Vụ án thảm sát thuyền buôn
Theo một số sử liệu và lưu truyền dân gian, vào tháng 6 Âm lịch năm Tự Đức thứ 4 (1851), phụng mệnh triều đình, Chưởng vệ Phan Xích, cùng Lang trung Tôn Thất Thiều chỉ huy chiến thuyền Bằng Đoàn đi tuần tiểu vùng duyên hải các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Sau chuyến tuần tra dài ngày, hai người dâng sớ lên triều đình về việc đã tiêu diệt tàu cướp biển và xin ban thưởng.
Theo sớ tâu, chiến thuyền khi ở ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi thì phát hiện thấy ba thuyền lạ của Trung Quốc, tình nghi là thuyền hải tặc nên liền bắn ngay vài phát súng thần công. Bị tấn công bất ngờ, ba chiếc thuyền lạ bèn giương buồm bỏ chạy. Tàu Bằng Đoàn đuổi theo mấy ngày thì bắt kịp chúng, hai bên giao chiến ác liệt.
Sau đó một chiếc tàu cướp bị trúng đại bác vỡ tan, chiếc thứ hai bỏ chạy về phía đông, còn chiếc thứ ba hư hỏng thả trôi tự do. Địch đa số đã chết hoặc bị thương nặng, phần nhảy xuống biển trốn thoát, chiếc thuyền sau đó được kéo về đảo Chiêm Dự (tức Cù Lao Chàm). Cuộc giao chiến chỉ khiến chiếc Bằng Đoàn hư hại nhẹ, binh sĩ triều đình không có thương vong.
Vua Tự Đức xem xong bản tâu thì có ý nghi ngờ vì đánh nhau với cướp mà binh lính chẳng ai thương tích gì, còn phía bên kia thì chết sạch không một người bị bắt làm tù binh. Vua liền giao bên Bộ Binh tra xét. Lần đầu điều tra, Bộ Binh kết luận chiến thuyền Bằng Đoàn đã gặp phải cướp biển và xác nhận tất cả địch đều bị giết sạch.
Trong thời gian đó, một thủy thủ của chiếc Bằng Đoàn là Trần Hựu nhà ở gần phố Gia Hội (khu phố người Hoa ở Huế), vì ăn nhậu không đủ tiền trả bèn cầm chiếc nhẫn. Bà chủ quán là vợ một người Hoa bị sát hại, nhận ra chiếc nhẫn vì mặt nhẫn có khắc tên chồng bà, bèn đến nha môn trình báo việc chồng đi thuyền về quê đảo Hải Nam nhưng biệt tích. Vua Tự Đức sai tra xét và phát hiện ra chuyện tày đình.
Chiêu Ứng Từ ở khu Gia Hội thành phố Huế. |
Theo Trần Hựu thú nhận, hôm 17 tháng sáu năm 1851, thuyền Bằng Đoàn đang đậu ở cửa biển Thị Nại thì được tin có ba chiếc thuyền lạ ngoài khơi đảo Thanh Dữ, Phan Xích và Tôn Thất Thiều liền ra lệnh nhổ neo, đuổi theo nổ súng. Bị quan binh bắn, ba chiếc bỏ chạy về phía đông. Thuyền quan rượt theo và tiếp tục bắn thần công về phía chúng nhưng chúng chẳng hề đáp lại.
Sau đó hai chiếc chạy thoát, chiếc thứ ba vì bị hư hại nặng phải hạ buồm. Theo lệnh Chưởng vệ Phan Xích, người bên thuyền của Trung Quốc sang trình diện. 33 người sang trình thẻ nói là nhà buôn ở Thừa Thiên xin về thăm quê Trung Quốc và đã được cấp phép, thuyền họ đều là thuyền buôn chứ không phải hải tặc. Phạm Xích sai Hiệp quản Dương Cử dẫn quân sang khám xét tàu, kết quả cũng chỉ toàn hàng hóa.
Dương Cử được lệnh phải trói tất cả 75 người Hoa trên thuyền, sau đó chém đầu hết rồi quăng xác xuống biển. 33 người trình diện trên chiếc Bằng Đoàn cũng chung số phận, tất cả 108 người bị sát hại. Chỉ duy nhất một người trốn dưới đáy khoang là thoát nạn. Toàn bộ hàng hóa trên tàu buôn được chuyển sang chiếc Bằng Đoàn, còn tàu buôn được sơn lại màu đen để trông như tàu hải tặc.
Đọc tờ trình lần thứ 2 của Bộ Binh, vua Tự Đức cho rằng Phạm Xích và Tôn Thất Thiều giảo quyệt, tham lam và độc ác, còn ngụy tạo công lao để xin ban thưởng. Vua ra lệnh tước quyền hai người, lập tức bắt giam và giao cho Pháp ti tra xét, trừng trị theo pháp triều.
Cuối năm 1851, hai kẻ chủ mưu Phạm Xích và Tôn Thất Thiều bị tuyên xử lăng trì, năm viên quan khác bị xử trảm, những tòng phạm khác bị giáng chức, đày ra biên ải… Tịch thu gia sản những kẻ trọng tội để chuyển đến gia đình nạn nhân, đồng thời trả lại hàng hóa, tài sản cho thân nhân người mất. Cho lập trai đàn ở cửa sông tại Thuận An để phục hồi danh dự cho các vong linh, đồng thời sắc phong cho những vong linh là Chiêu Ứng Anh Liệt.
Nhà vua cũng cho phép được lập miếu thờ phượng bởi rằng 108 thương nhân sau khi qua đời đã nhiều lần linh ứng. Truyền rằng, về sau những người bị thảm sát ấy còn thường xuyên hiển linh giúp đỡ nhiều tàu thuyền gặp nạn trên biển. Từ đó, người Hoa Hải Nam lập miếu thờ Chiêu Ứng Anh Liệt ở những nơi có đông cộng đồng mình sinh sống.
