Chiến thắng giòn giã này đã giúp bà trở thành nữ ứng cử viên đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ giành tấm vé đại diện cho một chính đảng lớn ra tranh cử ghế Tổng thống Mỹ vào ngày 8/11 tới.
Thắng lớn
Tiếp nối chuỗi chiến thắng tại ba bang New Jersey, Nam Dokota và New Mexico trong ngày "Siêu Thứ Ba cuối cùng" (7/6/2016), cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã giành thắng lợi tại bang California, với 307 phiếu đại biểu trong tổng số 550 phiếu. Trong khi đối thủ của bà là Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders chỉ giành thêm 155 phiếu đại biểu.
Ngày 9/6, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Bernie Sanders tuyên bố sẽ hợp tác với Hillary Clinton nhằm đánh bại ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump mặc dù vị Thượng nghị sĩ này không đề cập đến việc rút khỏi cuộc đua.
Ông cho biết đã có cuộc trao đổi ngắn với bà Hillary ngày 7/6 và mong đợi hợp tác với bà trong tương lai gần để xem xét phương án phối hợp đánh bại ông Donald Trump và thành lập một chính phủ đại diện "cho tất cả chúng ta". Hiện ông Sanders đang chịu sức ép trong nội bộ đảng Dân chủ yêu cầu ngừng chiến dịch tranh cử và hỗ trợ bà Clinton sau tiến trình bầu cử sơ bộ khốc liệt vừa qua.
Hillary Clinton đã được Tổng thống Obama công khai ủng hộ |
Như vậy, với chiến thắng tại 4/6 bang trong ngày bầu cử sơ bộ "Siêu Thứ ba cuối cùng” này, cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ có được tổng cộng 2.740 phiếu đại biểu, trở thành nữ ứng cử viên đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ giành tấm vé đại diện cho một chính đảng lớn ra tranh cử ghế Tổng thống Mỹ vào ngày 8/11 tới.
Trước đó, ứng cử viên Clinton đã kêu gọi những người ủng hộ ông Sanders nêu cao tinh thần đoàn kết vì đảng Dân chủ.
Bà nhấn mạnh chính sách mà ông Sanders theo đuổi và các cuộc tranh luận về tăng lương cơ bản, thu hẹp khoảng cách giữa các tầng lớp trong xã hội, thúc đẩy sự phát triển của xã hội là những mục tiêu chung của đảng Dân chủ mang lại lợi ích cho nước Mỹ.
Trong khi đó, đảng Cộng hòa với ứng cử viên duy nhất là tỷ phú Donald Trump đã hoàn tất chiến dịch. Ông Trump đã giành chiến thắng tuyệt đối trong các cuộc bầu cử sơ bộ tại 5 bang tiến hành ngày bầu cử “Siêu Thứ ba Cuối cùng”, với tổng cộng 1.481 phiếu đại biểu, chính thức khép lại chiến dịch bầu cử sơ bộ với tấm vé duy nhất đại diện cho đảng Cộng hòa tham gia cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 8/11 tới.
Bước ngoặt mới
Dù quá trình đề cử của đảng Dân chủ vẫn chưa kết thúc nhưng cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã chắc chắn trở thành người phụ nữ đầu tiên cầm tấm vé ứng cử viên đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ đại diện cho một chính đảng lớn ra tranh cử ghế Tổng thống Mỹ vào ngày 8/11 tới.
Ứng cử viên Bernie Sanders (phải) tuyên bố hợp tác với cựu Ngoại trưởng |
Còn nhớ 8 năm trước, bà Clinton đã phải thừa nhận mình không thể phá vỡ “bức trần kính cao nhất và cứng nhất” (hệ thống, thái độ không công bằng ngăn phụ nữ, người thiểu số đảm nhiệm vị trí quyền lực nhất). Tám năm sau, bà Clinton đã giành được sự ủng hộ của hơn 2.383 đại biểu để có thể được đảng Dân chủ đề cử làm ứng cử viên tổng thống.
Như vậy, dù bà Clinton không giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 8/11 tới thì chỉ với tư cách ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, bà cũng đã làm nên lịch sử, góp phần tạo đà cho người phụ nữ kế tiếp tranh cử tổng thống.
Trong bài phát biểu nhân chiến thắng trong ngày "Siêu Thứ Ba cuối cùng", bà Clinton đã nhấn mạnh thành công đến với bà bởi vì bà đã đứng trên vai của vô số thế hệ phụ nữ Mỹ. Bà Clinton cho rằng: “Nhờ các bạn, chúng ta đã đạt được bước ngoặt. Tối nay không phải là tối của một người mà thuộc về nhiều thế hệ phụ nữ và nam giới đã đấu tranh, hy sinh, làm nên thời khắc này”.
