Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đọc báo cáo giải trình về thủy điện |
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, cho đến nay thủy điện nhỏ vẫn có vai trò đáng kể trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế - xã hội khi đóng góp khoảng 26% công suất phát điện, góp phần tạo thêm việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng khu vực có dự án... mặc dù vẫn có nhiều công trình thủy điện đã gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực. Nhưng nếu được quy hoạch hợp lý, được thiết kế, xây dựng và vận hành khai thác đúng quy định, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa hiệu quả kinh tế với bảo vệ môi trường thì thủy điện nhỏ sẽ có nhiều ưu điểm của nguồn năng lượng tái tạo.
Vì thế, để hạn chế tối đa tác động tiêu cực của thủy điện nhỏ, Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu Chính phủ “chỉ đạo tiếp tục rà soát, đánh giá quy hoạch thủy điện, kiên quyết loại bỏ, dừng các dự án, công trình thủy điện không hiệu quả, không bảo đảm an toàn, có ảnh hưởng xấu tới chế độ dòng chảy, môi trường và đời sống người dân”.
Quốc hội cũng yêu cầu trong năm 2014 tổ chức đánh giá tổng thể các đập, hồ chứa trong cả nước; có kế hoạch, giải pháp và bố trí đủ kinh phí sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa có nguy cơ gây mất an toàn; quy định cụ thể trách nhiệm các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa và vùng hạ du; tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về an toàn đập, hồ chứa.
Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng hạ tầng kỹ thuật công trình thủy điện để chặt, phá rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép; thực hiện nghiêm túc chính sách pháp luật về dịch vụ môi trường rừng; đồng thời quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân trong quá trình chỉ đạo, điều hành; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ, củng cố lực lượng cán bộ chuyên môn đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, kiểm tra, giám sát, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm vi phạm trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành khai thác công trình thủy điện...
Cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật Đầu tư công.
Bên hành lang Quốc hội, trao đổi về Dự án Luật Đầu tư công, ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng: “Dự thảo Luật trình ra Quốc hội lần này cũng ngăn chặn được một phần tình trạng đầu tư dàn trải, bố trí vốn, đảm bảo đủ nguồn, hiệu quả, bố trí tập trung trong đầu tư công. Chế tài để xử lý đầu tư công lãng phí là có đưa ra. Nhưng quan trọng hơn là phải đổi mới cơ chế quản lý vốn đầu tư, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu.
Nếu không xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu thì sẽ không có chế tài. Điều đáng nói hiện nay chính là nhiều quyết định đầu tư mang tính chất tập thể. Do đó, vấn đề cá thể hóa trách nhiệm đối với người đứng đầu đang là vấn đề đặt ra. Để làm điều đó, tôi cho rằng cần phải đổi mới thẩm quyền quyết định đầu tư theo hướng cá thể hóa trách nhiệm. Từ đó thì chúng ta mới áp dụng chế tài được”.