Trước đây một số người dân từng tự ý bán mảnh đất này chia tiền nhưng sau đó chính quyền phát hiện thu hồi lại. Còn hiện tại, nhà vệ sinh “hết đát” này lại rơi vào một vụ tranh giành mới.
Bỏ hoang, nhưng tiền tỷ
Nằm lọt thỏm giữa những nhà cao tầng trong ngõ 12 phố Cát Linh là công trình bằng bê tông đã xuống cấp. Người dân địa phương cho biết nơi đây vốn là nhà vệ sinh công cộng dành cho 17 hộ gia đình sống trong ngõ. Hiện trong khu đất vẫn ngổn ngang bồn tắm, bệ xí.
Hơn chục năm nay, các gia đình xung quanh đều đã xây công trình phụ khép kín nên không sử dụng đến nhà vệ sinh chung này nữa. Theo thời gian, công trình hư hỏng. Mặc dù mảnh đất hẹp, nằm kẹt giữa các nhà cao tầng, nhưng vì ở vị trí trung tâm Thủ đô nên ai cũng “nhòm ngó”.
Nhiều người ước tính khu đất nhà vệ sinh bỏ hoang có giá vài ba tỷ đồng bởi nhiều gia đình giáp ranh sẵn sàng chi tiền để mua mảnh đất mở rộng nhà ở. “Nằm riêng lẻ thì mảnh đất không đáng giá, nhưng những nhà mặt tiền phố Cát Linh sẵn sàng bỏ tiền tỷ để nối dài nhà ở. Căn nhà lúc đó đội giá nhiều tỷ đồng là bình thường”, một người dân nhẩm tính.
Là người sống liền kề với công trình bỏ hoang, ông Đoàn Tuấn Anh (SN 1955) cho biết: Thấy công trình bỏ hoang nhiều năm liền bị xuống cấp nên đã tự bỏ tiền gia cố, đồng thời ông có tận dụng không gian chứa một số vật dụng gia đình, trồng cây hơn 20 năm nay.
Ông Anh cung cấp thông tin, cách đây 5 năm, một cán bộ tổ dân phố hám lợi đã tự ý tổ chức họp dân để bán mảnh đất với giá 200 triệu đồng, chia tiền cho một số hộ. Riêng ông Anh không nhận tiền và làm đơn khiếu nại lên cơ quan chức năng. Sau đó UBND phường đã vào cuộc, thu lại đất, những người đã nhận tiền cũng trả lại cho người mua.
Giáp Tết Đinh Dậu vừa rồi, UBND phường yêu cầu ông Anh dọn hết vật dụng, tài sản giữ trong khu đất bỏ hoang, bàn giao mặt bằng. Sau đó phường làm cổng sắt khóa bít lối đi vào công trình bỏ hoang. Tuy nhiên ông Anh cho rằng chính quyền phường làm thêm cổng rào lối đi chung là sai bởi ông có một phần quyền lợi trong đó:
“UBND phường có quyền quản lý nhà vệ sinh công cộng. Nhưng họ chỉ được rào phần công trình nhà vệ sinh, còn lối dẫn vào công trình này là lối đi chung nên mọi người có quyền đi lại. Trong khi chiếc cổng cũ vẫn còn, tại sao UBND phường không khóa cổng này mà làm thêm cổng mới rào lấn sang phần lối đi chung. Tôi cho rằng có gì đó mờ ám”, người đàn ông này nêu ý kiến.
Ông Anh còn tố chính quyền địa phương tổ chức rào đất “lén lút”, lợi dụng lúc gia đình ông đi vắng đưa thợ hàn vào làm cửa sắt. Đồng thời phường không thông qua ý kiến người dân, nhất là những người có quyền lợi gắn với công trình nhà vệ sinh công cộng.
Vì sao phường rào lại?
Trong khi đó bà Lê Thị Minh Hoa- Chủ tịch UBND phường Cát Linh cho biết chính quyền không hề “lén lút”. Bà Hoa xác nhận công trình đang bỏ hoang vốn là nhà vệ sinh chung của một số hộ gia đình trong ngõ 12 phố Cát Linh. Vị Chủ tịch phường xác nhận một số người dân địa phương từng tự ý bán đất công chia tiền, sau đó phường phát hiện đã thu hồi lại đất.
Theo lời bà Hoa, đã hơn chục năm nay người dân không còn sử dụng công trình nhà vệ chung trong ngõ 12 nữa. Lâu nay chủ yếu nhà ông Anh ở liền kề sử dụng diện tích chung chứa vật liệu xây dựng, đồ đạc, trồng cây.
Dịp gần Tết Đinh Dậu, UBND phường nhận được đơn khiếu nại việc ông Anh sử dụng đất chung vào mục đích riêng. Tổ dân phố cũng đề nghị chính quyền phường can thiệp bảo vệ khu đất công. Sau đó phường tổ chức kiểm tra, yêu cầu ông Tuấn Anh di chuyển toàn bộ tài sản ra khỏi diện tích đất chung. Đồng thời ủy ban phường bỏ kinh phí làm cổng khóa lối vào công trình này. Mục đích bảo vệ nguyên trạng diện tích đất công.