Bản án của vua Tự Đức phê chuẩn lúc bấy giờ không những đã minh oan cho nạn nhân của vụ án “Hải tặc” mà còn cho thấy pháp luật Việt Nam thời đó nghiêm minh, không phân biệt một ai, dù người phạm tội họ Tôn Thất vốn gốc gác hoàng tộc. Bản án còn thể hiện sự sáng suốt của vua Tự Đức trong bang giao với Trung Quốc, nhất là trong chính sách bảo vệ ngoại kiều đến làm ăn, buôn bán với nước ta.
Hải Nam Cổ Miếu ở trung tâm TP Cà Mau. |
Được thờ tự ở nhiều nơi
Để thờ cúng 108 vong linh, một ngôi miếu bề thế được xây dựng ở đảo Hải Nam – quê hương của những người đã khuất. Còn ở Huế, ban đầu các nạn nhân được thờ chung ở ngôi chùa Bà có tên Quỳnh Châu Hội Quán nơi thờ Bà Thiên Hậu. Năm 1887, bang hội người đảo Hải Nam quyết định xây một ngôi miếu riêng nằm ở địa điểm ngày nay nhưng qui mô nhỏ.
Về sau, kiều bào người Hoa gốc Hải Nam đứng ra quyên góp và đến năm 1908 mới xây dựng lại miếu như ngày nay. Công trình kiến trúc này được xây dựng bởi bàn tay của các nghệ nhân từ Hải Nam đưa sang, kiểu dáng y hệt như miếu xây ở Hải Nam nhưng quy mô nhỏ hơn. Tuy nhiên đây được cho là một trong các miếu cùng loại đẹp nhất với lối trang trí hết sức tỉ mỉ.
Miếu nằm trong khuôn viên rộng khoảng 400 m2, tường rào bằng sắt bao quanh, sân ngoài lát bằng gạch. Cổng chính xây theo kiểu nhà có mái, cao 7 m, dài 13 m, rộng 5 m, chia làm ba gian, các cánh cửa đều bằng gỗ. Trên cổng có treo tấm biển khắc chữ “Chiêu Ứng Từ”, hai tấm liễn treo hai bên có các câu: “Để tưởng nhớ đến những đồng hương kính mến” và “Uy danh của các vị bao trùm khắp vũ trụ”.
Chính điện nằm giữa khu sân trong gồm ba gian, dài 12 m, rộng 8,4 m. Kiến trúc đều trang trí bằng phù điêu gốm màu sản xuất từ Trung Quốc với các hình tượng cá gáy hóa rồng, chữ Phúc, Lộc, Thọ. Thơ văn chữ Hán viết trên tường bằng bột màu, nóc quyết đắp tứ linh tinh xảo, rực rỡ. Hàng năm vào độ rằm tháng sáu Âm lịch, đông đảo Hoa kiều về đây để dự lễ tưởng niệm như một truyền thống.
Ở Hội An (Quảng Nam) có hội quán Hải Nam (còn gọi Quỳnh Phủ Hội quán) được xây dựng năm 1875. Đây vừa là nơi thờ Chiêu Ứng Anh Liệt, vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng người Hoa Hải Nam ở Hội An. Ở Đà Nẵng thì có Chiêu Ứng Công Từ, dân gian quen gọi là chùa Chiêu Ứng. Chánh điện chùa lưu giữ một di vật giá trị là lá cờ vua Tự Đức truy tặng 108 người đã khuất với dòng chữ “Sắc phong Chiêu Ứng Anh Liệt, phổ phong Dực Bảo Trung Hưng”.
Ở Khánh Hòa có 2 Chiêu Ứng Từ. Một miếu ở phường Vĩnh Nguyên (TP. Nha Trang) với tuổi đời hơn trăm năm, một miếu ở thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh). Ở cực Nam Tổ quốc cũng có một Chiêu Ứng Từ với nguồn gốc từ Chiêu Ứng Từ ở Huế. Miếu mới được xây dựng lại, với tên gọi Hải Nam Cổ Miếu, nằm ở trung tâm TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
Hải Nam Cổ Miếu có lịch sử hàng trăm năm, trải qua nhiều thăng trầm. Năm 1938, ông Ong Thế Sung (tức ông bang Son) đã khởi xướng xây dựng lại miếu ở vị trí gần với ngã ba Kênh 16 (hiện nay là đường Lý Văn Lâm, Phường 1, TP. Cà Mau). Tuy nhiên, sau ngày thống nhất đất nước, miếu hư hỏng, xuống cấp và được xây dựng chợ Phường 1.
Năm 2010, tỉnh Cà Mau giao lại nền đất này cho người Hoa xây dựng lại miếu. Miếu được xây dựng mới dựa trên kết cấu như trước đây là 3 gian nối tiếp, ngoài thấp, trong cao… Bên ngoài sân đối diện cổng chính là sắc phong của vua, hai bên thờ thanh long, bạch hổ. Bên trong, giữa chánh điện thờ bài vị 108 anh linh.
Đây còn là nơi người Hoa gốc Hải Nam thờ phượng tổ tiên, và sinh hoạt bang hội nên trước đây còn có tên gọi là Hội quán Hải Nam. Nhiều người dân quen gọi là chùa Cô Hồn có lẽ vì lầm rằng nơi đây thờ vong linh không người thân cúng viếng. Vào ngày Rằm tháng 8, cộng đồng người Hoa trong và ngoài tỉnh về dự lễ giỗ, thắp hương bái tế tổ tiên và cầu cho quốc thái dân an.