Thế nhưng, khi Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam đưa sách đến giới thiệu cho các cơ sở giáo dục ở các địa phương trên sách đã in sẵn giá cụ thể dù chỉ là dự kiến. Và điều bất ngờ là giá dự kiến này rẻ hơn đáng kể so với giá thực mà NXB đề xuất xin Bộ Tài chính thực hiện. Vì sao NXB Giáo dục Việt Nam cố tình làm sai như vậy?
Vừa qua, phóng viên nhận được phản hồi từ nhiều cơ sở giáo dục về việc giá dự kiến của NXB Giáo dục Việt Nam, đối với 2 bộ sách của NXB này rẻ “bất thường”.
Một Hiệu trưởng trường THCS ở Hà Nội cho biết, sách giáo khoa (SGK) lớp 6 của NXB Giáo dục Việt Nam in giá dự kiến rất cụ thể ở bìa 4 trong giai đoạn mà các trường trên địa bàn ở giai đoạn lựa chọn SGK. Khi tìm hiểu, vị Hiệu trưởng này được biết, SGK trong đợt giới thiệu xuống các trường để hội thảo lựa chọn, lẽ ra không được in giá, vì chưa được Bộ Tài chính phê duyệt.
Điều đáng nói là là giá dự kiến này rẻ hơn đáng kể so với giá thực mà NXB đề xuất xin Bộ Tài chính thực hiện. Ví dụ, bộ Kết nối tri thức lớp 6 giá dự kiến giới thiệu xuống các cơ sở giáo dục in sẵn trang bìa 4 là 238.000 đ/bộ, nhưng giá NXB Giáo dục Việt Nam xin Bộ Tài chính phê duyệt lại là 245.000 đ/bộ. SGK lớp 2 bộ Kết nối tri thức giá chào hàng là 177.000đ/bộ, nhưng giá NXB Giáo dục Việt Nam xin Bộ Tài chính phê duyệt là 186.000đ/bộ.
Khi khách hàng phát hiện giá thực không phải là giá dự kiến, thì đã “trót” đăng ký chọn mua rồi. Các văn bản, hợp đồng đã được ký xong xuôi, “ván đã đóng thuyền” và họ không hề biết giá của Bộ Tài chính cho phép NXB Giáo dục Việt Nam lại là giá cao hơn đáng kể. Trong các tiêu chí chọn SGK, ngoài các tiêu chí về nội dung, hình thức, còn có tiêu chí về giá.
Sự cạnh tranh về giá là phép thử đối với các doanh nghiệp. Với giá chào hàng cụ thể nhưng lại mang cái tên tù mù “dự kiến”, không ít khách hàng, nhất là các nhà quản lí – những người phải cân nhắc từng đồng bạc trong chi tiêu – sẽ cho bộ SGK giá rẻ là một sự lựa chọn tốt cho địa phương mình.
Ở góc độ pháp luật, các Điều 25, 27 Luật Xuất bản có quy định, đối với sách kinh doanh phải ghi giá bán lẻ (tức là giá đã được nhà nước cho phép chứ không phải giá “dự kiến” của NXB) và các NXB phải thực hiện ghi thông tin trên xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật về xuất bản. Như vậy, NXB Giáo dục Việt Nam đã vi phạm Luật Xuất bản khi in giá dự kiến trên sách giới thiệu về các trường khi chưa được Bộ Tài chính phê duyệt giá chính thức.
Phải chăng đây là chiêu lừa đảo khách hàng của NXB này và là chiêu trò hạ “đối thủ”, bằng màn ảo thuật về giá? Từ hiện tượng này câu hỏi đặt ra là vậy vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở đâu? Chủ trương của Nghị quyết 29 của Trung ương, Nghị quyết 88 của Quốc hội về xã hội hóa việc biên soạn SGK, xóa bỏ độc quyền trong lĩnh vực này phải được thực hiện nghiêm túc bằng các biện pháp cụ thể, chứ không thể bằng quyết tâm suông.