Tuy nhiên, việc di dời này đang gặp phải những phản ứng quyết liệt của các gia đình cán bộ, văn nghệ sỹ đã từng sinh sống ổn định ở đây trong hơn 30 năm qua.
Chung cư chuyển thành “nhà liền kề”
Để thực hiện Dự án “khu dân cư Nhà hát Nhân dân”, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ phải tổ chức di chuyển 161 hộ gia đình cùng 7 tổ chức (gồm Trung tâm văn hóa tỉnh, Đoàn Nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa, Đoàn Cải lương Thanh Hóa, Đoàn Nghệ thuật Chèo Thanh Hóa, Đoàn Kịch nói Thanh Hóa, Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn, Nhà văn hóa phố Đào Duy Từ 2) tại 73 Đào Duy Từ, TP Thanh Hóa.
Theo đơn của 128 hộ dân là gia đình cán bộ, văn nghệ sỹ hiện đang sinh sống tại khu tập thể thì họ hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Nhà nước về quy hoạch để làm cho đô thị ngày càng khang trang hơn. Họ cũng kỳ vọng vào những lời phát biểu của các Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Trọng Quyền, Nguyễn Văn Lợi và Mai Văn Ninh rằng: “Phải tạo nơi ăn ở cho các văn nghệ sỹ đẹp đẽ, khang trang để xứng tầm với đô thị loại 1” hay “làm chung cư từ 9 đến 11 tầng cho văn nghệ sỹ với giá thấp, không được tính bằng giá thị trường”.
Đinh ninh sẽ được mua nhà tái định cư tại vị trí cũ với giá hợp lý thì gần đây, các hộ dân mới “ngã ngửa” khi biết rằng UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ điều chỉnh quy hoạch mặt bằng từ “xây nhà chung cư thu nhập thấp” sang “nhà ở thấp tầng dạng liền kề” và không đầu tư hạng mục nhà làm việc của các đoàn nghệ thuật.
Bất bình trước dự án “kiếm lời” này, các hộ dân đặt câu hỏi: “Chúng tôi là người dân gắn bó cả đời với mảnh đất này, tại sao Nhà nước không ưu tiên cho chúng tôi được tái định cư tại chỗ?”. Ngoài ra, các hộ dân cũng cho biết họ không được bàn bạc, lấy ý kiến về việc quy hoạch và phương án bồi thường hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho dự án trên…
Sinh sống 30 năm, vì sao không được hóa giá nhà?
Theo Quyết định số 9451/QĐ-UBND (ngày 20/10/2015) của UBND TP Thanh Hóa thì các hộ dân trong dự án này đều không được bồi thường về đất mà chỉ được hỗ trợ, bồi thường về tài sản (khoảng 100 - 500 triệu đồng/hộ). Tuy nhiên, quyết định trên cũng không nêu rõ tài sản bồi thường gồm những gì, số lượng bao nhiêu, cụ thể giá bao nhiêu? Và với số tiền trên thì họ không thể có “chỗ ở khang trang hơn” như lời của lãnh đạo tỉnh trước đó. Thậm chí, đa số các gia đình sẽ không có điều kiện tạo dựng chỗ ở mới và có nguy cơ phải…“ra đường”.
Quan trọng hơn, việc hỗ trợ trên cho thấy đã có nhiều “lỗ hổng” trong việc thực hiện chính sách, chế độ đối với các hộ dân: Tuy đã được Nhà nước phân nhà từ những năm 1980 nhưng trong suốt những năm qua, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa không hề hướng dẫn, yêu cầu các hộ dân làm thủ tục mua nhà hay hóa giá theo quy định.
Chính vì vậy, đến nay các hộ vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất mặc dù họ đủ điều kiện theo quy định, dẫn đến việc họ không được bồi thường thiệt hại. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại không đáng có này của các hộ dân?
Trong đơn kiến nghị khẩn cấp gửi đến cơ quan chức năng, các hộ dân đề nghị Hội đồng giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư phải gặp gỡ, bàn bạc công khai, minh bạch với các hộ dân về giá cả bồi thường và xem xét lại chính sách bồi thường trong dự án này để tạo điều kiện cho các hộ dân có điều kiện được tái định cư tại chỗ.
Hy vọng những phản ánh của các gia đình cán bộ, văn nghệ sỹ sẽ được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa quan tâm giải quyết thỏa đáng.