Nhưng dù thế nào, tất cả đều có chung mẫu số, đó là những người sở hữu công ty đều mong mỏi đưa DN đi lên. Thế nhưng đứng ngoài mẫu số chung đó, vẫn còn những khác biệt oái oăm, mà trước khi CPH chắc chắn không thể hình dung nổi. Chúng tôi muốn đề cập đến ở đây trường hợp Công ty Cổ phần Thiết bị Giáo dục 1 (CPTBGD1).
Đây là công ty cổ phần (CP) mà Nhà nước nắm CP chi phối ngay từ khi tiến hành CPH với tỷ lệ là 51%. Công ty được CPH năm 2007. Trong 4 năm đầu, đại diện sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2011 thì quyền này được chuyển về cho Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam.
Là một DN kinh doanh mảng thiết bị giáo dục, những tưởng có cổ đông chính là Bộ Giáo dục và Đào tạo, rồi NXB Giáo dục Việt Nam thì công ty sẽ có sự bứt phá ngoạn mục. Lẽ thường là thế nhưng sự “những tưởng” được hiểu như việc đương nhiên này lại không xảy ra. Sau khi CPH công ty thua lỗ trầm trọng, còn cổ đông thì không được chia cổ tức dù chỉ một lần…
Tuy nhiên, nói cho cùng thì việc thua lỗ cũng chưa phải là thảm họa nếu đặt trong bối cảnh có sự nỗ lực chung của tất cả mà vẫn không đạt kết quả. Nhưng ở đây thì khác, trong khi cổ đông tư nhân cứ miệt mài làm thì cổ đông nhà nước dường như đang lặng lẽ vắt kiệt lực của công ty.
Xin lấy một ví dụ điển hình, một năm sau khi tiếp nhận quyền đại diện phần vốn sở hữu nhà nước ở công ty, NXB Giáo dục Việt Nam đã cho chính doanh nghiệp này vay số tiền là 4,6 tỷ đồng với lãi suất là 12,5%/năm. Tất nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn thì mặc dù mức lãi suất này chẳng lấy gì làm ưu đãi nhưng Công ty CPTBGD1 vẫn phải “nhắm mắt” vay để có kinh phí duy trì hoạt động.
Chưa nói đến việc bên cho vay đã sai luật khi không có chức năng tín dụng mà lại hoạt động tín dụng, thì riêng việc lấy tiền lãi của một công ty do mình là cổ đông chính đã cho thấy “thiện tâm” của DN này. Bất chấp việc công ty CP thua lỗ liên tục kể từ khi CPH, bất chấp cả việc mình có trách nhiệm chính trong việc thua lỗ đó để vẫn cho vay lấy lãi, hành động này, nói như tâm sự của một nhà đầu tư, “vừa không có trách nhiệm, vừa không có lương tâm”.
Ví dụ lớn là vậy, ví dụ nhỏ thì cũng không kém phần oái oăm. Đơn cử như việc hoàn thiện hồ sơ đăng ký thuê đất của công ty. Theo quy định hiện hành, nếu đất phục vụ mục đích giáo dục thì được nộp tiền thuê bằng 50% so với đất kinh doanh thông thường. Tuy nhiên, công việc tưởng như đem lại lợi ích trực tiếp ngay cho DN này cũng không được các cổ đông nhà nước đoái hoài đến. Và kết cục là, tính riêng ở địa điểm số 62 Phan Đình Giót (Hà Nội) của công ty thì thay vì phải nộp tiền thuê đất là 4 tỷ đồng/năm thì nay sẽ phải đóng với mức 8 tỷ đồng/năm.
Chưa nói đến việc phát triển, một công ty CP chỉ muốn duy trì sự ổn định thôi thì điều đầu tiên là các cổ đông phải đồng thuận vì tương lai của chính nơi mình bỏ vốn vào đầu tư. Nhưng ở đây thì ngược lại, qua những việc làm cụ thể có thể thấy tuy là cổ đông chi phối nhưng đơn vị đại diện cho quyền sở hữu vốn nhà nước dường như không quan tâm tới việc đồng vốn nhà nước sẽ còn hay mất, không quan tâm đến thực tại đầy bấp bênh của công ty.
Đến lúc này, những nhà đầu tư bỏ vốn vào mua cổ phần tại DN này chắc hẳn đã nhận biết rõ sự thật vì sao một DN của ngành Giáo dục, có cổ đông chính cũng là đơn vị hàng đầu của ngành nhưng lại triền miên thua lỗ.