Danh xưng Cao Lãnh ngoài được đặt tên cho một huyện và thành phố thì còn được dùng cho rất nhiều địa điểm khác ở tỉnh Đồng Tháp. Nguồn gốc danh xưng này là những câu chuyện gắn liền với vợ chồng ông bà chủ chợ Cao Lãnh Đỗ Công Tường (? - 1820), người mà sau khi mất được được người dân lập đền thờ, được vua triều Nguyễn phong là Thành hoàng.
Nguyện chết thay cho dân
Theo các tài liệu ghi chép, ông Đỗ Công Tường tục danh là Lãnh, tuy nhiên không rõ quê quán cụ thể, chỉ biết ông và vợ từ miền Trung vào lập nghiệp tại làng Mỹ Trà (nay thuộc phường 2, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) vào khoảng năm Đinh Sửu (1817), dưới triều vua Gia Long.
Sau nhiều năm cần cù chịu khó khai hoang, hai vợ chồng ông bà đã gầy dựng được vườn quýt rộng lớn, cây trái sum suê. Nhờ nguồn thu từ vườn cây trái mà cuộc sống gia đình ngày một khấm khá. Vườn quýt của ông bà tốt tươi mát mẻ, lại ở nơi thuận cả đường sông và đường bộ nên người dân xa gần thường tụ tập đến đây để mua bán, trao đổi nông sản hàng hóa.
Để giúp người dân thuận tiện bán buôn, hai ông bà bỏ tiền bạc công sức dựng lên những lều quán bằng cây lá. Từ ngày có lều trại làm nơi tránh nắng tránh mưa, người dân kéo nhau đến đây họp chợ mỗi lúc một đông. Dần dần các hiệu buôn bên chợ Hòa Thành (tức Hòa An bây giờ) cũng dời qua, làm cho khu vườn quýt ngày càng thêm tấp nập. Dần dà người ta gọi đây là chợ Vườn Quýt.
Dân làng cảm phục hai vợ chồng ông bà Đỗ Công Tường vì lòng nhân nghĩa, hay giúp đỡ người nghèo, tính tình thẳng thắn cương trực, nêncử ông làm chức Câu đương. Đây là chức vụ chuyên lo việc phân xử những việc kiện cáo nhỏ và các sự vụ trong phạm vi thôn làng. Sau người ta ghép chức vụ vào tục danh của ông, đọc thành Câu Lãnh, thường gọi ông là ông Câu Lãnh.
Mộ hai ông bà chủ chợ trong khu di tích. |
Lúc bấy giờ, châu Á xuất hiện một trận đại dịch tả vô cùng khủng khiếp, bắt đầu từ nằm 1816 kéo dào đến năm 1826 mới kết thúc. Sau khi càn quét nhiều nơi trên châu lục, năm 1820 dịch vào nước ta qua ngả cửa biển Hà Tiên. Theo thống kê của triều Nguyễn, đại dịch tả đã cướp đi 206.835 sinh mạng, chiếm khoảng 3-4% dân số nước ta lúc bấy giờ.
Trong năm 1820, nạn dịch tả xuất hiện ở Đồng Tháp và khắp vùng Nam bộ, hoành hành rất dữ dội.Dân chúng trong vùng nhiễm dịch bệnh chết rất nhiều, đâu đâu cũng bao trùm cảnh tượng vắng vẻ, ảm đạm, tiếng mõ kêu cứu cứ một lát lại thúc lên từng hồi. Người làng Mỹ Trà cũng không tránh khỏi thảm cảnh nhiều người chết vì dịch bệnh, có nhiều gia đình người chết gần hết.
Vốn giàu lòng thương người, nhìn cảnh thôn làng tang thương vì dịch bệnh, ông bà Đỗ Công Tường không nỡ khoanh tay đứng nhìn. Hai vợ chồng dốc hết tiền của tìm thuốc hay thầy giỏi về chạy chữa, hi vọng cứu người làng qua cơn hoạn nạn. Khi mọi phương thuốc đều bất lực trước dịch bệnh, ông bà quyết định ăn chay lập bàn cầu nguyện xin được chết thay cho dân.
Sở dĩ có chuyện này là bởi lúc bấy giờ, có quan niệm rằng bệnh tật là do trời đất, thần thánh quở phạt con dân. Truyền rằng, ngày mùng 6 tháng 6 năm Canh Thìn (1820), ông bà tắm gội sạch sẽ, ăn chay rồi lập bàn hương án giữa trời khấn nguyện, xin được lấy mạng sống của hai vợ chồng ra để đổi lấy sự an lành cho mọi người.
Sau 3 ngày ăn chay cầu nguyện, đến tối ngày mùng 9 thì bà mất, rạng sáng mùng 10 thì ông cũng qua đời. Tiếc thương ông bà không con cái, sống một đời nhân đức, người dân chôn cất ông bà cẩn thận ngay phía sau khu vực chợ Vườn Quýt. Tương truyền, chôn cất ông bà xong thì bệnh dịch cũng dần dần lùi xa, cuộc sống lần hồi bình yên trở lại như trước.
