Vào tháng 1 năm nay, 5 du khách Việt ăn cắp tiền mặt tại các cửa hàng đông khách ở Chiềng Mai, Thái Lan đã bị cảnh sát nước này bắt giữ. Mới đây, hai du khách Việt Nam sang trọng lấy trộm 2 cặp kính, giá mỗi chiếc 300 euro, bị phạt 2.000 franc tại Thụy Sỹ.
Liệt kê thì cả một danh sách dài, người Việt ăn cắp ở Hàn Quốc, Nhật đã trở thành hiện tượng phổ biến, đến cả những “thành phần tinh hoa” của đất nước như phi công, tiếp viên cũng vào các cửa hàng của Nhật để ăn cắp.
Nạn ăn cắp thịnh hành ở đất nước ta đến nỗi có một nghề chuyên nghiệp là móc túi, người ta gọi những kẻ hành nghề này là “dân hai ngón”.
Rất nhiều người khốn khổ khi trở thành nạn nhân của trò này, không những mất hết tiền mà cả những giấy tờ quan trọng. Nạn nhân thường là những người dân từ quê ra phố, hành khách trên tàu xe, nhà ga, bến xe, những nơi công cộng, mua sắm.
“Dân hai ngón” phát triển lên trình độ cao hơn ở những người sang trọng, giàu có, họ xuất cảng nạn ăn cắp ra nước ngoài và ăn cắp toàn hàng hiệu, những thứ đáng giá, để “xách tay” về Việt Nam bán cho những người cùng "đẳng cấp sang trọng" sử dụng.
Nạn móc túi phát triển ở trình độ cao hơn, hoành tráng và công khai đến mức các tờ báo sử dụng từ này để phản ảnh chuyện xăng dầu “móc túi” dân 3.500 tỷ mà chẳng bị làm sao cả, các vụ móc túi, ăn cắp kia không là gì.
Trong khi người Việt ăn cắp, móc túi và hôi của thì tại Hàn Quốc, một phụ nữ ném tiền (trị giá tương đương khoảng 400 triệu đồng tiền Việt Nam) tung tóe ra quảng trường mà không một ai nhặt, không mất một tờ, cảnh sát đã thu gom lại giúp bà ta.
Thật đáng so sánh để suy nghĩ. Giàu, nghèo đều ăn cắp, sang trọng cũng ăn cắp, doanh nhân, doanh nghiệp thì tìm đủ cách móc túi người tiêu dùng, hở cái gì ra là mất cái đó, bị nạn ngoài đường là đồng nghĩa với bị hôi của, trả lại của rơi bị chửi là “ngu và sỹ diện”.
Thế là sao!?. Nguyên nhân từ đâu?.