Mười một tuổi nhập ngũ
Anh Danh Đ, ở xã Minh Thuận (huyện U Minh Thượng, Kiên Giang) là người dân tộc Khmer, sinh trưởng trong một gia đình có tới 8 anh chị em. Năm 1981, anh được lệnh gọi nhập ngũ, sang Campuchia chiến đấu và làm nghĩa vụ quốc tế. Đến năm 1986, anh được xuất ngũ về địa phương, tiếp tục làm ruộng như bao người nông dân khác ở địa phương.
Năm 2013, được sự thông báo chính quyền địa phương, anh Đ đăng ký kê khai, làm thủ tục để được hưởng chế độ quân nhân tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, sau nhiều năm đi lại, anh Đ vẫn chưa hoàn tất thủ tục để được hưởng chế độ như những gì đã từng mong đợi. Anh cho biết: “Trong thời gian tôi không có mặt ở nhà, cha tôi đã kê khai hộ khẩu cho cả gia đình, trong đó tôi còn nhỏ tuổi hơn cả mấy đứa em. Từ đó đến nay, hộ khẩu thường trú và chứng minh nhân dân của tôi đều có năm sinh là 1970”.
Nhiều lần anh Đ đem phiếu xuất ngũ đã bị mối ăn nham nhở chỉ còn họ, tên và số năm tại ngũ (4 năm, 10 tháng) đến Ban Chỉ huy Quân sự huyện, tỉnh để tìm lại quyết định xuất ngũ, nhằm chứng minh mình sinh năm 1963 nhưng đều vô vọng. Không biết chữ, chưa đăng ký khai sinh, mà nếu có đăng ký khai sinh đi chăng nữa thì năm sinh vẫn là 1970, đúng như những giấy tờ đã có trước đó là hộ khẩu và chứng minh nhân dân. Giờ đây, anh cũng như chính quyền địa phương thực sự không biết phải làm như thế nào để giải quyết chế độ cho anh Đ?
Cải chính năm sinh cho anh Đ thông qua tuổi của anh, em liền kề
Khoản 1 Điều 8 Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 quy định: “Trường hợp công dân Việt Nam cư trú trong nước, sinh trước ngày 01/01/2016 mà chưa được đăng ký khai sinh nhưng có hồ sơ, giấy tờ cá nhân (bản chính hoặc bản sao được chứng thực hợp lệ) như: Giấy tờ tùy thân theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP; Sổ hộ khẩu; Sổ tạm trú; Giấy tờ khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có yêu cầu đăng ký khai sinh thì UBND cấp xã, nơi người đó cư trú thực hiện việc đăng ký khai sinh”.
Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch: “Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch”.
Căn cứ vào quy định trên, anh Đ đi đăng ký khai sinh theo Sổ hộ khẩu và Chứng minh nhân dân là những giấy tờ tùy thân đã có trước (có đầy đủ ngày, tháng, năm sinh). Sau khi đăng ký khai sinh xong, anh Đ làm thủ tục cải chính hộ tịch trong Giấy khai sinh, từ sinh năm 1970 thành sinh năm 1963. Căn cứ để xác định sai sót là do lỗi của “người yêu cầu đăng ký hộ tịch”, vì trước đó cha của anh Đ đã kê khai làm Sổ hộ khẩu sai năm sinh, từ đó dẫn đến đăng ký khai sinh sai năm sinh.
Theo suy luận, anh Đ không thể nào sinh năm 1970 mà đi bộ đội từ năm 1981 (11 tuổi) được. Tuy nhiên, để có cơ sở cho việc cải chính năm sinh, anh có thể nhờ người khác làm tờ tường trình lại sự việc, trong đó nội dung phải thể hiện được họ và tên cha, mẹ, anh, chị, em, anh Đ và năm sinh của họ. Kèm theo là bản sao giấy tờ tùy thân chứng minh năm sinh người anh/chị và người em liền kề. Tờ tường trình này, nhất thiết phải có 02 người làm chứng trở lên, và có xác nhận của Trưởng ấp. Trong quá trình làm thủ tục cải chính, nếu xét thấy cần thiết, Phòng Tư pháp huyện sẽ tiến hành xác minh.
Khi đã có quyết định cải chính năm sinh trong Giấy khai sinh, anh đem Sổ hộ khẩu, Chứng minh nhân dân, bản sao quyết định cải chính của UBND huyện đến Công an huyện U Minh Thượng, để chỉnh lại năm sinh trong Sổ hộ khẩu. Căn cứ vào Sổ hộ khẩu đã được chỉnh sửa, Công an huyện sẽ cấp đổi lại Chứng minh nhân dân cho anh có năm sinh 1963.
Hộ khẩu, Chứng minh nhân dân mới sinh năm 1963 sẽ là cơ sở để anh hoàn tất thủ tục để hưởng chế độ tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia.