Vén bức màn bí ẩn về hoạn quan trong cung đình Trung Hoa

 Cuộc sống của các hoạn quan là đề tài "hót" của nhiều bộ phim
Cuộc sống của các hoạn quan là đề tài "hót" của nhiều bộ phim
(PLO) -Hoạn quan lấy vợ, lập gia đình được ghi rất sớm trong chính sử Trung Quốc. “Sử ký. Lý Tư liệt truyện” có nêu việc Triệu Cao có con rể là Diêm Nhạc là Hàm Dương lệnh. Có con rể thì ắt phải có con gái, nhưng theo sử tịch thì Triệu Cao bị tịnh thân từ nhỏ, rõ ràng là không có khả năng giao cấu, có con, người con gái đó chắc là con nuôi. Triệu Cao được nhận con nuôi thì chuyện lấy vợ lập gia đình là hoàn toàn có thể. Về sau, chuyện hoạn quan lấy vợ thành gia thất được ghi chép rất nhiều…

Lấy vợ là quyền lợi hợp pháp

Thời Đông Hán, thế lực hoạn quan rất mạnh, xuất hiện chuyện “quan thường thị (hoạn quan) cũng đua nhau lấy vợ”. Đám thái giám như Đơn Siêu thời vua Hoàn Đế còn “lấy nhiều gái đẹp con nhà lành làm thê, thiếp, mang nhiều đồ trang sức, như những cung nhân”. Điều đó cho thấy, lấy vợ nạp thiếp thời Đông Hán đã trở thành quyền lợi hợp pháp của hoạn quan.

Sang đời Đường, hoạn quan lấy vợ càng trở nên phổ biến. Đại thái giám Cao Lực Sĩ đời Đường Huyền Tông tình cờ nhìn thấy con gái của quan Thư lại Lã Huyền Ngộ, thấy dung mạo xinh đẹp, cử chỉ đoan trang liền cưới làm vợ. Sau đó Lã Huyền Ngộ được thăng làm Thiếu Khanh, sau làm đến Thích Sử. 

Đời Đường Lệ Tông, thái giám Lý Phụ Quốc lấy con gái Nguyên Trạc, sau đó đưa nhạc phụ lên làm Thích Sử Lương Châu. Đại thái giám Cừu Thế Lương từng qua 6 triều vua, lấy Hồ Thị, con gái Thượng thư bộ Hộ làm vợ.

Hồ Thị sau khi lấy Cừu Thế Lương trở nên danh giá vì chồng, được phong làm Lỗ quốc phu nhân. Các sách “Tân Đường thư”, “Cựu Đường thư”, Toàn Đường văn bổ tuyển”, “Văn uyển tinh hoa” và các bia đời Đường đều có ghi chuyện hoạn quan lấy vợ. Trong thời kỳ này, phàm là các hoạn quan có chức vụ đều lấy vợ, có người còn lấy mấy vợ.

Tính phổ biến của hoạn quan lấy vợ thời Đường là điều không thể thấy trong các triều đại khác. Theo thống kê, 49,3%  hoạn quan giữ chức Ngũ phẩm trở lên có vợ, tỷ lệ ở quan Lục phẩm trở xuống là 50,7%. Không thấy ghi việc hoạn quan lấy vợ bị chỉ trích hay phê phán, chứng tỏ thời đó mọi người đã mặc nhận chuyện hoạn quan lấy vợ thành gia thất. 

Hình ảnh hoạn quan trên màn ảnh.
Hình ảnh hoạn quan trên màn ảnh.

Tiêu chuẩn chọn vợ rất cao

Hoạn quan thời Đường rất chú trọng, kỹ lưỡng trong việc chọn vợ. Trước hết, họ coi trọng xuất thân của đối tượng (trong bia văn có ghi chuyện các hoạn quan tự hào khoe khoang xuất thân cao quý, hiển hách của vợ ra sao, chính là phản ánh quan niệm chọn vợ của họ).

Thứ hai , họ coi trọng đức hạnh, yêu cầu phối ngẫu phải “đức hạnh ôn hậu”, “nhu thuận thục đức”, “lệnh thục chiêu trước”…có đủ “tam tòng tứ đức”. Kế đến là coi trọng dung mạo, như Lã Thị vợ Cao Lực Sĩ được coi là “Quốc thù” (người đẹp quốc gia), Tống Thị vợ Vĩ Mỗ được mô tả “tư dung uyển thục”, Đậu Thị vợ Dương Huyền Lược “uyển chuyển duyên dáng”…

Ngoài ra, hoạn quan lấy vợ còn chú ý đến độ tuổi; thư tịch ghi các cô gái khi lấy hoạn quan, tuổi đều mới “niên lệ sơ kê”, “kê niên”, “cập kê”, tức chỉ khoảng 15-16. 

Thời Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, từng nghiêm cấm hoạn quan lấy vợ, nhưng không ăn thua, văn bản này sau chỉ là tờ giấy lộn. Thời Minh Tuyên Tông, hoạn quan Trần Vu Bị được sủng ái, tin cậy, được vua đặt lên là “Vương Cận”, ban cho 2 cung nữ, cho gọi là phu nhân. Về sau chuyện vua ban thiếp cho hoạn quan không thấy nữa, nhưng hoạn quan thời Minh lấy vợ vẫn diễn thành thông lệ.

