Theo quy hoạch, trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông có 36 trạm dừng nghỉ. Trong đó, 9 đã đưa vào khai thác và đang đầu tư, 1 do địa phương quản lý, 2 đang được TCty Phát triển đường cao tốc đầu tư và 24 do Bộ GTVT quản lý.
Với 24 trạm do Bộ GTVT quản lý, các BQL dự án đã tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn lập hồ sơ, hoặc đã thống nhất vị trí và hoàn thiện hồ sơ, hoặc đã phát hành hồ sơ mời thầu... Trạm dừng nghỉ có nhiều hạng mục, và ưu tiên các hạng mục cấp thiết như bãi đỗ xe, cây xăng, nhà vệ sinh để phục vụ nhu cầu người dân. Trong vòng 2 - 3 tháng sau khi trúng thầu, nhà đầu tư phải ưu tiên làm trước các hạng mục này.
Khi thực hiện các dự án giao thông đường bộ, nhất là các tuyến cao tốc mới, bao giờ cũng có phần gói thầu bảo đảm an toàn giao thông như dải phân cách, biển báo, chống lóa, trạm dừng nghỉ... nhằm bảo đảm an toàn giao thông, nhất là với các tuyến đường xe lưu thông với tốc độ cao như cao tốc. Rất tiếc là một số tuyến cao tốc đã vận hành nhưng chưa có trạm dừng nghỉ, nên tài xế sau một quãng đường dài không có chỗ đậu xe nghỉ ngơi, người ngồi trên xe cũng không có nơi giải quyết một số nhu cầu cá nhân.
Có lẽ điều này các nhà hoạch định chính sách, quản lý giao thông đều biết. Nhưng “cái khó bó cái khôn”, đầu tiên là khó về tiền vốn, ngay số lượng làn đường nhiều tuyến chưa đủ “chuẩn”, mới chỉ có 2 làn, phải phân kỳ đầu tư, nên vấn đề trạm dừng nghỉ đã có lúc bị coi là thứ yếu. Còn vấn đề rất khó để kêu gọi nhà đầu tư xây trạm dừng nghỉ, vì nếu vị trí trạm không phù hợp, ít xe vào, hoặc vào chỉ đậu để nghỉ ngơi, chứ chắc gì ai cũng sử dụng dịch vụ, mua bán. Vì vậy, có thể đầu tư mà chậm hoàn vốn, khó sinh lời.
Thực tế trên đã thay đổi, sau khi Bộ GTVT công bố mạng lưới trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông; ban hành Thông tư 09/2024/TT-BGTVT sửa đổi 01:2024 QCVN 43:2012/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ, quy định rõ trạm dừng nghỉ là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, cung cấp các dịch vụ phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông. Các trạm dừng không chỉ là nơi để tài xế và hành khách ghé vào đi vệ sinh, dừng chân, mà còn nghiên cứu theo kinh nghiệm quốc tế để hình thành một mạng lưới trạm dừng với quy mô, cách thức hiện đại, đầu tư bài bản với nhiều tiện ích, nhiều khu vực kinh doanh như một tổ hợp giải trí, thương mại. Đó chính là nền tảng để nhiều DN quan tâm, khảo sát, tham gia đầu tư; và đại diện Cục Đường cao tốc tự tin khẳng định “bảo đảm trong năm 2024, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đều có trạm dừng nghỉ” như đã nói ở trên. Sự việc trên càng chứng minh cho thấy, các chủ trương, cơ chế của Nhà nước là rất quan trọng, đóng vai trò dẫn dắt định hướng, gỡ khó những vướng mắc trong thực tiễn ra sao.