Các cuộc thanh tra đều đảm bảo tiến độ
Báo cáo tại Hội nghị, Chánh Thanh tra Bộ Nguyễn Hồng Diện cho biết, việc thi hành Luật Thanh tra năm 2010 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, đặc biệt là các quy định về công tác thanh tra chuyên ngành đã được Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ, Đảng ủy Bộ quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sâu sát. Công tác thanh tra tại Bộ Tư pháp được thực hiện tương đối bài bản, đúng quy định pháp luật, đạt hiệu quả tương đối cao.
Cụ thể, từ ngày 1/7/2011 đến tháng 5/2017, Bộ đã tiến hành 124 cuộc thanh tra theo kế hoạch (68 cuộc thanh tra hành chính, 56 cuộc thanh tra chuyên ngành), qua đó phát hiện những tồn tại, sai sót và ban hành 34 quyết định thu hồi, 73 quyết định xử lý vi phạm hành chính với số tiền gần 1,7 tỷ đồng. Bộ cũng tiến hành 31 cuộc thanh tra đột xuất, ban hành 14 quyết định thu hồi, 6 quyết định xử phạt với số tiền hơn 986 triệu đồng. Đặc biệt, các cuộc thanh tra đều hoàn thành kế hoạch đã được phê duyệt, không có cuộc nào chậm tiến độ.
Tuy nhiên, ông Diện chia sẻ, chức năng, nhiệm vụ thanh tra rất lớn nhưng quyền thì chưa tương xứng, nhất là một số quyền quan trọng chưa được bổ sung cho thanh tra như quyền xử lý vi phạm trong việc chây ỳ, không thực hiện kết luận thanh tra, quyền khởi tố vụ án, điều tra ban đầu. Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm, cơ quan thanh tra chỉ có quyền kiến nghị hoặc chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý, nhưng tỷ lệ khởi tố các vụ việc này còn thấp mà không có phản hồi lý do. Riêng với 2 cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, ông Diện đánh giá, việc thanh tra mới dừng lại ở kiến nghị, đề xuất, rút kinh nghiệm, chưa có hình thức xử lý đối với những vi phạm.
Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực Nguyễn Thanh Hải – một trong 2 đơn vị của Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành cho biết: Qua công tác thanh tra chuyên ngành, Cục đã kịp thời phát hiện những sai sót, vi phạm của các đơn vị được thanh tra, đáng chú ý phát hiện việc thực hiện chứng thực chữ ký người dịch không đúng quy định tại Chương Mỹ (Hà Nội) với số vi phạm lên tới hàng nghìn hồ sơ chứng thực chữ ký người dịch không được lưu trữ. Từ thực tiễn triển khai thanh tra chuyên ngành, ông Hải còn cho biết, do một số thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chưa thật sự quan tâm đến việc lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện kiến nghị, nhất là việc xử lý cán bộ có vi phạm được phát hiện qua thanh tra nên việc thực hiện kiến nghị tại một số đơn vị là đối tượng thanh tra chưa nghiêm túc, vẫn có tình trạng nể nang, làm chiếu lệ, chung chung.
Không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được thanh tra
Để phát huy vai trò, vị trí của công tác thanh tra, các đại biểu tham dự Hội nghị đã đề xuất nhiều giải pháp hoàn thiện Luật Thanh tra và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, trong đó cần có chế tài cụ thể về xử lý các đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các kết luận thanh tra mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kết luận thanh tra.
Trong tổ chức thi hành Luật, ông Diện mong muốn nâng cao hiệu quả công tác thanh tra trên các lĩnh vực đảm bảo khách quan, công bằng và tiến hành kịp thời, nhanh gọn, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý và không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được thanh tra. Đại diện 2 đơn vị được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thì kiến nghị được quan tâm đến biên chế để bảo đảm đội ngũ cán bộ được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đủ về số lượng, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu ghi nhận những thành tựu đạt được trong 6 năm thi hành Luật Thanh tra của Bộ, ngành Tư pháp, góp phần vào kết quả chung trong thực hiện Luật này trên phạm vi cả nước. Với việc thực hiện Luật một cách nghiêm túc, có nhiều khởi sắc, Thứ trưởng biểu dương một số điểm nổi bật như công tác thanh tra hành chính, chuyên ngành ngày càng đi vào chiều sâu, hoạt động của đoàn thanh tra qua 6 năm chỉ 2 vụ có đơn nặc danh. “Tôi đi công tác địa phương, có địa phương hoan nghênh công tác thanh tra của Bộ Tư pháp, mời về làm việc, đặc biệt ngành Tư pháp chưa phải sửa đổi kết luận thanh tra và không có cuộc thanh tra nào phải thanh tra lại” – Thứ trưởng Hiếu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ chưa được thanh tra, thời gian thực hiện một số cuộc thanh tra còn kéo dài, xử lý sau thanh tra chưa quyết liệt, hoạt động thanh tra chuyên ngành còn lúng túng… Trên cơ sở đó, Thứ trưởng yêu cầu tăng cường hoạt động thanh tra hành chính tại các cơ quan thi hành án dân sự, chú trọng hơn nữa đến cơ chế tổ chức thi hành Luật, nhất là vấn đề về tổ chức bộ máy. Thứ trưởng cũng chỉ đạo Thanh tra Bộ theo sát với cơ quan chủ trì (Thanh tra Chính phủ) trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra tới đây.