Đời Thanh quản chế thái giám rất nghiêm, nhưng chuyện họ lấy vợ thành gia thất vẫn rất nhiều. Hoạn quan nổi tiếng Tiểu Đức Trương thời mạt Thanh quen biết một kỹ nữ xinh đẹp là Phương Kim Thúy, hai người tình đầu ý hợp, bà chủ lầu xanh cũng rất hoan nghênh.

Phương Kim Thúy hầu hạ Tiểu Đức Trương rất chu đáo, khi Trương ho khạc đờm, Thúy thường dùng miệng đón lấy rồi mới nhổ ra, nên tin đồn về họ lan truyền, sách gọi là “quá lung đàm đồng”. Tiểu Đức Trương rất hài lòng về người tình, bèn tìm cách mua Thúy.

Bà chủ thấy đây là cơ hội kiếm chác nên ra sức thổi giá, Tiểu Đức Trương định thuận theo; nào ngờ Phương Kim Thúy kiên quyết không đồng ý, lý do mình vẫn còn là gái trinh. Tiểu Đức Trương bực mình bèn đến kỹ viện khác mua Trương Tiểu Tiên, một trinh nữ khác làm vợ.

Hoạn quan dâm loạn triều chính

Sử tịch Trung Quốc đã ghi chép một số trường hợp hoạn quan dâm loạn cung đình. Trường hợp sớm nhất và nổi tiếng nhất trong lịch sử là Lao Ái – một hoạn quan giả đời nhà Tần được Lã Bất Vi đưa vào thay mình làm công cụ phục vụ nhu cầu giường chiếu cho Thái hậu Triệu Cơ, mẹ của Tần Thủy Hoàng. Hai trường hợp khác là Ngụy Trung Hiền thời Minh và An Đức Hải đời Thanh.

Khách Thị, vợ lẽ của Định Hưng Nhân năm 18 tuổi được đưa vào cung làm nhũ mẫu cho Chu Do Kiểm, người sau lên ngôi là hoàng đế Minh Hy Tông.

Sau khi đăng quang, Hy Tông phong Khách Thị làm Phụng Thánh Phu nhân, chức vị cực kỳ tôn quý. Khách Thị là người đàn bà dục tính rất mạnh. Đầu tiên bà ta kết giao với thủ lĩnh hoạn quan Ngụy Triều, sau nghe nói Ngụy Trung Hiền khả năng phòng the rất mạnh, liền quay sang kết thân luôn với Hiền, thế là cả hai hoạn quan họ Ngụy cùng là tình nhân của Khách Thị. Ngụy Trung Hiền vốn ở dưới trướng Ngụy Triều nên khi biết chuyện, Triều không chịu được.

Thế là giữa hai hoạn quan đã ẩu đả với nhau ngay trong cung để tranh giành sự sủng ái của Khách Thị. Hy Tông đang ngủ bị thức giấc bởi chuyện ầm ĩ. Khi biết chuyện, ông ta chẳng những không tức giận mà còn tùy Khách Thị quyết định. Khách Thị chọn Ngụy Trung Hiền, Hy Tông liền giao Hiền hầu hạ Khách Thị, còn Ngụy Triều thì bị phát lạc đưa ra ngoài cung.

An Đức Hải (1844-1869) hoạn quan đời Thanh, bị tịnh thân năm 9 tuổi đưa vào cung làm Ngự tiền thái giám cho hoàng đế Hàm Phong. Do thông minh lanh lợi, giỏi hầu hạ nên chiếm được cảm tình của Hàm Phong.

Sau khi Hàm Phong qua đời, An Đức Hải trở thành tâm phúc của Từ Hi, can dự triều chính, trấn áp Cung Thân Vương và các đại thần, giúp Từ Hi nắm đại quyền quân sự và chính trị. Năm Đồng Trị thứ 8 (1869) An Đức Hải bị những người chống Từ Hi bắt và giết ở Sơn Đông khi đi lấy đồ trang sức cho bà ta.

Tuy trong chính sử không ghi, nhưng trong dân gian và dã sử đều lan truyền những tin đồn về mối quan hệ dâm loạn giữa An Đức Hải với Từ Hi. Chuyện đó không rõ thực hư, nhưng có một thực tế là năm Đồng Trị thứ 7 (1868), An Đức Hải được Từ Hi cho phép tổ chức cưới vợ rất linh đình tại Thiên Phúc Đường Đại tử lâu lớn nhất Bắc Kinh hồi đó.

Cô dâu là Mã Tái Hoa, người đẹp 19 tuổi rất xinh đẹp. Để bày tỏ lòng sủng ái gã hoạn quan, tay sai đắc lực của mình, Từ Hi Thái hậu đã nhân đó ban thưởng 1000 lạng bạc, 100 vuông lụa…/. 

(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 58, ngày 20/6/2016)

Đọc thêm

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'
(PLVN) - Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh vừa phối hợp với Trường Đại học TDTT Thượng Hải, Trung Quốc và Trường Đại học Sư phạm - Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc đồng tổ chức thành công Hội nghị Khoa học quốc tế với chủ đề “Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.

2 sự kiện quốc tế đáng chú ý tuần này

2 sự kiện quốc tế đáng chú ý tuần này
(PLVN) - Tuần này, thế giới hướng tới hai ngày lễ quan quan trọng của Liên Hợp Quốc: Ngày Di dân Quốc tế (18/12) tôn vinh những đóng góp của người di cư và Ngày Quốc tế Đoàn kết Nhân loại (20/12) ) kêu gọi sự thống nhất và chia sẻ để xóa đói giảm nghèo.