Chuyện thú vị về cuộc đời oanh liệt của người viết bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng của Mỹ

Cố Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson,
Cố Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson,
(PLO) -Thomas Jefferson cho đến nay vẫn là một trong những tổng thống nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ông là người chấp bút cho bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng của Mỹ và cũng là tổng thống thứ 3 của nước này.

Thomas Jefferson chào đời ngày 13/4/1743 tại một đồn điền ở ngoại ô thành phố Charlottesville, bang Virginia trong một gia đình nổi tiếng bậc nhất Virginia thời bấy giờ.

Lên 9 tuổi, Jefferson bắt đầu sự nghiệp học hành với việc được cha mẹ cho học tiếng Latin và Hy Lạp ở trường tư do mục sư William Douglas giảng dạy. Năm 14 tuổi, Jefferson học thêm môn ngôn ngữ cổ điển, văn học và toán học từ một mục sư tên James Maury. 

Những thành công đầu đời

Năm 1760, sau khi đã học tất cả những thứ có thể từ mục sư Maury, Jefferson rời nhà tới theo học tại Đại học William and Mary – trường đại học lâu đời thứ 2 tại Mỹ chỉ sau Harvard, có trụ sở tại Williamsburg, thủ phủ bang Virginia.

Tại đây, trong khi các bạn cùng lớp dành phần lớn thời gian để tham gia cá cược đua ngựa, chơi bài và tán gái thì Jefferson lại tìm cách tiếp cận những giáo sư giỏi nhất trong trường để học hỏi kiến thức. 

Sau 3 năm học tại William and Mary, Jefferson quyết định theo đuổi ngành luật và đến năm 1767, ông trở thành một trong những luật sư được đào tạo bài bản nhất và cũng nổi tiếng nhất ở Mỹ lúc bấy giờ.

Trong các năm từ 1767 đến 1774, Jefferson hành nghề luật ở Virginia. Ông tham gia rất nhiều vụ kiện và phần lớn đều giành chiến thắng. 

Tuyên bố bất hủ trong Bản Tuyên ngôn độc lập

Sự nghiệp chính trị của Jefferson diễn ra trong thời kỳ nước Mỹ đang là thuộc địa của Anh. Ông là một trong những người ủng hộ sớm nhất và nhiệt thành nhất cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của người Mỹ. Năm 1768, ông được bầu vào Hạ viện Virginia và gia nhập khối cấp tiến của Viện này. 

Tháng 6/1776, Quốc hội Mỹ chỉ định một ủy ban gồm 5 người, bao gồm Jefferson, John Adams, Benjamin Franklin, Roger Sherman và Robert Livingston soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ.

Ủy ban này sau đó chọn Jefferson làm tác giả của bản dự thảo đầu tiên của tuyên ngôn vì tài năng hiếm có của ông trong việc soạn thảo văn bản và biểu đạt ý kiến. Quả thực, trong vòng 17 ngày sau đó, Jefferson đã soạn ra một trong những bản tuyên bố đẹp đẽ nhất và mạnh mẽ nhất về quyền tự do và bình đẳng trong lịch sử thế giới. 

Dù bản Tuyên ngôn độc lập được tuyên bố vào ngày 4/7/1776 đã trải qua nhiều lần sửa đổi so với bản gốc của Jefferson, nhưng những từ ngữ bất hủ trong bản tuyên ngôn này vẫn chủ yếu là từ ngữ do chính ông viết ra:

“Chúng tôi khẳng định chân lý hiển nhiên rằng, mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc”.

Tổng thống thứ 3 của Mỹ

Sau khi soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập, Jefferson trở về Virginia và giữ vai trò một thành viên trong Hạ viện bang. Trong thời gian này, ông đã nỗ lực hết sức để sửa đổi các quy định của bang theo hướng phù hợp với các ý tưởng được đưa ra trong bản Tuyên ngôn độc lập.

Trong đó, ông đã thành công với việc hủy bỏ quy định chỉ những người thừa kế của các chủ đất mới được thừa kế mảnh đất đó hay quy định về việc con trưởng sẽ được hưởng toàn bộ gia sản nếu một chủ đất qua đời mà không để lại di chúc.

Bản Tuyên ngôn độc lập do ông Jefferson chấp bút.
Bản Tuyên ngôn độc lập do ông Jefferson chấp bút.

Năm 1777, Jefferson soạn thảo bộ luật về tự do tôn giáo ở Virginia, theo đó thiết lập quyền tự do tôn giáo và tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước ở địa phương. Tuy nhiên, phải 9 năm sau, đạo luật này mới được thông qua.

Trong khi đó, ngày 1/6/1779, Jefferson được bầu làm thống đốc thứ 2 của bang Virginia. Ngày 4/6/1781, một ngày trước khi kết thúc nhiệm kỳ thứ 2, ông từ chức và quyết định trở về Monticello, với ý định sống nốt quãng đời còn lại như một nông dân, vui vẻ với gia đình, nông trại và sách vở. 

Tuy nhiên, việc người vợ yêu quý qua đời vào năm 1782 đã đẩy Thomas Jefferson quay trở lại đời sống chính trị để lấp đầy quãng thời gian trống trải của mình.

Năm 1785, ông được bổ nhiệm làm công sứ Mỹ ở Pháp với nhiệm vụ chính là đàm phán về các khoản vay, các thỏa thuận thương mại với các công dân và giới chức chính phủ ở Paris và Amsterdam.

Tháng 11/1789, Jefferson về nước và tới Virginia sau khi được Tổng thống lúc bấy giờ là ông George Washington – tổng thống dân bầu đầu tiên của Mỹ - bổ nhiệm làm Ngoại trưởng.

