Gián điệp Trung Quốc hầu tòa Mỹ vì đánh cắp bí mật quân sự

Bị cáo Mãn Văn Hà.
Bị cáo Mãn Văn Hà.
(PLO) -Giữa lúc quan hệ Mỹ-Trung trở nên căng thẳng xung quanh vấn đề Biển Đông, Mỹ tuyên bố có thể đưa biên đội tàu sân bay vào để bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không bất chấp những lời đe dọa của Trung Quốc thì ngày 9/6/2016, Tòa án bang Florida đã đưa ra xét xử một gián điệp Trung Quốc bị cáo buộc âm mưu vận chuyển trái phép UAV (máy bay không người lái) và các động cơ dùng cho máy bay chiến đấu sang Trung Quốc.

  Theo thông báo của văn phòng Viện công tố Miami hôm 9/6, nữ bị cáo Mãn Văn Hà (Wenxia Man), 45 tuổi đã bị bồi thẩm đoàn kết tội âm mưu xuất khẩu khí tài, vật tư quốc phòng khi chưa có giấy phép. Bà ta sẽ bị tuyên án trong phiên tòa cuối cùng vào ngày 19/8 tới đây, dự kiến mức án mà Mãn Văn Hà phải nhận ở mức tối đa là 25 năm tù giam và số tiền phạt 1,25 triệu USD. 

Âm mưu đưa hàng cấm về Trung Quốc

Nhà chức trách Mỹ cho biết, Hà phải ra tòa do trong khoảng thời gian từ tháng 3/2011 đến tháng 6/2013 đã cấu kết với một “gián điệp kỹ thuật” tên là Trương Tân Sinh (Xinsheng Zhang) hiện đã bỏ trốn về Trung Quốc âm mưu xuất khẩu trái phép khí tài, thiết bị quân sự bị cấm cho quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, Hà đã bị đặc vụ Mỹ giăng bẫy và tóm gọn trong khi đang thực hiện âm mưu này.

Báo chí Mỹ đưa tin về vụ án
 Báo chí Mỹ đưa tin về vụ án

Ngày 27/10/2015, trang web Tin tức quốc phòng Mỹ đưa tin vắn tắt: “Nữ gián điệp Trung Quốc Mãn Văn Hà có biệt hiệu là “Wency” cùng với Trương Tân Sinh đại diện chính thức của chính phủ Trung Quốc được giao nhiệm vụ đánh cắp các tài liệu học thuật về vũ khí, đạn dược, vật tư chiến tranh của Mỹ đã bị đặc vụ làm thất bại khi đang định tìm cách đoạt lấy các động cơ dùng cho máy bay chiến đấu hiện đại và UAV chiến đấu.

Hiện nay Mãn Văn Hà đã bị bắt, còn Trương Tân Sinh đã trốn thoát về Trung Quốc. Vụ án hiện đang được thụ lý tại Florida”. 

Cũng theo trang tin này, tài liệu do Tòa án liên bang Hoa Kỳ công bố cho biết: đây là vụ án gián điệp Trung Quốc âm mưu đoạt lấy động cơ máy bay chiến đấu tiên tiến và nguyên chiếc UAV mà chính phủ Mỹ đã ra lệnh hạn chế xuất khẩu.

Cụ thể hơn, Hà và Sinh âm mưu mua và xuất sang Trung Quốc nguyên chiếc UAV MQ-9 Reaper của hãng General Atomics và các động cơ phản lực F135 dùng cho máy bay tàng hình F-35, F119 dùng cho máy bay tàng hình F-22 và động cơ F110 dùng cho các loại chiến đấu cơ F-15, F-16 do các hãng Pratt & Whitney và General Electric chế tạo; những loại động cơ này nằm trong danh mục các mặt hàng bị chính phủ Mỹ cấm bán cho Trung Quốc từ năm 1990.

Tuy nhiên âm mưu của Hà và Sinh đã thất bại do sập bẫy của một đặc vụ của Cục An ninh nội địa (NSA). Vụ việc này diễn ra trong suốt thời gian từ 2011 đến 2013. Mãn Văn Hà bị bắt ngày 1/9/2015, còn Trương Tân Sinh – người được coi là “nhà thu mua vật tư của quân đội Trung Quốc” đã nhanh chân trốn thoát về Trung Quốc.

Liên hệ nhầm với nhân viên chìm của Cục an ninh

Mãn Văn Hà sinh ở Trung Quốc, năm 2006 được phép nhập quốc tịch Mỹ, hiện bà ta là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn vi điện tử AFM ở San Diego với nghiệp vụ chính là xuất khẩu các tụ điện (capacitor) tiên tiến. Chồng bà ta là William Liang (Lương Anh Quảng), nhưng không bị liên đới.

Một nguồn tin của báo chí Hoa ngữ ở Mỹ nói Quảng đã biết rõ hành vi phi pháp của vợ mình và Trương Tân Sinh. Ông ta cũng cảnh báo vợ về người mà bà ta đang tiếp xúc để mua các thiết bị bị cấm xuất khẩu “có thể là nhân viên chìm của FBI”, nhưng có vẻ Hà đã bỏ ngoài tai lời cảnh báo của chồng.

