chuẩn nên giá thành sản phẩm cao.

Nhưng người tiêu dùng lại cân nhắc giá cả nên khó bán, nhiều khi phải bán với rau chợ nên người trồng rau rất “nản với VietGAP”. Điều kiện sống còn hạn chế nên đa số người tiêu dùng vẫn có xu hướng “thà ra chợ cóc gần nhà để mua vài lạng thịt tươi hàng ngày (không rõ nguồn gốc) còn hơn là mua thịt lợn sạch được đóng trong túi hút chân không và đã qua cấp đông” - ông Nguyễn Thanh Quang, chủ trang trại lợn sạch Ba Vì (Hà Nội) tâm tư.

Khi nguồn cung thực phẩm sạch như vậy thì “để có một cửa hàng thực phẩm sạch phải đầu tư không dưới 1 tỷ đồng (hệ thống bảo quản rau khoảng 200 triệu, bảo quản thịt khoảng 500 triệu và bảo quản hoa quả tươi khoảng 300 triệu), chưa kể các khoản chi phí cố định khác và có thể là cả chi phí “ngoại giao” không được tính vào sổ sách” - ông Trần Trung Chính, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Quốc tế Victory Asian với thương hiệu Mr Sạch chia sẻ kinh nghiệm. Từ đó, tình trạng lẫn lộn “đen, trắng” của thị trường thực phẩm càng có “đất” để hoành hành.

Nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng cứ loay hoay với thực phẩm bẩn và thực phẩm sạch thì “hệ thống kiểm soát hiện nay của chúng ta chưa đảm bảo thực phẩm sạch vì nặng về cách kiểm soát theo chu kỳ (ví dụ, theo tháng hành động vì an toàn thực phẩm). Cách tiếp cận này không mang tính hệ thống do vậy khó bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn vệ sinh được thực hiện xuyên suốt trong quá trình sản xuất thực phẩm!” – TS.Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản nhận xét.

Thiếu hợp tác 3 bên, khó “đấu” thực phẩm bẩn

Đó là ý kiến của đa số các chuyên gia tại bất kỳ diễn đàn nào về giải pháp chống thực phẩm bẩn. Theo bà Trần Thanh Hà - Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Great Việt Nam - thương hiệu rau sạch Vườn của mẹ thấy cần có sự hợp tác 3 bên giữa nhà sản xuất - nhà khoa học và nhà kinh doanh trong chuỗi cung ứng. Ở đó, nhà khoa học sẽ đồng hành cùng nông dân trong cả quá trình sản xuất để bảo đảm sản phẩm đầu ra có chất lượng như yêu cầu của đơn vị kinh doanh. Nông dân tham gia chuỗi không lo về đầu ra mà chỉ tập trung sản xuất theo yêu cầu về chất lượng, số lượng của nơi tiêu thụ. Người tiêu dùng cũng được lợi vì có sản phẩm sạch, không gặp những mối nguy về hóa chất, vi sinh…

Bên cạnh đó, yếu tố minh bạch thông tin thông qua truy xuất nguồn gốc cần được các nhà sản xuất, phân phối đưa lên hàng đầu để thực phẩm bẩn không có cơ hội “đội lốt” thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng. Kinh nghiệm của bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, chủ cửa hàng thực phẩm sạch Thanh Hằng cho thấy, “vấn đề cần quan tâm hàng đầu khi kinh doanh thực phẩm sạch là chất lượng sản phẩm chứ không phải quy mô cửa hàng. Bởi khi một cửa hàng thực phẩm mở ra, đầu tiên, người tiêu dùng sẽ tò mò dùng thử sản phẩm của cửa hàng bạn xem chất lượng thế nào, giá cả ra sao. Sau đó, họ so sánh sản phẩm của bạn với những nhà cung cấp khác. Nếu chất lượng ổn, dịch vụ tốt, giá cả hợp lý thì bạn sẽ có một lượng khách hàng trung thành nhất định”.

Ngoài ra, các nhà phân phối cần nhất quán trong việc lựa chọn sản phẩm, không kinh doanh kiểu “mua đứt bán đoạn”, mà chỉ lấy hàng trực tiếp từ các vùng sản xuất đã ký hợp đồng liên kết với các hợp tác xã, không qua bất kỳ nguồn trung gian nào. Nếu phát hiện lô hàng nào dính vi phạm về chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì lập tức hủy hợp đồng bao tiêu. “Do nông dân được ký hợp đồng bao tiêu giá rất ổn định, luôn cao hơn thị trường nên họ cũng không dại gì vi phạm để rồi phải tìm đường tiêu thụ bấp bênh” - ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam nhấn mạnh.

Theo nhận định của nhiều doanh nhân trong lĩnh vực thẩm phẩm, hơn 90 triệu dân và quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, thị trường tiêu thụ thực phẩm nội địa rất có tiềm năng và có nhiều dư địa phát triển và là cơ hội cho các nhà đầu tư sản xuất, phân phối thực phẩm sạch. Không kể quá trình hội nhập tạo cho Việt Nam có nhiều điều kiện phù hợp để tham gia thị trường thực phẩm hữu cơ với tổng giá trị sản phẩm đến 72 tỷ USD để tiến tới phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững. Nên “không lo thị trường, chỉ sợ thiếu vốn để đầu tư vùng nguyên liệu và nhà máy sản xuất” – ông Huỳnh Quang Đấu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang nói.

