Người Trung Quốc đổ xô mua nhà, Australia vội vã áp thêm thuế

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLO) - Một số bang tại Australia sẽ áp thêm các khoản thuế mới đánh vào những người nước ngoài mua nhà tại đây. Động thái này diễn ra trong lúc lo ngại đang ngày càng gia tăng về việc làn sóng người Trung Quốc đổ xô đến sẽ lấn át và giết chết giấc mơ sở hữu tài sản của người địa phương.

Theo AFP, giá nhà tại Sydney trong thời gian qua đã tăng đến kỷ lục. Thành phố này hiện xếp thứ 2, chỉ sau Hong Kong, trong danh sách những thành phố lớn có giá nhà đắt đỏ, vượt xa tầm “với” của đa số người dân nhất, khiến người dân địa phương ngày càng có xu hướng khó có thể có được một căn nhà đứng tên mình hơn. 

Những người nước ngoài được cho là một yếu tố chính dẫn đến tình trạng này. Hồi năm ngoái, chỉ trong vòng chưa đầy 5 tiếng đồng hồ kể từ khi chính thức mở bán, công ty xây dựng căn hộ hàng đầu tại Sydney đã bán được nhiều căn hộ với tổng giá trị lên đến hơn 600 triệu AUD (445 triệu USD) tại khu căn hộ Darling Harbour. Tuy nhiên, theo tờ Australian Financial Review, có đến 1/3 trong số những người mua tại khu nhà này là người nước ngoài.

Những thông tin đó đã dấy lên những kêu gọi từ người dân địa phương, yêu cầu chính quyền phải có hành động để bảo vệ người mua bản địa. Đáp lại, chính quyền các bang New South Wales, Victoria và Queensland đều đã công bố hoặc dự kiến sẽ áp những khoản thuế đất hay tài sản mới lên những người mua là người nước ngoài. Trong đó, mức thuế tại bang New South Wales dự kiến sẽ là 4%, tại Queensland là 3% và tại Victoria là 7%.

Theo thông tin từ Ủy ban đầu tư nước ngoài của Australia, đầu tư của người Trung Quốc vào nước này trong giai đoạn 2011-2012 là 4,2 tỉ AUD và đã tăng mạnh lên mức 24,3 tỉ AUD trong giai đoạn 2014 – 2015, đưa Trung Quốc trở thành nhà đầu tư số 1 tại Australia. Tuy nhiên, các khoản đầu tư nước ngoài, bao gồm đầu tư và các công ty và đất nông nghiệp địa phương, lại là một vấn đề nhạy cảm tại Australia. 

Hồi năm ngoái, chính phủ Australia đã buộc một số chủ sở hữu nước ngoài phải bán tài sản ở nước này sau khi thắt chặt các quy định về sở hữu tài sản. Mới đây nhất, hồi cuối tháng 4 vừa qua, chính phủ Australia đã lần thứ 2 trong vòng 6 tháng từ chối đề nghị mua mảnh đất 11 triệu hecta đất, tương đương 1% diện tích nước này từ một tập đoàn Trung Quốc với lý do lợi ích quốc gia. Theo hãng tin RT của Nga, giới chức Australia trong thời gian qua cũng đã ngăn chặn nhiều thỏa thuận với các doanh nghiệp Trung Quốc về việc mua tài sản ở Australia vì lo ngại “mối đe dọa từ phía Trung Quốc”.

Song, việc tăng thuế như trên hiện đang vấp phải sự phản đối từ các công ty bất động sản địa phương do lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài có thể tìm tới các thị trường hấp dẫn hơn như New Zealand và Canada. “Điều đó thật tệ. Nếu không có người Trung Quốc thì sẽ không có gì được xây dựng” – người đàn ông giàu nhất Australia, cũng là giám đốc công ty phát triển địa ốc nổi tiếng Meriton Harry Triguboff mới đây tuyên bố.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cho rằng, dù gặp trở ngại từ những khoản thuế mới nhưng đầu tư dài hạn của người Trung Quốc vào thị trường nhà đất của nước này sẽ vẫn tiếp diễn. “Những người Trung Quốc mua nhà ở Australia đến lúc nào đó có thể di cư tới đây. Do đó, tôi nghĩ rằng việc tăng thuế sẽ không cản trở họ” – một nhà nghiên cứu nhận định.

Đọc thêm

Những từ tiếng Anh nào có ảnh hưởng nhất trong 9 thập kỷ qua?

Những từ tiếng Anh nào có ảnh hưởng nhất trong 9 thập kỷ qua?
(PLVN) - Karaoke, virus, AI, deepfake… là một phần trong tập hợp 90 từ tiếng Anh nổi bật có ảnh hưởng định hình chín thập kỷ qua, phần nào phản ánh những phát triển xã hội, văn hóa, công nghệ, chính trị và môi trường đã định hình ngôn ngữ tiếng Anh từ năm 1934 đến năm 2024.

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'
(PLVN) - Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh vừa phối hợp với Trường Đại học TDTT Thượng Hải, Trung Quốc và Trường Đại học Sư phạm - Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc đồng tổ chức thành công Hội nghị Khoa học quốc tế với chủ đề “Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.