Dân làng cho là nhờ lòng thành của ông bà nguyện hiến mạng cho dân được sống, đã thấu đến Trời Phật nên dịch bệnh được đẩy lùi. Dân làng cùng nhau góp công góp của dựng miếu thờ gần bên mộ ông bà (nay là đại lộ Lê Lợi, phường 2, TP Cao Lãnh), ngày đêm khói hương để tưởng nhớ công lao hai người. Và để tỏ lòng tôn kính, người ta không gọi tên thật nữa mà chỉ gọi ông bà Đỗ Công Tường là ông chủ bà chủ chợ Cao Lãnh, hay gọi ngắn là ông bà chủ chợ.
Người dân cũng lấy tên ông để gọi tên chợ Vườn Quýt, là chợ Câu Lãnh, tức chợ ông Câu đương tên Lãnh, lâu ngày do nói trại mà thành Cao Lãnh. Đầu tiên là chỉ tên ngôi chợ, lần hồi Cao Lãnh trở thành địa danh cho đến ngày nay. Ngoài được đặt tên cho huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh, danh từ này còn gắn liền với rất nhiều địa điểm, đơn vị khác trên địa bàn.
Dân tôn thờ, triều đình phong thần
Tượng ông bà Đỗ Công Tường hiện đang thờ trong đền. |
Vì lòng nhân đức, không tiếc sinh mạng mình vì nhân dân, ông bà Đỗ Công Tường chẳng những được nhân dân kính thờ mà còn được triều đình ghi nhận và phong thần. Năm 1920, sau khi được nhân sĩ đệ trình công trạng lên triều đình, năm 1935 vua Bảo Đại ban sắc phong cho ông bà là: “Dực bảo Trung hưng Linh phò chi thần”.
Cụ thể: “Sắc cho xã Mỹ Trà, tỉnh Sa Đéc, thờ phụng vị thần có công khai lập chợ Câu Lãnh là Đỗ Công Tường, từ trước đã tỏ ra linh ứng rõ rệt. Nay ta kế nối cơ đồ, nghĩ nhớ đến công lao của thần, mới phong là Dực bảo Trung hưng Linh phò chi thần, chuẩn cho được thờ tự, ngõ hầu thần hãy che chở cho dân lành”.
Mộ và miếu thờ ông bà được nhân dân tu sửa, coi sóc suốt 200 năm qua. Năm 2001, đền thờ được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đền thờ được trùng tu lần thứ 5, cũng là lần mới nhất, diễn ra vào năm 2012, hoàn thành năm 2014, mang đến diện mạo bề thế, uy nghi. Đến năm 2019, công trình Mộ và Đền thờ ông bà được công nhận là di tích quốc gia.
Tổng thể công trình gồm đền thờ, nhà khách, ngôi mộ của ông bà được xây dựng kiên cố, trang trí, chạm trổ nguy nga lộng lẫy, mang tính đặc trưng của đình, đền Nam bộ. Về mặt kiến trúc, đền thờ ông bà Đỗ Công Tường được xây dựng theo kiến trúc dân gian truyền thống mái chồng mái, với nhiều tầng mái lợp ngói thanh lưu ly, bờ nóc đắp nổi hình tượng lưỡng long chầu nhật, góc mái vuốt cong đắp nổi hình tượng hoa lá cách điệu thành rồng.
Điện thờ được trang trí lộng lẫy với các bức hoành phi, bao lam được chạm trổ tinh xảo sơn son thếp vàng theo đề tài tứ linh hay tứ quý. Khám thờ ông bà Đỗ Công Tường được chạm trổ hình song long tranh châu và tứ linh long, lân, quy, phụng cùng những họa tiết hoa văn tinh xảo được sơn son thếp vàng rực rỡ.
Các bàn thờ đều được cẩn ốc xà cừ với đề tài hoa lá chim muông, trên các thân cột đều có câu đối bằng chữ Hán được sơn son thếp vàng. Đặc biệt, đền thờ còn lưu giữ sắc vua Bảo Đại phong cho ông Đỗ Công Tường là “Dực bảo Trung hưng Linh phò chi thần” vào năm 1935.
Hàng năm, vào các ngày mùng 8, mùng 9, mùng 10 tháng 6 âm lịch, lễ giỗ ông bà Đỗ Công Tường được chính quyền và nhân dân tổ chức rất trang trọng. Dịp này, nhiều hoạt động lễ hội diễn ra thu hút hàng chục ngàn người dân trong và ngoài tỉnh đến thắp hương chiêm bái và tham gia lễ hội. Sắc thần được thỉnh vòng qua các đường phố của TP Cao Lãnh với kiệu rước, nghi trượng, cờ tiết, tàn lọng trang nghiêm.
Những năm gần đây, lễ giỗ ông bà thu hút người dân từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc đến tham dự ngày càng đông. Lễ giỗ cũng được mở rộng quy mô về phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ nhân dân trong suốt 3 ngày lễ hội. Đây được xem là lễ hội tiêu biểu cho truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân và tôn kính đối với bậc tiền nhân có công với quê hương, đất nước, là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của thành phố Cao Lãnh và tỉnh Đồng Tháp.
Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường ngày nay như một di tích lưu lại dấu ấn tiền nhân thời kỳ khẩn hoang lập ấp của vùng đất Cao Lãnh nói riêng và Nam Bộ nói chung. Di tích ngoài thể hiện tín ngưỡng của nhân dân đối với bậc tiền nhân có nhiều công lao với quê hương, còn lưu giữ giá trị vật chất lẫn tinh thần đối với người dân miền đất này.