Bước đi lầm lỡ…
Vốn sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo lại đông anh em, ngay từ nhỏ anh Sơn đã phải bỏ học giữa chừng để phụ giúp cha mẹ kiếm kế sinh nhai. Năm 1988 anh tham gia nghĩa vụ quân sự. Sau 3 năm xuất ngũ trở về, tuy có sức khỏe nhưng lại không có tiền, không có nghề trong tay. Một thời gian dài anh không kiếm được việc làm. Tất cả những gì anh có chỉ là đôi bàn tay trắng.
Cũng trong thời gian đấy, nạn khai thác quặng, thiếc rộ lên, anh Sơn đã xin đi làm công nhân tại mỏ quặng thuộc địa bàn huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Rồi một ngày, cuộc đời của chàng nông dân vốn chân chất, hiền lành ấy đã rẽ sang một lối khác. Đó chính là lúc anh dính vào “nàng tiên nâu”.
|
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Nhấp thêm một ngụm nước trà, anh Sơn kể tiếp câu chuyện cuộc đời mình: "Lúc tôi mới lên bãi quặng, công việc nặng nhọc lắm nên mỗi buổi tối về thì chân tay rã rời không muốn làm gì nữa. Nghe bạn bè rủ rê là hút một điếu thuốc phiện vào người sẽ khỏe mạnh lại ngay. Tôi cũng hút thử và thấy tinh thần sảng khoái, không còn mệt nhọc nữa. Thế rồi dần dà nghiện lúc nào không biết. Khi mỏ khai thác quặng nơi tôi làm việc bị sập, tôi trở về nhà, được sự động viên của gia đình tôi tự cai nghiện rồi lập gia đình”.
Tưởng rằng có thể hạnh phúc bên gia đình nhỏ nhưng rồi khi bạn bè rủ rê, lôi kéo anh Sơn lại hút thử và quay lại con đường nghiện lần nữa. Vào một buổi chiều năm 1996, anh bị Công an huyện Đại Từ bắt quả tang tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và bị TAND huyện tuyên phạt 9 tháng tù giam.
Ra tù, sau nhiều lần được chính quyền xã Yên Lãng, huyện Đại Từ mời tham gia Nhóm Giáo dục Đồng đẳng, anh Sơn đã dần xóa đi những mặc cảm của bản thân và hòa nhập hơn với cộng đồng. Thấy được ý nghĩa của những việc nhóm đang làm nên anh hoạt động rất hăng hái, tích cực kêu gọi những đối tượng nghiện tham gia nhóm để xóa bớt sự mặc cảm, giúp họ tự tin tìm công ăn việc làm và trở lại làm người lương thiện.
Trong suốt quá trình hoạt động trong Nhóm Giáo dục Đồng Đẳng không phải ai cũng dễ thuyết phục và để giúp họ bỏ được ma túy thì đó là cả một quá trình hết sức gian nan. Biết là khó nhưng anh Sơn không từ bỏ mà thấy trách nhiệm của mình lớn hơn.
Trở về sau “cái chết trắng”
Với quyết tâm làm lại cuộc đời bằng chính đôi bàn tay của mình, từ nguồn vốn ít ỏi 4 triệu đồng vay được của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Lãng, vợ chồng anh Sơn đã đầu tư vào sản xuất vôi gạch. Năm 2003, anh Sơn xây dựng 2 lò vôi với công suất 7 tấn một lần ra lò, tạo công ăn việc làm không chỉ cho gia đình mà còn cho một số lao động khác.
Đến nay cơ sở của anh đã mở rộng quy mô sản xuất. Hai lò sản xuất khác với công xuất 30 tấn một lần ra lò được xây dựng, góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động. Và điều đặc biệt hơn, những lao động được anh tạo công ăn việc làm cũng chính là những thanh niên đã từng một thời lầm lỡ trở về từ trung tâm cai nghiện ma túy.