Vị chủ tịch phường cho rằng những việc làm của địa phương đúng chức năng quản lý đất đai. Trả lời thắc mắc của ông Anh rằng nếu thu hồi diện tích nhà vệ sinh chung thì chính quyền phường không có quyền dựng thêm cổng bít phần lối đi chung, bà Hoa đặt câu hỏi ngược lại: “Vậy ông Tuấn Anh đi vào đó làm gì?”.
Nhà vệ sinh bỏ hoang ước tính trị giá tiền tỷ bị một số người “nhòm ngó” trên phố Cát Linh. |
Trao đổi cụ thể hơn, bà Bà Nguyễn Thu Thủy, cán bộ địa chính phường Cát Linh cho hay trên địa bàn phường có rất nhiều nhà vệ sinh chung được xây dựng từ thời Pháp hoặc sau giải phóng. Tất cả đều được giao cho UBND phường quản lý.
Chính quyền phường đã có nhiều đề xuất cải tạo những khu vệ sinh tập thể thành trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Riêng diện tích nhà vệ sinh bỏ hoang trong ngõ 12 quá hẹp nên chưa thể đề xuất cải tạo. Do đó trước mắt chính quyền sẽ rào chắn để chống xâm lấn, sử dụng công trình sai mục đích.
“Nếu các hộ muốn sử dụng công trình làm nhà vệ sinh thì phường vẫn đồng ý, nhưng muốn sử dụng cần có đầu tư sửa chữa. Còn khi nào cấp trên có chính sách đầu tư, cải tạo công trình bỏ hoang hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng thì phường sẽ thông báo và họp toàn dân.
Hiện tại chúng tôi tiếp nhận ý kiến từ người dân và không thể để một cá nhân sử dụng sai mục đích đất chung. Mục đích trước tiên là quản lý chống lấn chiếm”, bà Thủy nói.
Luật sư gỡ rối pháp lý
Thử “gỡ rối” trường hợp này, Luật sư (LS) Trần Mạnh Tùng (Đoàn LS TP Hà Nội) phân tích, công trình nhà vệ sinh hay bất cứ bất động sản nào thuộc quyền quản lý, sử dụng chung của một nhóm hộ gia đình thì các hộ này có quyền sử dụng ngang nhau. Trường hợp một trong các cá nhân muốn được toàn quyền sử dụng công trình chung cần phải thỏa thuận với các đồng sở hữu để được nhượng quyền.
Vị luật sư nhấn mạnh cần phân biệt rạch ròi rằng nếu nhà vệ sinh nằm trong khu tập thể, khu dân cư và được thể hiện trên giấy tờ phục vụ cho những người ở đây thì những người này mới quyền lợi sử dụng bất động sản này.
Người đòi quyền lợi phải đưa ra bằng chứng để chứng minh. Trường hợp đất đai mất giấy tờ thì trích lục lưu tại chính quyền các cấp đều thể hiện thông tin cơ bản một bất động sản thuộc loại nào, ai được quyền sử dụng.
Ngược lại công trình nhà vệ sinh chung nằm giữa khu dân cư thuộc nhà nước quản lý thì không ai được đòi quyền sử dụng riêng: “Có thể hiểu khái quát, với những công trình mang tính tư nhân, nhà nước không quản lý và trên giấy tờ thể hiện đối tượng được thụ hưởng lợi ích của một bất động sản nào đó thì những người này mới có thể đòi quyền sử dụng hoặc nhượng lại quyền sử dụng”, LS Tùng nói.
Về quyền sử dụng bất động sản tập thể, LS Tùng nhấn mạnh việc người dân không sử dụng bất động sản lâu ngày không làm chấm dứt quyền sử dụng của họ. Bởi vì những lí do nào đó mà người dân không sử dụng chứ họ chưa từ bỏ quyền này.
Về phía chính quyền địa phương có trách nhiệm quản lý đất đai của nhà nước tại địa phương mình. Chính quyền địa phương có thể được phép can thiệp như rào, chắn công trình chung nếu việc đó nhằm mục đích chống lại sự lấn chiếm, sử dụng công trình sai mục đích. Tuy nhiên việc rào, chắn này không có nghĩa tài sản đó thuộc về quyền sử dụng của Nhà nước.
Cụ thể trong tình huống trên, LS Tùng nhận định như sau: Chính quyền địa phương có thể rào, chắn khi thấy có việc sử dụng công trình chung sai mục đích. Tuy nhiên chính quyền không được cấm người dân nếu họ muốn tiếp tục sử dụng công trình này đúng mục đích. Người dân có thể làm đơn gửi đến các cấp đề nghị xem xét, sửa chữa công trình hư hỏng.