Ông Đặng Kim Sơn - Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn

“Khởi nghiệp là khó khăn, khởi nghiệp trong nông nghiệp thì lại là 2 lần khó khăn. Cái hệ thống chính sách của chúng ta, mức độ đầu tư của chúng ta, rồi cái điều kiện hội nhập chậm trễ của chúng ta, rồi nhiều cái khó khăn khác, cả cái xuất phát điểm rất là thấp của chúng ta từ những hộ nông dân nhỏ lẻ manh mún... cho nên các doanh nghiệp họ vẫn thấy nông nghiệp là nơi đầu tư lợi nhuận thấp, rủi ro cao và điều đó là thực tế”.

“Nếu các bạn không có vốn, không có đất thì các bạn nên đầu tư vào phần đầu hoặc phần cuối của nông nghiệp, phần cung cấp vật tư buôn bán hỗ trợ, tham gia liên kết với người sản xuất vật tư, phân phối vật tư giống má, phân phối thuốc, máy móc. Hoặc là đầu đằng này, đầu chế biến buôn bán phân phối nông sản”.

 “Người tiêu dùng khi được hỏi, đều cho biết sẵn sàng trả giá ở mức cao hơn để được mua thực phẩm an toàn… Đã đến lúc phải đưa toàn bộ hệ thống sản xuất của nước ta phải là hệ thống sạch và đúng theo một tiêu chuẩn duy nhất”.

GS. Nguyễn Lân Dũng

“Hiện nay chúng ta nhập về 4.100 loại thuốc trừ sâu, trong đó có 1.643 hoạt chất khác nhau. Trong khi Trung Quốc là nước rộng hơn hẳn chúng ta mà chỉ dùng có chừng 600 hoạt chất. Bình quân mỗi năm mình nhập về 70.000 -100.000 tấn thuốc trừ sâu, trừ bệnh cây trồng - con số khủng khiếp luôn. Vậy ngần ấy tấn thuốc trừ sâu, trừ bệnh ấy vào đâu? Một lượng lớn vào rau và sau đó vào người không ít chứ vào đâu nữa”. 

“Chúng tôi có 5.000 chủng vi sinh vật nhưng giữ chỉ để chơi bởi không có nhà máy... Tại sao chúng ta không làm thuốc trừ sâu vi sinh học trong khi các nhà khoa học có hàng ngàn loại vi sinh vật… Rõ ràng là chưa có ai lo cả, chúng ta cứ kêu gọi nhưng chẳng có một cái gì cụ thể... Theo tôi cần phải có những cơ chế, chính sách và sự quyết liệt của Nhà nước”. 

“Thực ra. tôi biết nhiều nông dân đã để cho sâu ăn một ít rồi mới phun thuốc, thậm chí tôi nghe một số chị bán rau đã chủ động rắc vài con sâu lên rau, và khi người ta mua xong những mớ rau rồi thì người bán hàng gọi giật lại: ‘Em ơi, cho chị xin lại mấy con sâu”.

Ông Phạm Hồng Dương - Chủ tịch Ủy ban Mía đường Tập đoàn TT

Trong cuộc cạnh tranh gay gắt, các DN luôn tìm cho mình lối đi riêng. Việt Nam có thị trường hơn 90 triệu dân là cơ hội không nhỏ nhưng quan trọng là DN phải làm sao để người tiêu dùng yên tâm dùng hàng Việt…  Quan trọng là làm sao để người tiêu dùng phải sử dụng đường sạch, có lợi cho sức khỏe thì khi đó đường Việt Nam mới thắng trên sân nhà.

Ca sĩ Mỹ Linh:

“Chúng ta nên chia ra hai góc nhìn: Một là những đứa trẻ không phát triển bình thường vì phải ăn thực phẩm bẩn (nghĩa đen), và mặt khác chúng không thể bình thường khi chứng kiến những cái ác mà đồng loại đang thể hiện, cái dối trá mà đồng loại đang gieo rắc.

Tôi nghĩ, thực phẩm bẩn không chỉ là một vấn đề xã hội nữa mà đã thành một vấn nạn xã hội, một vấn nạn đạo đức. Điều này đã từ rất lâu rồi. Và đạo đức trong vấn đề thực phẩm song hành cùng những sự xuống cấp đạo đức ở các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế…

Mà xuống cấp nhất là đạo đức gia đình. Trong gia đình, người ta không thể dối nhau cái việc mà họ đang dối trá đồng loại. Và sự dối trá cứ thế lây lan thôi. Thế thì hơi khó khăn cho một đứa trẻ phát triển bình thường.

“Người Việt đang giết nhau giữa những điều bình thường nhất, trong cái ăn, cái uống mỗi ngày. Tôi bảo vệ được gia đình mình, nhưng rồi con tôi đến trường, chồng đi ăn tiệc, cũng đâu phải lúc nào cũng tự bảo vệ được trọn vẹn. Chúng tôi cùng sống trong một xã hội, không thể thu mình lại mà sống trong gia đình mình được. Đau xót cho người khác, nhưng chính mình cũng là nạn nhân”. 

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Cần tăng thuế để kiểm soát tiêu dùng đồ uống có đường

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Ngày 5/4, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức HealthBridge Việt Nam tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng.

Tổng cục Thuế tiếp tục cảnh báo những hành vi giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để lừa đảo

Tổng cục Thuế một lần nữa khẳng định, không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân ngoài ngành Thuế nào thu thuế hộ
(PLVN) - Thông tin từ Tổng cục Thuế vừa cho biết, trong thời gian vừa qua, ngành Thuế liên tục tuyên truyền và đưa ra những cảnh báo về tình trạng giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế (CQT) để thực hiện hành vi lừa đảo người nộp thuế (NNT), nhưng vẫn có người dân mắc bẫy các đối tượng này, nhất là trong tháng cao điểm quyết toán thuế.