Nếu nhìn lại cả quá trình tranh cử của bà Clinton, so với lần tranh cử trước đó năm 2008, người ta có thể thấy những bước tiến vượt bậc của người phụ nữ này trên con đường phá vỡ bức “trần kính”.
Thực ra, từ trước khi tranh cử, bà Clinton đã gần như dành trọn sự ủng hộ của giới lãnh đạo đảng Dân chủ và các tổ chức lợi ích lớn. Với lợi thế đó, cho dù đối thủ chính của bà là Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders đã tạo ra nhiều cảm hứng mới mẻ hơn, lôi kéo được nhiều cử tri trẻ hơn, phát biểu hay hơn và có tỷ lệ ủng hộ nhiều hơn so với ứng cử viên của đảng Cộng hòa, nhưng ảnh hưởng của bà Clinton với đảng Dân chủ đã chặn đà tiến của ông Sanders.
Và ngay từ đầu, bà Clinton gần như đã xác định được trước là ứng cử viên của đảng Dân chủ. Cả quá trình bầu cử sơ bộ là quãng thời gian bà Clinton sử dụng chiến lược của một người phụ nữ để chiến thắng: cần mẫn, tạo dựng các liên minh, tìm kiếm điểm chung và giành được sự ủng hộ của các đồng minh.
Cho đến nay, số lượng Thống đốc bang, Nghị sĩ ủng hộ bà Clinton đã lên tới 225 người, trong khi đối thủ Bernie Sanders chỉ có 9 người. Bà H.Clinton giành được sự ủng hộ đó không phải nhờ những bài phát biểu đao to búa lớn mà nhờ sự “rắn rỏi lay động” người khác. Giới chuyên gia đánh giá, bà Clinton giỏi hơn bất kỳ ai trong chính trường Mỹ hiện nay.
Xây dựng thành công từ thất bại
Không chỉ vậy, bà Clinton còn không bao giờ ngừng nghỉ trên chính trường. Sau khi để tuột đề cử ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ vào tay ông Barack Obama cách đây 8 năm, bà đã tiếp tục xây dựng mối quan hệ, vận động tích cực cho ông Obama, rồi trở thành Ngoại trưởng trong chính quyền Obama, bắt tay với những người đã ủng hộ ông Obama.
Chính nền tảng mối quan hệ bà xây dựng từ đó đã tạo nên thành công cho bà ngày hôm nay. Chiến thắng này là một thành tựu đáng kể trong lịch sử nước Mỹ.
Phát biểu trên sóng truyền hình NBC ngày 8/6, Tổng thống Obama đã bày tỏ hy vọng giới nghị sĩ của đảng này có thể thu hẹp những khác biệt và sớm nhóm họp trở lại trong một vài tuần tới để cùng nhau thảo luận về những biện pháp hỗ trợ chiến dịch vận động tranh cử của bà Clinton.
Đánh giá về quá trình bầu cử sơ bộ vừa qua, ông Obama cho rằng việc các ứng cử viên trải qua một "chiến dịch bầu cử sơ bộ với sự cạnh tranh gay gắt" là một điều có lợi đối với đảng Dân chủ.
Nhà lãnh đạo này đánh giá cao "năng lượng khổng lồ và những ý tưởng mới" của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, đồng thời cho rằng cuộc chiến gay cấn vừa qua đã khiến cựu Đệ nhất phu nhân Clinton trở thành một ứng cử viên tổng thống tiềm năng hơn.
Tổng thống cũng cho biết sẽ tham gia chiến dịch tranh cử của bà Clinton nhằm "nhắc nhở người dân rằng đây là một công việc nghiêm túc chứ không phải một chương trình truyền hình thực tế".
Giới quan sát nhận định với sức hút vẫn còn rất lớn đối với cử tri, sự hậu thuẫn của ông Obama sẽ mang lại nhiều lợi thế cho bà Clinton trong chiến dịch vận động tranh cử. Nhà Trắng và những người thân cận với đội ngũ của bà Clinton xem sức hút của ông Obama đối với cử tri da màu và cử tri trẻ - những người có thiện cảm với ông Obama nhiều hơn so với bà Clinton - là yếu tố hữu ích giúp cho cuộc đua trong mùa tổng tuyển cử ./.
Tổng thống Obama ủng hộ bà Hillary Clinton
Cùng ngày 9/6, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức tuyên bố ủng hộ cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton ra tranh cử Tổng thống vào tháng 11 tới.
Trong một đoạn ghi hình được ban vận động tranh cử của bà Clinton công bố, Tổng thống Obama cho biết ông không nghĩ có ai đủ tiêu chuẩn hơn bà Hillary để đảm nhận vị trí Tổng thống của nước Mỹ. Ông cũng nhấn mạnh việc bà Hillary là nữ ứng viên Tổng thống của một đảng phái lớn đầu tiên trong lịch sử chính trị Mỹ và cho biết sẽ cùng bà vận động tranh cử tại bang Wisconsin trong tuần này.