Nhưng, do thất vọng trước sự đấu đá trong nội bộ những cố vấn của ông Washington với hậu quả là việc nhiều chính sách đối lập và không tốt được ban hành, ngày 5/1/1794, Jefferson đã từ chức, một lần nữa rời bỏ chính trường để quay trở lại trang trại ở Monticello.

Tuy nhiên, đến năm 1797, Jefferson tiếp tục được đảng Cộng hòa chọn làm ứng viên kế nhiệm ông Washington nhưng về sau ông chỉ trúng cử làm Phó Tổng thống.

Phải đến cuộc bầu cử tổng thống năm 1800, ông mới chính thức trở thành tổng thống thứ 3 của nước Mỹ và là tổng thống đầu tiên được bầu trong một cuộc tranh cử lưỡng đảng. 

Tăng gấp đôi diện tích nước Mỹ

Nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Jefferson vô cùng thành công khi ông đã giảm quy mô của lực lượng vũ trang và tình trạng quan liêu trong chính phủ, giảm số nợ của nước này từ 80 triệu USD xuống còn 57 triệu USD chỉ trong 2 năm đầu cầm quyền. Nhưng, thành tựu lớn nhất của Jefferson nằm ở thương vụ mua Louisiana.

Cụ thể, năm 1803, ông đã mua cả dải đất từ sông Mississippi tới dãy Rocky của Pháp- khi đó đang túng quẫn - với giá chỉ 15 triệu USD, từ đó tăng gấp đôi diện tích của nước Mỹ.

Jefferson cũng đặt dấu chấm hết cho vấn đề hải tặc Barbary vốn khiến việc vận chuyển hàng hóa của người Mỹ qua Địa Trung Hải bị gián đoạn trong nhiều thế kỷ bằng việc triển khai các tàu chiến ra xua đuổi những tên cướp biển.

Trước những thành tựu tuyệt vời như vậy, Jefferson dễ dàng tái đắc cử vào năm 1804. Tuy nhiên, nhiệm kỳ này của ông lại vô cùng khó khăn và không đạt hiệu quả như mong đợi.

Đạo luật cấm vận được thông qua vào năm 1807, theo đó dừng tất cả các hoạt động thương mại với châu Âu do Jefferson thông qua đã khiến nền kinh tế Mỹ sụt giảm nghiêm trọng do xuất khẩu bị đình trệ. Lệnh cấm này cũng đưa đến cuộc chiến tranh Mỹ - Anh vào năm 1812, khi Jefferson đã rời nhiệm sở. 

Năm 1809, Jefferson trở lại Virginia. Tại đây, ông đã dành nhiều thời gian và tâm sức cho việc thành lập trường Đại học Virginia. Dù sinh ra trong một gia đình giàu có lại kinh qua nhiều chức vụ quan trọng nhưng trong suốt cuộc đời mình, Jefferson thường xuyên phải sống trong cảnh nghèo khó, thậm chí còn lâm vào cảnh nợ nần. Đến khi ông qua đời, tài sản của ông cũng đã được đưa ra bán đấu giá để lấy tiền trả cho các chủ nợ.

Thomas Jefferson trút hơi thở cuối cùng vào ngày 4/7/1826 - đúng 50 năm sau ngày bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ được công bố. Đặc biệt, ông mất trước người bạn cũ vài giờ, đó là cựu đối thủ chính trị và cũng là tổng thống thứ 2 của nước Mỹ John Adams. 

Hẳn nhiều người còn nhớ, trong bài phát biểu nhân chuyến thăm Việt Nam hồi cuối tháng 5 vừa qua, đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama đã 2 lần nhắc đến cái tên Thomas Jefferson. Thăm Việt Nam hồi năm 2000, Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton cũng nói về nhân vật này.

Cả 2 tổng thống của Mỹ đều nêu lại việc ông Thomas Jefferson hơn 200 năm trước từng tìm cách đưa giống lúa từ Việt Nam mà ông cho là “nổi tiếng là trắng nhất, thơm ngon nhất và năng suất nhất” về Mỹ để cải thiện chất lượng mùa màng ở nước này. 

Các tài liệu hiện nay cho biết, khi còn là công sứ ở Pháp, ông Jefferson từng tìm đến con trai của Nguyễn Ánh là Hoàng tử Cảnh, khi đó cũng đang ở Pháp, để nhờ đưa hạt lúa từ Việt Nam sang Mỹ nhưng không thành. Chỉ ít lâu sau khi Jefferson lên làm tổng thống, các tàu bè của Mỹ cũng đã tìm đến nước ta để tìm hiểu về hạt gạo và mua bán hàng hóa. 

Đọc thêm

Những từ tiếng Anh nào có ảnh hưởng nhất trong 9 thập kỷ qua?

Những từ tiếng Anh nào có ảnh hưởng nhất trong 9 thập kỷ qua?
(PLVN) - Karaoke, virus, AI, deepfake… là một phần trong tập hợp 90 từ tiếng Anh nổi bật có ảnh hưởng định hình chín thập kỷ qua, phần nào phản ánh những phát triển xã hội, văn hóa, công nghệ, chính trị và môi trường đã định hình ngôn ngữ tiếng Anh từ năm 1934 đến năm 2024.

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'
(PLVN) - Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh vừa phối hợp với Trường Đại học TDTT Thượng Hải, Trung Quốc và Trường Đại học Sư phạm - Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc đồng tổ chức thành công Hội nghị Khoa học quốc tế với chủ đề “Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.