Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch cho Ủy ban nhân dân cấp xã dựa trên nhu cầu thực tế của người dân và phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013 (khoản 3 Điều 167) và Luật Nhà ở năm 2014 về công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, cụ thể: Luật Đất đai năm 2013 quy định hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản 3 Điều 167 của Luật này; Luật Nhà ở năm 2014 quy định trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực.
Như vậy, theo các quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở nêu trên, cá nhân, tổ chức khi thực hiện các quyền của mình đối với quyền sử dụng đất, nhà ở được lựa chọn công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
Tuy nhiên, theo phản ánh của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP nói trên quy định về trình tự, thủ tục chứng thực hợp đồng giao dịch khá đơn giản nên việc chứng thực các hợp đồng giao dịch tại cấp xã dễ gây ra các rủi ro pháp lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, dễ dẫn đến tranh chấp hợp đồng, ảnh hưởng đến trật tự xã hội.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tư pháp cho biết, đã có công văn hướng dẫn thẩm quyền về công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, nhà ở gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó hướng dẫn khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, chứng thực, tổ chức hành nghề công chứng, Ủy ban nhân dân dân cấp xã phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực và pháp luật khác có liên quan, đồng thời tuyên truyền, giải thích cho cá nhân, tổ chức hiểu rõ sự khác nhau và hệ quả pháp lý giữa công chứng và chứng thực;
Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng thấy hợp đồng, giao dịch đơn giản, các bên tin tưởng nhau thì công chứng viên công chứng hoặc hướng dẫn cá nhân, tổ chức lựa chọn chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã; ngược lại, trường hợp hợp đồng, giao dịch phức tạp, tiềm ẩn rủi ro cho các bên, thì Ủy ban nhân dân cấp xã hướng dẫn cá nhân, tổ chức lựa chọn công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng.
Mặt khác, để triển khai có hiệu quả các quy định nêu trên và bảo đảm quyền lợi của các bên tham gia hợp đồng, ngày 26/5/2016, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực đã có Công văn 842/HTQTCT-HT về việc quán triệt thực hiện một số quy định về chứng thực gửi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có nội dung liên quan đến chứng thực hợp đồng giao dịch.
Theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì người yêu cầu chứng thực phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
Quy định như vậy không có nghĩa là người thực hiện chứng thực không phải chịu trách nhiệm gì đối với hợp đồng, giao dịch có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội mà với trình độ, năng lực bình thường thì một cán bộ, công chức cấp xã bắt buộc phải biết để từ chối chứng thực theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP (Người thực hiện chứng thực có quyền từ chối chứng thực hợp đồng giao dịch có nội dung trái với quy định pháp luật, đạo đức xã hội).
Để đảm bảo quyền lợi của người dân và bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật, Bộ Tư pháp yêu cầu khi thực hiện chứng thực, ngoài việc xác nhận về năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, thời gian, địa điểm thì người thực hiện chứng thực còn phải xem xét đến nội dung của hợp đồng, giao dịch, các quy định khác có liên quan của pháp luật chuyên ngành có liên quan như pháp luật dân sự, pháp luật về đất đai, đặc biệt là các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.