Và như một cách đền ơn đối với những sự tin tưởng của dân làng dành cho mình, anh Sơn vẫn luôn nỗ lực từng ngày để mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh và tạo thêm việc làm tại chỗ cho một số thanh niên sau cai nghiện trở về địa phương, nhằm hạn chế các tệ nạn xã hội. Cùng với đó, anh còn tham gia tích cực vào các hoạt động từ thiện, nhân đạo ở địa phương như cùng với Đoàn Thanh niên xã đi thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách trong các dịp lễ, tết, những học sinh nghèo vượt khó. Cùng chung tay góp tiền và công sức với xóm, làng xây dựng và tu bổ nhà văn hóa, các đoạn đường giao thông trong thôn tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho bà con.
Không chỉ tham gia giúp đỡ cộng đồng, anh Sơn còn đặt biệt quan tâm đến những đình không may có người thân mắc HIV hay chết vì căn bệnh HIV. Dù công việc bề bộn nhưng anh vẫn thường lui tới thăm hỏi, động viên tinh thần họ. Đôi lúc chỉ là gói quà tấm bánh nhưng điều quan trọng hơn, bằng từ chính thực tế bản thân, anh Sơn đã giúp họ xóa đi những mặc cảm về bệnh tật và xoa dịu những nỗi đau mất mát vì mất đi người thân, để họ thấy rằng cuộc sống vẫn còn tình thương, còn tình làng nghĩa xóm.
Trong quá trình công tác phụ trách nhóm Giáo dục Đồng đẳng, anh đã được tham gia các lớp tập huấn về khởi sự doanh nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Bên cạnh đó, anh Sơn còn đăng ký học thêm các lớp về Kế toán, Quản lý doanh nghiệp..
Với kinh nghiệm và nguồn vốn đã tích lũy trong nhiều năm qua, anh quyết định mở rộng cơ sở sản xuất, với mong muốn tạo thêm nhiều việc làm cho những người cai nghiện sau khi trở về địa phương và bà con nông dân lúc nông nhàn. Ngày 28/01/2013 Công ty TNHH Thanh niên Việt được thành lập trên tiền thân là Nhóm Giáo dục Đồng đẳng do anh Phạm Đức Sơn là Giám đốc.
10 năm đắm chìm trong “cái chết trắng” với không ít lần cai nghiện không thành, ít ai tin được rồi có một ngày anh Sơn sẽ bước ra khỏi vũng lầy ấy. Nhưng chính sự quyết tâm của bản thân cùng với niềm tin của mọi người dành cho anh đã giúp anh Sơn vượt qua được những tháng ngày tăm tối ấy. Bằng cả tấm lòng và sự trả giá trong chính cuộc đời mình, anh Sơn vẫn đang nỗ lực tuyên truyền, vận động những người nghiện thấy được tác hại khủng khiếp do ma túy gây ra, từ đó cai nghiện và phục thiện…Chính sự đổi thay ở con người và những việc làm của anh Sơn đã giúp cho mọi người có cái nhìn khoan dung hơn với những người đã từng một thời lầm lỡ.
Cùng với đó hoạt động của Nhóm Giáo dục Đồng đẳng cũng ngày một đạt hiệu quả hơn. Hàng tuần, hàng tháng nhóm phân chia ra các tổ nhỏ (gồm từ 3 - 4 người) làm các công việc như thu gom ống bơm kim tiêm, phát miễn phí bơm kim tiêm sạch; tuyên truyền kiến thức về HIV/AIDS; Tổ chức các nhóm thu gom rác thải bảo vệ môi trường trong sạch.
Bóng tối của chết chóc, của đau thương và nước mắt đã không còn, giờ đây mỗi ngày đi qua cuộc đời anh Sơn đều là một ngày đầy nắng và ngập tràn niềm hạnh phúc. Niềm hạnh phúc vì sự trở về của những con người đã từng một thời lầm lỡ như anh; niềm hạnh phúc của một đứa con sắp bước sang tuổi 50 vẫn được ăn những bữa cơm chiều do mẹ nấu… Mỗi hạnh phúc tưởng chừng như rất giản đơn ấy lại chính là sức mạnh, là nguồn động lực để người đàn ông này vững tin vượt qua mọi khó khăn trên con đường đã chọn.