Tuy nhiên, cả công ty AFM lẫn Lương Anh Quảng đều không đưa ra bất cứ bình luận gì về vụ Mãn Văn Hà bị bắt.

Cũng theo nguồn tin này, Hà và Sinh dự định sau khi mua được các khí tài, thiết bị trên sẽ vận chuyển về Trung Quốc qua các ngả Hong Kong, Israel và Hàn Quốc. Mãn Văn Hà được Trương Tân Sinh đánh giá là “một gián điệp kỹ thuật lão luyện đã lấy thành công từ Nga và một số nơi những kỹ thuật phức tạp, tránh cho Trung Quốc phải mất công tự mày mò nghiên cứu”.

Những khí tài, vật tư dùng cho quân sự Hà định đưa sang Trung Quốc
Những khí tài, vật tư dùng cho quân sự Hà định đưa sang Trung Quốc

Đáng chú ý là công ty AFM mà Mãn Văn Hà là Phó Tổng giám đốc là nơi thiết kế, sản xuất các tụ điện vô tuyến điện, vi ba cao tần…có quan hệ với 3 sản phẩm dùng trong lĩnh vực quân sự của Mỹ. Đặc biệt AFM có các đại lý tiêu thụ sản phẩm ở Trung Quốc, trong đó có Tập đoàn công ty Ưu Sáng An Dương Tây An – một công ty có quan hệ với giới công nghiệp quốc phòng Trung Quốc.

Cơ quan công tố Mỹ cho biết, bị cáo Mãn Văn Hà đã liên hệ với một nhân viên chìm của NSA – người đóng giả thương gia cung ứng vật tư – để mua nguyên chiếc UAV MG-9 với giá 50 triệu USD – loại UAV hiện đại có thể phóng tên lửa từ trên không tiêu diệt các mục tiêu ở mặt đất rất hiệu quả; ngoài ra còn đặt mua các loại động cơ máy bay cùng các thiết bị dùng cho quân sự khác.

Hà từng nói với một nhân chứng: bên mua là chính phủ Trung Quốc nên cần phải đảm bảo chắc chắn người bán không phải là nhân viên FBI nằm vùng; bà ta còn bàn đến chuyện làm thế nào để những hàng hóa này đưa vào Trung Quốc trót lọt qua các ngả Hong Kong, Hàn Quốc và Israel.

Hơn 10 vụ án gián điệp Trung Quốc bị Mỹ phát hiện

Những năm gần đây, Mỹ liên tiếp cáo buộc các gián điệp Trung Quốc tìm cách đánh cắp các kỹ thuật quân sự tiên tiến của họ thông qua các học giả Trung Quốc sang Mỹ du học hoặc các Hoa kiều, người Mỹ gốc Hoa làm công tác nghiên cứu khoa học.

Trước đây có vụ Trương Hạo, giáo sư Đại học Thiên Tân sang Mỹ tham gia hội nghị đã bị phía Mỹ bắt vì tội gián điệp đến nay vẫn chưa được thả về nước; một nhà khoa học nổi tiếng là Si Tiểu Tinh – chuyên gia về lĩnh vực siêu dẫn bị cáo buộc bán cho Trung Quốc kỹ thuật siêu dẫn nhạy cảm.

Theo thống kê, từ khi xảy ra “Vụ án Lý Văn Hòa” (Wen Ho Lee) - một khoa học gia người Mỹ gốc Đài Loan - nhân viên của Đại học California tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos bị cáo buộc ăn cắp bí mật các vũ khí hạt nhân Mỹ cung cấp cho Trung Quốc vào tháng 12/1999, đến nay đã có hơn 10 vụ “gián điệp Trung Quốc lấy cắp kỹ thuật cao” bị phía Mỹ phát hiện và xét xử.

Trước những cáo buộc này của cơ quan tư pháp Mỹ, phía Trung Quốc đều bác bỏ cho là những vụ việc này đều do Mỹ dựng lên nhằm vu cáo Trung Quốc, cổ súy cho thuyết “mối đe dọa của Trung Quốc” và nhằm phủ nhận những thành tựu khoa học kỹ thuật, nhất là kỹ thuật quân sự mà Trung Quốc đạt được…/.

Đọc thêm

Những từ tiếng Anh nào có ảnh hưởng nhất trong 9 thập kỷ qua?

Những từ tiếng Anh nào có ảnh hưởng nhất trong 9 thập kỷ qua?
(PLVN) - Karaoke, virus, AI, deepfake… là một phần trong tập hợp 90 từ tiếng Anh nổi bật có ảnh hưởng định hình chín thập kỷ qua, phần nào phản ánh những phát triển xã hội, văn hóa, công nghệ, chính trị và môi trường đã định hình ngôn ngữ tiếng Anh từ năm 1934 đến năm 2024.

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'
(PLVN) - Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh vừa phối hợp với Trường Đại học TDTT Thượng Hải, Trung Quốc và Trường Đại học Sư phạm - Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc đồng tổ chức thành công Hội nghị Khoa học quốc tế với chủ đề “Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.